Theo dữ liệu chính thức, trong nửa cuối năm ngoái, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc chỉ đạt 42,5 tỷ USD, giảm tới 73% và là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1999 đến nay.
Từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2022, tổng vốn FDI chảy vào Trung Quốc trong nửa năm đạt trung bình 160 tỷ USD.
Trong khi đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài của các công ty Trung Quốc cũng tăng 21%, lên 84,2 tỷ USD.
Đầu tư vào Đông Nam Á gia tăng
Theo Nikkei Asian Review, khi vốn FDI chuyển dịch khỏi Trung Quốc, đầu tư vào các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Nam Á đã tăng lên.
Tại Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đến ngày 20/12/2022, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được khoảng 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 16,8 tỷ USD, chiếm 60,6% tổng vốn đăng ký.
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 4,45 tỷ USD, chiếm 16,1% tổng vốn đăng ký.
Samsung Electronics đã chi tới 220 triệu USD để xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Hà Nội. Dự kiến khi đi vào hoạt động, trung tâm này sẽ tăng quy mô nhân lực của hãng từ 2.200 người lên 3.000 người.
Đây là một phần trong kế hoạch của gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc nhằm định vị Việt Nam là trung tâm điện thoại thông minh chiến lược toàn cầu.
Còn ở Thái Lan, tổng số vốn FDI đăng ký đã nhảy vọt 36% trong năm ngoái lên 433,9 tỷ baht (tương đương 12,4 tỷ USD).
Hon Hai Precision Industry (Đài Loan) - thường được biết đến là Foxconn - đã bắt đầu xây dựng một nhà máy lắp ráp xe điện tại nước này vào tháng 11 năm ngoái. Gã khổng lồ ngũ cốc Cargill (Mỹ) cũng đang lên kế hoạch xây dựng một nhà máy nhựa sinh học ở đây.
Đa dạng hóa khỏi Trung Quốc
Sức hút của Trung Quốc đối với các doanh nghiệp nước ngoài đã giảm đi một phần do những biện pháp chống dịch Covid-19 gắt gao. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, vốn FDI thực hiện - bao gồm cả lợi nhuận tái đầu tư - trong quý IV/2022 đã giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 33,8 tỷ USD. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1996, thời điểm bắt đầu thu thập dữ liệu.
Theo một phân tích của Rhodium Group (có trụ sở ở New York), những năm qua, gần như không có doanh nghiệp châu Âu nào đầu tư lần đầu vào Trung Quốc.
Ngay cả những công ty tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc cũng có xu hướng dịch chuyển một phần chuỗi cung ứng khỏi đất nước tỷ dân.
Tính đến cuối năm 2022, số lượng công ty sản xuất và các công ty nước ngoài khác trong khu vực công nghiệp đã lao dốc 0,5% sau một năm, đánh dấu lần sụt giảm đầu tiên trong vòng 3 năm.
Một phần nguyên nhân là căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington về các công nghệ tiên tiến. Cuối năm ngoái, Sony Group đã chuyển phần lớn hoạt động sản xuất máy ảnh từ Trung Quốc sang Thái Lan.
Việc Bắc Kinh quyết liệt theo đuổi chiến lược Zero-Covid trong những năm qua cũng khiến một số công ty rút khỏi nước này, bao gồm công ty sản xuất hộp cơm Nhật Bản Plenus và hãng kính mắt Aigan.
Bước sang năm 2023, chính phủ Trung Quốc đang gấp rút vực dậy tăng trưởng kinh tế sau khi gỡ bỏ các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt. Nhờ đó, chỉ riêng tháng 1, vốn FDI thực hiện đã tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.