Nội dung chính:
- VPBank ghi nhận khoảng 4.000 tỷ đồng lợi nhuận trong quý I, tăng trưởng tín dụng và huy động lần lượt đạt 11,5% và 7%.
- Tỷ lệ nợ xấu tăng trong quý I và quý II, dự kiến giảm trong 2 quý cuối năm
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 diễn ra chiều 18/4, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã VPB) Nguyễn Đức Vinh cho biết quý I, ngân hàng đạt lợi nhuận hơn 4.000 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng và huy động lần lượt đạt 11,5% và 7%. Mảng tài chính tiêu dùng FE Credit lỗ trong quý I.
Ông Vinh cho rằng với 4.000 tỷ lợi nhuận đạt được trong quý I, ngân hàng mới đi 1/5 chặng đường nhưng theo mức tăng trưởng dự kiến ở thời gian tới, mục tiêu lợi nhuận riêng lẻ 22.000 tỷ vẫn trong tầm tay.
Tỷ lệ nợ xấu của VPBank đã tăng từ 2,19% ở thời điểm cuối năm 2022 lên 2,6% tại thời điểm cuối quý I. Nguyên nhân, theo ông Nguyễn Đức Vinh, cuộc khủng hoảng thanh khoản cuối năm 2022 đã phản ánh vào tình hình hoạt động của ngân hàng trong quý I, hàng loạt doanh nghiệp không có hoặc giảm đơn hàng, không ít khách hàng cá nhân khi lãi suất tăng cao đã mất khả năng trả nợ…
Theo Tổng Giám đốc VPBank, nợ xấu sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong quý II, nhưng ở mức dưới 3%. Lãnh đạo nhà băng cho biết ngân hàng đang áp dụng nhiều biện pháp để kiểm soát và giảm tỷ lệ nợ xấu trong 6 tháng cuối năm, mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu cả năm về mức 2,2%.
Lãnh đạo nhà băng cho biết, VPBank tiếp tục tăng trưởng phân khúc chiến lược bán lẻ, khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Mảng bán lẻ của ngân hàng dự kiến tăng 40% và mảng SME tăng 35% trong năm 2023.
Hiện tại dư nợ mảng bán lẻ của VPBank là hơn 200.000 tỷ đồng. Trong quý đầu năm, mảng bán lẻ đã tăng trưởng hơn 40.000 tỷ đồng về huy động.
Ngoài ra, FDI cũng được xem là một động lực để VPBank tăng trưởng trong năm nay, hiện nhà băng đang phục vụ khoảng hơn 80 doanh nghiệp FDI và đặt mục tiêu phục vụ hơn 300 doanh nghiệp FDI vào cuối năm.
Riêng quý 1, VPBank đã tăng hơn 12% về huy động, tính đến thời điểm hiện tại (18/4/2023) đã tăng khoảng 12,5%, đảm bảo nguồn vốn để tăng trưởng cao.
Ngoài ra, công ty chứng khoán cũng được kỳ vọng sẽ mang về nguồn thu lớn cho VPBank. Năm 2022, công ty chứng khoán đóng góp 500 tỷ lợi nhuận, dự kiến tăng gấp 3 lần trong năm nay.
Ông Nguyễn Đức Vinh nhìn nhận 2023 tiếp tục là một năm có nhiều thách thức với ngành ngân hàng nói chung và VPBank nói riêng. Quý I và quý II, nền kinh tế tăng trưởng chậm đã tác động tiêu tục lên tình hình hoạt động của VPBank, tuy nhiên, theo ông Vinh, ban lãnh đạo ngân hàng nhìn thấy cơ hội trong 6 tháng cuối năm, kiên định với kế hoạch năm nay với các chỉ tiêu cụ thể:
(*) Nếu tính trên các hoạt động kinh doanh cốt lõi, mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2023 theo kế hoạch là 53%
“Nếu tình hình 2 quý đầu năm không thuận lợi, chúng tôi sẽ tìm mọi cách để bù đắp lại trong 6 tháng cuối năm.. Nếu khó quá thì sẽ trình cổ đông phương án xem xét, điều chỉnh”, Tổng Giám đốc VPBank nói.
Ông Nguyễn Đức Vinh cũng cho biết mục tiêu lợi nhuận trước thuế 24.000 tỷ đồng cho cả năm 2023 không phải là mức cao nếu so sánh với mức tăng trưởng của các năm trước, tuy nhiên ông cho rằng đây là mức phù hợp với bối cảnh thị trường hiện tại.
“Chúng ta có nguồn vốn lớn, có nền tảng để đề ra các kế hoạch, để có tham vọng. Nhưng chúng tôi cũng không đưa ra các mục tiêu viển vông, tất cả mục tiêu đưa ra đều có đủ nền tảng, cơ sở”, ông Vinh nói.
Trước đó, năm 2022, dư nợ tín dụng của VPBank đạt gần 480.000 tỷ đồng tăng trưởng tín dụng tại ngân hàng riêng lẻ khoảng 30%, hơn gấp đôi so với trung bình ngành 14,5%. Huy động khách hàng đạt 303.151 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 21.220 tỷ đồng.
Bán lẻ tiếp tục là trụ cột đóng góp chính vào quy mô danh mục tín dụng, trong đó 2 phân khúc Khách hàng cá nhân và Doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng trưởng 38% so với cuối năm 2021.
Theo lãnh đạo VPBank, năm 2022, thu nhập từ nợ đã xử lý rủi ro tăng gần 14% so với năm 2021. Tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối năm 2022 tại ngân hàng riêng lẻ được kiểm soát ở mức 2,19%, tuy nhiên ở phân khúc tài chính tiêu dùng tại FE Credit, nợ xấu hợp nhất ở mức 4,7%.