Nội dung chính:
- Giảm phát, hay sự giảm giá không có hại nếu nó đến từ tiến bộ công nghệ, tự do thương mại, nhưng sẽ có hại nếu như nó là hệ quả của việc dư cung quá mức, nhu cầu sụt giảm đột ngột.
- Giảm phát tại Nhật Bản trong “thập kỷ mất mát” là một hệ quả của cuộc khủng hoảng vỡ bong bóng tài sản trên thị trường tài chính.
- Để chống lại giảm phát, các chuyên gia cho rằng cần nới lỏng tài khóa, tiền tệ và tái cơ cấu nguồn lực. Nhưng Trung Quốc - nơi vừa có mức lạm phát 0% - chưa quá lo ngại rủi ro giảm phát, và tin rằng các chính sách hỗ trợ tài chính sẽ có hiệu quả vào nửa cuối năm 2023.
Mới đây, thông tin lạm phát Trung Quốc chạm ngưỡng 0% trong tháng 6, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021, trong khi chỉ số giá sản xuất giảm mạnh, đã dấy lên lo ngại giảm phát ở Bắc Kinh.
Lạm phát cơ bản (loại trừ chi phí năng lượng và lương thực) đã giảm xuống 0,4% từ 0,6% của tháng trước. Chỉ số giá sản xuất tiếp tục lao dốc, giảm 5,4% so với một năm trước đó, mạnh hơn mức giảm của tháng 5 và là mức giảm sâu nhất kể từ tháng 12/2015.
“Quan điểm cốt lõi của chúng tôi là nền kinh tế Trung Quốc đang giảm phát”, ông Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng của Greater China tại ANZ Research đã dự báo ngay sau khi Trung Quốc vừa mới công bố số liệu tăng trưởng GDP quý đầu tiên.
“Trung Quốc hiện tại giống với Hoa Kỳ 15 năm trước và Nhật Bản 30 năm trước”, ông Liu Yuhui, giáo sư tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) đánh giá.
Giảm phát là một “triệu chứng” và cũng gây ra các hệ lụy
Lạm phát phổ biến hơn nhiều so với giảm phát và là mối lo thường trực với các chính phủ.
Lạm phát là sự gia tăng mức giá chung của hàng hóa và dịch vụ trong một nền kinh tế. Trong khi đó, giảm phát là sự giảm giá chung của hàng hóa và dịch vụ, được biểu thị bằng tỷ lệ lạm phát giảm xuống dưới 0%. Cả hai đều có thể gây hại cho nền kinh tế, tùy thuộc vào nguyên nhân và tốc độ thay đổi giá cả.
Lạm phát thường được coi là một mối họa, nhất là trong mắt những người từng trải qua “siêu lạm phát”. Tuy nhiên, lạm phát ở mức độ vừa phải và được dự tính sẽ kích thích tăng trưởng thông qua đầu tư, chi tiêu, vì nếu không đầu tư, chi tiêu, đồng tiền nắm giữ sẽ mất giá (do giá tài sản tăng).
Ở chiều ngược lại, giảm phát có thể giúp người tiêu dùng giảm gánh nặng giá cả khi mua sắm, nhưng bản thân giảm phát thực tế lại gây nhiều hệ lụy đến nền kinh tế, gắn liền với những nguyên nhân gây ra chúng.
Chuyên gia kinh tế Hal Ronald Varian nhận định trên tờ New York Times: “Giảm phát là một triệu chứng, không phải là một căn bệnh. Giống như nước da hồng hào vừa có thể là dấu hiệu của sự khỏe mạnh, vừa có thể là biểu hiện của cơn sốt, giảm phát có thể là dấu hiệu của sức mạnh hoặc điểm yếu tiềm ẩn của nền kinh tế”.
Về cơ bản, nếu giảm giá xảy ra do giảm chi phí sản xuất nhờ thúc đẩy tiến bộ công nghệ hoặc tự do hoá thương mại, thì sẽ rất có lợi. Hoặc trong ngắn hạn, giảm phát sẽ có lợi khi đó là kết quả của nỗ lực chống lạm phát trước đó.
