Tòa án đã triệu tập những người liên quan, nhân chứng gồm anh Lê Hải An, ông Lê Thanh Thản, Sở Tài nguyên Môi trường..., song những người này có đơn xin xét xử vắng mặt. Bị cáo Hiển băn khoăn vì vắng mặt nhiều cơ quan quan trọng như: Sở Tài Nguyên Môi trường, Sở Xây dựng, Xí nghiệp Nhà Hai Bà Trưng, Cục thuế Hà Nội…
Tòa án giải thích, các cơ quan và nhân chứng đều có lời khai trong bút lục hồ sơ. Nếu cần thiết, tòa án sẽ công bố lời khai của họ.
Theo cáo trạng, anh Thủy có nhu cầu mua gom ba thửa đất số 296, 298, 300 ở mặt phố Bà Triệu, Hà Nội để kinh doanh bất động sản.
Nguồn gốc ban đầu của ba thửa đất này là nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước. Ba thửa đất có diện tích 676 m2, có 14 hộ dân sinh sống, trong đó có 308 m2 đã được 11 hộ dân mua của Nhà nước và được cấp sổ đỏ.
Từ tháng 5/2017 đến tháng 9/2017, anh Thủy đã mua lại phần diện tích của 11 hộ dân này và làm thủ tục sang tên sổ. Đồng thời thuê lại 108 m2 nhà ở.
Sau đó, anh Thủy muốn mua phần diện tích còn lại, làm thủ tục gộp sổ hồng, chuyển đổi mục đích sử dụng đối với phần đất sử dụng chung ở khu đất số 296, 298, 300 Bà Triệu.
Tuy nhiên, theo quy định pháp luật, anh Thủy không phải là đối tượng được mua nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước. Vì vậy, anh Thủy nhờ bị cáo Hiển, giúp thủ tục mua nhà, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và gộp sổ.
Để hợp thức việc nhờ bị cáo Hiển đứng tên làm giúp làm các thủ tục trên, Hiển và anh Thủy đã thống nhất thực hiện việc ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Nguyễn Thị Liên (là vợ Hiển), viết các giấy nhận tiền góp vốn và chuyển nhượng lại phần vốn đã góp, ký các hợp đồng công chứng chuyển nhượng nhà đất tại phố Bà Triệu với Liên và Hiển.
Năm 2017, 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội cấp 4 sổ đỏ đứng tên vợ chồng Hiển. Lúc này, Hiển nảy sinh ý định chiếm đoạt và không trả lại nhà đất trên cho anh Thủy như thỏa thuận.
Năm 2018, Hiển tìm cách bán nhà đất trên cho anh Lê Hải An (SN 1991) theo 4 hợp đồng chuyển nhượng nhà đất với giá là hơn 320 tỷ đồng. Đến ngày 29/1/2019, do phát hiện đất bị hụt 8,8m2 so với thực trạng nên Hiển đã trả lại anh An hơn 3,5 tỷ đồng.
Thực tế, trên các hợp đồng chuyển nhượng công chứng, Hiển chỉ ghi diện tích đất là 676,4m2 với tổng giá trị chuyển nhượng là 30 tỷ đồng, thấp hơn so với số tiền thực tế các bên giao dịch. Hai bên sử dụng các hợp đồng này để kê khai và nộp thuế nhà nước.
Sau khi việc chuyển nhượng thành công, anh An được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Cáo trạng xác định, tổng giá trị thừa đất tại số 296, 298 và số 300 phố Bà Triệu trên mà Lương Thế Hiển đã chiếm đoạt là hơn 127 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, bị cáo Hiển yêu cầu anh Thủy ký hợp đồng hợp tác kinh doanh ngày 20/3/2017, nhưng bị cáo Liên đứng tên hợp đồng. Nội dung: “Anh Thủy, bà Liên cùng góp vốn đầu tư mua nhà đất tại 296,298,300 phố Bà Triệu, tổng giá trị tạm tính là 200 tỷ đồng. Tỷ lệ góp 50/50, mỗi bên là 100 tỷ đồng”.
Hai bên còn ký biên bản thanh lý hợp đồng ngày 1/10/2017, “Anh Thủy chuyển nhượng lại 50% cổ phần, tương đương số tiền 100 tỷ đồng vốn góp…”.
Lời khai của anh Thủy thể hiện, anh có quen biết bị cáo Hiển trong lần công tác sang Nhật Bản. Trong chuyến đi, bị cáo Hiển nói là phó Chánh văn phòng đã về hưu chuyên làm giấy tờ đất cát nên tin tưởng nhờ làm sổ đỏ.
Hai bên còn gặp nhà ở nhà riêng bị cáo Hiển. “Anh Hiển nói giúp làm thủ tục với phí 10 tỷ đồng. Tôi mặc cả còn 7 tỷ đồng. Cái này nói miệng. Sau đó, anh Hiển nói lập hợp đồng giả cách, đứng tên anh Hiển mới giải quyết nhanh được…”, anh Thủy trình bày.
Còn bị cáo Hiển cho rằng, nội dung cáo trạng không đúng vì việc hợp tác kinh doanh, giao nhận tiền giữa các bên là có thật.
Hội đồng xét xử chất vấn, chủ thể hợp đồng là bị cáo Liên và anh Thủy, không có tên bị cáo Hiển. Tuy nhiên, bị cáo Hiển cho rằng, giữa 2 vợ chồng, ai đứng tên hợp đồng cũng được vì sau này vẫn là tài sản chung của vợ chồng.