Đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/9, mỗi cổ phiếu của Apple sụt giá 7,36 USD, tương đương 4,91%, còn 142,48 USD. Giá cổ phiếu của gã khổng lồ công nghệ Mỹ lao dốc sau khi Bank of America hạ triển vọng từ "khuyến nghị mua" xuống "trung lập".
Đợt bán tháo khiến giá trị vốn hóa thị trường của Apple bốc hơi 120 tỷ USD.
Đà bán tháo lan rộng
Ngoài Apple, các công ty công nghệ khác của Mỹ cũng chứng kiến giá cổ phiếu giảm mạnh. Cổ phiếu của hãng xe điện Tesla lao dốc 6,81% so với phiên liền trước xuống 268,21 USD/cổ phiếu.
Giá cổ phiếu của Amazon.com và Meta - công ty mẹ Facebook - giảm lần lượt 2,72% và 3,84% trong phiên. Chỉ số Nasdaq thiên về công nghệ mất 314,13 điểm, tương đương 2,84%, còn 10.737 điểm.
Trong khi đó, chỉ số Dow Jones và S&P 500 của Mỹ ghi nhận mức giảm lần lượt là 1,54% và 2,11%.
Đà sụt giảm của cổ phiếu Apple cũng kéo tụt giá cổ phiếu của những đối tác lớn của hãng. Bloomberg đưa tin Apple đã thông báo cho các nhà cung cấp hủy bỏ kế hoạch tăng sản lượng iPhone 14 trong nửa cuối năm nay do nhu cầu suy yếu.
Giới quan sát cho rằng lãi suất và lạm phát tăng cao đã đè nặng lên nhu cầu đối với các sản phẩm của Apple.
Tại Nhật Bản, giá cổ phiếu Nidec và Alps Alpine giảm lần lượt 4,89% và 3,79%. Cổ phiếu của nhà cung cấp Đài Loan Largan Precision cũng sụt giá 4,39%.
Cổ phiếu của TSMC - nhà sản xuất chất bán dẫn theo hợp đồng hàng đầu thế giới - cũng lao dốc 2,41%. TSMC là nhà cung cấp độc quyền chip Apple Silicon cho iPhone và máy Mac. Tập đoàn cũng cung cấp cho các công ty Mỹ khác như AMD, Broadcom và Qualcomm.
Giá cổ phiếu của những công ty cung cấp cho Apple ở Trung Quốc như BYD và Foxconn cũng đều trượt dốc. Kể từ đầu năm đến nay, các cổ phiếu công nghệ chịu sức ép lớn khi lãi suất tăng cao và triển vọng kinh tế xấu đi.
Trong cuộc họp chính sách tháng 9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ 3 liên tiếp để đối phó với lạm phát, đưa mặt bằng lãi suất điều hành của Mỹ lên 3-3,25%. Sức mạnh của đồng USD cũng tăng lên mức cao nhất trong vòng 20 năm.
Trong thời kỳ đại dịch, các cổ phiếu công nghệ hưởng lợi nhờ hàng loạt chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ với quy mô chưa từng có của những ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu. Nhưng đến nay, đồng USD và lãi suất đi lên đã triệt tiêu sức hấp dẫn của các tài sản rủi ro, nhất là những cổ phiếu công nghệ tăng trưởng cao.
Theo dữ liệu của Fed, thị trường chứng khoán lao dốc đã khiến lượng nắm giữ cổ phiếu doanh nghiệp và quỹ tương hỗ của người Mỹ giảm từ 42.000 tỷ USD hồi đầu năm xuống còn 33.000 tỷ USD tính đến cuối quý II.
Hàng loạt rắc rối tại Trung Quốc
Các nhà cung cấp của Apple tại Trung Quốc cũng gặp rắc rối vì những đợt bùng phát dịch Covid-19 lẻ tẻ trên toàn quốc. Hồi đầu tháng 9, Thành Đô - trung tâm sản xuất iPad và MacBook của Apple - đã áp dụng các lệnh phong tỏa để đối phó với dịch bệnh, không lâu sau đợt cắt điện do hạn hán khiến các doanh nghiệp Trung Quốc lao đao.
Các nhà máy của Foxconn và Jabil - 2 nhà cung cấp của Apple - phải hoạt động trong một hệ thống khép kín. Theo đó, tất cả nhân viên được yêu cầu làm việc và sinh hoạt tại nhà máy.
Nguồn tin của Nikkei Asia cho biết BOE Technology Group - công ty cung cấp màn hình hàng đầu Trung Quốc - cũng đang áp dụng biện pháp tương tự.
Tuy nhiên, hệ thống khép kín chỉ được áp dụng với các nhà máy nằm trong danh sách đặc biệt của chính quyền Bắc Kinh. Một số nhà sản xuất linh kiện màn hình thậm chí phải tạm dừng sản xuất vì không thể đáp ứng yêu cầu.
Trước đó, trong tháng 8, các nhà máy của Foxconn và Jabil tại Thành Đô đã không đáp ứng mục tiêu sản lượng 30-50% do thiếu hụt điện.
Các nhà cung cấp khác của Apple ở Thâm Quyến - một trung tâm công nghệ khác - cũng lao đao vì tình trạng thiếu hụt nhân viên do những hạn chế nghiêm ngặt tại một số khu vực.