Thông thường, giảm phát sẽ nguy hiểm khi nó phản ánh mức cầu giảm đột ngột, dư thừa năng lực sản xuất ở mức cao và phổ biến.
Với giảm phát, người dân có tâm lý thích giữ tiền, hạn chế hoặc trì hoãn tiêu dùng, vì họ tin rằng giá hàng hóa ngày mai sẽ luôn thấp hơn giá hôm nay.
Điều đó làm giảm cầu, giảm sức tiêu dùng thị trường, buộc các công ty phải tiếp tục giảm giá hàng, giảm sản lượng sản xuất, giảm tiền lương và giảm khả năng bố trí công ăn việc làm dẫn đến thất nghiệp.
Giảm giá - giảm nhu cầu tiêu dùng trở thành vòng xoáy nguy hiểm khiến kinh tế rơi vào suy thoái không kém hậu quả do lạm phát mang lại.
Kinh nghiệm “đau thương” của Nhật Bản
Một ví dụ trong đã xảy ra trong thực tế là giảm phát kéo dài tại Nhật Bản, thường được biết đến với cụm từ “thập kỷ mất mát” - là cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài nhất trong lịch sử tài chính thế giới.
Trong những năm 1970, Nhật Bản có tổng sản phẩm quốc gia (GNP) lớn thứ hai thế giới chỉ sau Hoa Kỳ và đến cuối những năm 1980, Nhật Bản đứng đầu về GNP bình quân đầu người trên toàn thế giới. Nhưng tất cả những điều đó đã kết thúc vào đầu những năm 1990 khi nền kinh tế bị đình trệ.
GNP được hiểu là tổng giá trị của các dịch vụ, sản phẩm cuối cùng mà công dân của một đất nước làm ra ở cả trong và ngoài nước. Chỉ số này phản ánh khía cạnh thu nhập và chi tiêu tốt hơn Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) - là tổng giá trị sản phẩm, dịch vụ được các thành phần kinh tế sản xuất ra trong lãnh thổ một nước.
Các cuộc khủng hoảng kinh tế có tính chu kỳ thường sẽ xảy ra sau sự bùng nổ kinh tế, khi việc định giá các công ty đi quá xa giá trị thực. Thập kỷ mất mát của Nhật Bản phần lớn đến từ sự đầu cơ trong chu kỳ bùng nổ.
Lãi suất thấp trong những năm 1980 kỷ lục đã thúc đẩy thị trường chứng khoán và đầu cơ bất động sản khiến định giá tăng vọt. Định giá tài sản và công ty đại chúng tăng hơn gấp ba lần, đến mức mảnh đất 3 mét vuông gần Cung điện Hoàng gia Nhật Bản có giá tới 600.000 USD.
Khi nhận ra rằng bong bóng là không bền vững, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã tăng lãi suất để cố gắng ngăn chặn tình trạng đầu cơ, giảm mạnh cung tiền từ trên 11% năm 1990 xuống chỉ còn 0,6% năm 1991. Động thái này dẫn đến sự sụp đổ của thị trường chứng khoán và khủng hoảng nợ, do những người đi vay mất khả năng thanh toán. Cùng với những sai lầm trong giải quyết vấn đề nợ xấu, Nhật Bản đã rơi vào vòng xoáy giảm phát.
Tình trạng giảm phát do thắt chặt tiền tệ, kéo theo gánh nặng nợ và đổ vỡ của các ngân hàng thương mại trong những năm 1990 được các nhà kinh tế gọi là tình trạng giảm phát - nợ. Năm 1998, nền kinh tế Nhật Bản chính thức rơi vào giảm phát. Đầu tư và tiêu dùng tư nhân bắt đầu giảm mạnh và giảm phát trở nên nghiêm trọng hơn.
Kể từ đó đến nay, Nhật Bản gần như luôn tăng trưởng dưới 3% và chạm đáy -5,7% vào năm 2009, chỉ duy nhất một lần bật tăng trở lại 4,1% trong năm 2010.
