Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank (VPB) vừa công bố báo cáo tài chính quý II và 6 tháng đầu năm nay với kết quả kinh doanh cao kỷ lục.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, nhà băng này đã ghi nhận gần 31.600 tỷ đồng doanh thu, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập từ lãi (hoạt động cho vay) của ngân hàng đã tăng gần 11%, mang về hơn 20.350 tỷ, tương đương 64% tổng thu nhập.
VPBank cho biết mức tăng trưởng mạnh ở nguồn thu kể trên xuất phát từ việc tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đã cao gấp 3 lần so với mức tăng cùng kỳ năm 2021.
Tương tự, thu nhập thuần từ phí 6 tháng vừa qua của ngân hàng cũng ghi nhận mức tăng gần 35%, mang về 2.800 tỷ đồng. Trong đó, tăng trưởng chủ yếu đến từ hoạt động thanh toán, kinh doanh dịch vụ bảo hiểm, quản lý tài khoản và dịch vụ thẻ.
Ngoài ra, VPBank còn thu về hơn 1.700 tỷ đồng từ hoạt động xử lý nợ trong nửa năm qua, tăng 26% so với cùng kỳ.
Trong bối cảnh doanh thu tăng mạnh kể trên, tổng chi phí VPBank phải bỏ ra kỳ này chỉ tăng 20%, trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng chỉ tăng 12%, kết quả là nhà băng này đã thu về khoản lãi trước thuế gần 15.323 tỷ đồng trong kỳ. So với nửa đầu năm 2021, mức lợi nhuận VPBank thu về năm nay đã tăng tới 70%. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất mà ngân hàng này ghi nhận được từ trước đến nay.
Chỉ tiêu lợi nhuận sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp của ngân hàng nửa đầu năm nay cũng ghi nhận mức tăng tương ứng, đạt 12.241 tỷ đồng.
Với kết quả kể trên, VPBank đã hoàn thành hơn 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm (gần 30.000 tỷ) và đang là ngân hàng có lợi nhuận bán niên 2022 cao nhất thị trường. Xếp ngay sau là Techcombank với 14.100 tỷ đồng sau 6 tháng.
Tính riêng quý II, ngân hàng có trụ sở tại Láng Hạ (Hà Nội) đã thu về 13.286 tỷ đồng doanh thu và 4.177 tỷ lãi trước thuế. Tuy vẫn ghi nhận mức tăng 10% ở chỉ tiêu doanh thu nhưng lãi trước thuế của nhà băng này đã giảm 17% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc suy giảm lợi nhuận này là chi phí dự phòng rủi ro tín dụng riêng quý II của VPBank đã tăng hơn 33%, tiêu tốn gần 5.600 tỷ đồng .
Tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản cân đối với nguồn vốn của VPBank đạt khoảng 608.275 tỷ đồng , tăng 11,1% so với đầu năm.
Trong đó, hai chỉ tiêu tài chính quan trọng nhất là tiền gửi của khách hàng và cho vay khách hàng đạt lần lượt 295.420 tỷ và 392.504 tỷ đồng , tăng 22,1% và 10,5% so với đầu năm. Nếu tính cả các khoản cho vay khác, hiện tổng dư nợ tín dụng của VPBank vào khoảng 436.000 tỷ đồng và tăng trưởng tín dụng của riêng ngân hàng mẹ nửa năm qua là 14,3%.
Trên báo cáo hợp nhất, tổng nợ xấu (nhóm 3-5) của VPBank đến cuối tháng 6 vào khoảng 20.625 tỷ, tăng 27% so với đầu năm. Trong đó, các khoản nợ xấu tăng chủ yếu ở nhóm 4 - Nợ nghi ngờ và nhóm 5 - Nợ có khả năng mất vốn.
Với con số nợ xấu hợp nhất kể trên, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay hợp nhất của ngân hàng này hiện lên tới 5,25%, tăng so với mức 4,57% cùng kỳ năm trước.
Nếu tính riêng ở ngân hàng mẹ, tổng nợ xấu nội bảng của VPBank hiện ở mức 8.915 tỷ, cũng tăng 58% so với đầu năm, nhưng tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay mới ở mức 2,83%, vẫn dưới mức 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.