Nhà kinh tế học Paul Krugman cho rằng nguyên nhân của thập kỷ mất mát đến từ việc người tiêu dùng và các doanh nghiệp đã tiết kiệm quá nhiều. Các nhà kinh tế khác lại cho rằng dân số già của đất nước hoặc chính sách tiền tệ mới là nguyên nhân. Đặc biệt, phản ứng chậm chạp của BOJ trong việc can thiệp vào thị trường có thể đã làm trầm trọng thêm vấn đề.
Sau cuộc khủng hoảng, nhiều công dân Nhật Bản đã phản ứng bằng cách tiết kiệm nhiều hơn và chi tiêu ít hơn, điều này có tác động tiêu cực đến tổng cầu. Điều này góp phần tạo ra áp lực giảm phát khuyến khích người tiêu dùng tích trữ thêm tiền, dẫn đến vòng xoáy giảm phát.
Phản ứng với rủi ro giảm phát
Theo các nhà kinh tế học, để chống lại quá trình giảm phát với tất cả những tác hại tiêu cực của nó, các biện pháp cần được thực hiện sẽ "ngược chiều" với chống lạm phát. Nổi bật là việc nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua giảm lãi suất, hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, nới lỏng định lượng và kích cầu nền kinh tế thông qua tăng chi tiêu chính phủ, giảm thuế. Đây là những phương pháp tiêu biểu mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng khá phổ biến trong thời gian gần đây, nhất là ở Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản.
Một giải pháp khác, ngoài việc nới lỏng tiền tệ và tài khóa, là giải toả tình trạng đầu tư dư thừa công suất trong nền kinh tế. Điều này đòi hỏi các chính phủ tiến hành các cải cách cơ cấu cần thiết, nâng cao chất lượng sản phẩm và cải thiện danh mục hàng hoá dịch vụ sản xuất. Đồng thời, các chuyên gia cũng nhấn mạnh việc cần dịch chuyển nguồn lực các lĩnh vực mới, còn nhiều tiềm năng phát triển, hoặc tạo ra nhu cầu mới cho xã hội.
Tuy nhiên, nới lỏng tiền tệ không phải lúc nào cũng hiệu quả.
Với Trung Quốc, bối cảnh không chắc chắn của nền kinh tế khiến các hộ gia đình Trung Quốc tiếp tục gửi tiền tiết kiệm thay vì chi tiêu, và các công ty vẫn cảnh giác với việc đầu tư mới. Điều đó làm dấy lên nỗi ám ảnh về vòng xoáy giảm phát, giảm lương.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã cố gắng khuyến khích mọi người chi tiêu bằng cách tăng thanh khoản ngân hàng thông qua nhiều công cụ chính sách, chẳng hạn như nghiệp vụ thị trường mở và hạ thấp tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
Nhưng người tiêu dùng dường như hầu như không phản ứng. Thay vì tiêu tiền, mọi người đang tích trữ tiền mặt với tốc độ kỷ lục. Theo các nhà phân tích, phần lớn các khoản cho vay mới của ngân hàng đã được chuyển đến các chính quyền địa phương, được sử dụng để trả các khoản nợ của họ.
Ông Li Daokui, giáo sư kinh tế tại Đại học Thanh Hoa, người từng phục vụ trong ủy ban cố vấn của PBoC, đã kêu gọi chính quyền Bắc Kinh trao 500 tỷ NDT (72,5 tỷ USD) dưới dạng phiếu tiêu dùng để thúc đẩy chi tiêu trong thời gian còn lại của năm nay.
Tuy nhiên, PBoC vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng cuối năm.
Zou Lan, một quan chức của PBoC, cho biết tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh rằng “không có cơ sở nào cho tình trạng giảm phát hoặc lạm phát trong dài hạn”.
“Khi các chính sách hỗ trợ tài chính có hiệu lực, nhu cầu của người tiêu dùng dự kiến sẽ ấm lên và giá cả có thể sẽ quay trở lại mức trung bình của các năm trước trong nửa cuối năm nay,” ông nói.
Không ai mong muốn giảm phát thực sự xảy ra ở Trung Quốc. Nhưng việc hiểu rõ được các rủi ro sẽ là cần thiết để không rơi vào khủng hoảng kéo dài như Nhật Bản và Hoa Kỳ đã từng.