Trong vụ án này, bị cáo Minh bị cáo buộc 2 tội danh là Vi phạm quy định quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Tham ô tài sản.
Chủ doanh nghiệp nhận thức sai pháp luật?
Trước đó, Viện kiểm sát cho rằng bị cáo Nguyễn Văn Minh có động cơ vụ lợi cá nhân, tạo điều kiện cho con rể là Nguyễn Đại Dương làm trái quy định. Các bị cáo chuyển nhượng trái phép quyền sử dụng khu đất 43ha và 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú sang công ty tư nhân do bị cáo Dương góp vốn thành lập khiến nhà nước thất thoát hơn 984 tỷ đồng.
Mặt khác, bị cáo Minh còn tạo điều kiện cho 2 công ty sân sau là Công ty Hưng Vượng, Công ty Phát triển (do con gái Minh là Nguyễn Thục Anh đứng tên cổ phần) liên doanh, góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất 145ha vào Công ty Tân Thành. Tại khu đất này, bị cáo Minh cùng các đồng phạm không xác định quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa, sắp xếp khu đất 145ha vào mục “Tài sản chờ thanh lý” hơn 4.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, bị cáo Minh là chủ mưu thực hiện hành vi tham ô tài sản với thủ đoạn tinh vi khi để người thân quen chuyển nhượng 19% vốn của Công ty Tân Thành để chiếm đoạt hơn 815 tỷ đồng của PRT.
Viện kiểm sát cũng nhấn mạnh, bị cáo Minh lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thao túng hoạt động của HĐTV theo mục đích cá nhân, vi phạm các quy định pháp luật một cách có chủ ý để vun vén cho lợi ích cá nhân và những người thân trong gia đình.
Bào chữa cho bị cáo Minh, luật sư Nguyễn Thành Công cho rằng thân chủ của mình có sự nhận thức sai về pháp luật.
Về phân loại tài sản khu đất 145ha vào mục “Tài sản chờ thanh lý”, lời khai giám đốc Công ty thẩm định giá Đông Nam xác định đã phân loại đúng vì đó là tài sản chờ xử lý khi có ý kiến cấp trên hoặc chủ sở hữu. Còn bị cáo Minh và các bị các khác chỉ nhận thức phân loại tài sản mà không phân loại theo tính chất tài sản. Các bị cáo tư duy theo lối thông thường là PRT đã liên danh với Công ty Tân Thành nên buộc phải giữ lại khu đất trên.
Theo luật sư, nguyên nhân sai phạm trên là sự thiếu hiểu biết pháp luật cổ phần hóa doanh nghiệp, vội vàng và chủ quan. Các bị cáo hiểu rằng Tổng công ty 3/3 không còn quyền sử dụng đất tại khu đất 145ha, mà chỉ có quyền quản lý tài sản nên không đưa khu đất này tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.
Còn về tội Tham ô tài sản, luật sư Công cho rằng việc Công ty Hưng Vượng và Công ty Phát triển “thế chân” nhà đầu tư ngoại tham gia liên danh Công ty Tân Phú tại dự án khu đất 43ha là do sự thay đổi Luật Doanh nghiệp.
Theo Luật Doanh nghiệp 2005, đối với cổ phần đã đăng ký mà chưa góp đủ thì chuyển thành khoản nợ nhưng Luật Doanh nghiệp 2014 lại quy định, số cổ phần đã đăng ký mà chưa mua đủ thì sẽ mất quyền sở hữu sau 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với phần chưa mua.
Các bị cáo quyết định việc tiếp tục cho phép 2 công ty này góp thêm vốn vào năm 2018 là theo hiểu biết pháp luật cũ, không hiểu rằng khi Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực thì từ đầu 2015 quy định nợ số vốn cổ phần chưa góp không còn giá trị mà đã mất quyền. Trường hợp muốn mua tiếp số cổ phần đã đăng ký thì chỉ còn 1 cách duy nhất là phải định lại giá trị doanh nghiệp rồi tính ra giá trị 1 cổ phần và trả tiền tương ứng với số cổ phần muốn mua.
Theo luật sư, việc bán 19% vốn theo giá thực tế 119.678 đồng/cp, không theo giá trị sổ sách 16.315 đồng/cp cũng không ảnh hưởng đến giá trị doanh nghiệp chưa phát hành cổ phiếu.
Luật sư Nguyễn Văn Hiệp cho rằng, cáo buộc bị cáo Minh thao túng Hội đồng thành viên, câu kết với bị cáo Dương… là không chính xác.
Những "cái bóng" trong doanh nghiệp
Luật sư Nguyễn Văn Tú bào chữa cho vợ chồng bị cáo Võ Hồng Cường, Trần Đình Như Ý (cựu Chủ tịch HĐTV Công ty Phát triển). Bị cáo Cường, Như Ý và Nguyễn Thục Anh bị cáo buộc đồng phạm giúp sức cho bị cáo Minh trong tội Tham ô tài sản.
Theo luật sư Tú, các bị cáo Cường, Như Ý và Thục Anh chỉ tiếp nhận ý chí, không được bị cáo Minh cho biết rõ ý định, mục đích khi để Công ty Hưng Vượng và Công ty Phát triển góp vốn vào Công ty Tân Thành.
“Bị cáo Thục Anh và Như Ý không tham gia hoạt động của Công ty Phát triển nên về mặt ý thức và điều kiện, họ không thể nhân ra việc chuyển nhượng cổ phần cho ông Đặng Công Thanh (bên trung gian nhằm lách luật) là hành động chuẩn bị cho một tội phạm nghiêm trọng. Họ chỉ tin tưởng người thân mà làm”, luật sư Tú nói.
Cũng theo luật sư, bị cáo Minh và Cường cùng sở hữu Công ty Hưng Vượng, Công ty Phát triển và Công ty Tân Thành. Dù ở doanh nghiệp này thì tỷ lệ vốn của bị cáo Cường cũng thấp hơn. Ở góc độ quản lý, bị cáo Cường luôn là cấp dưới, bị cáo Minh là cấp trên. Quá trình điều tra, bị cáo Cường đã sử dụng thuật ngữ mình chỉ là “cái bóng” của ông Minh.
“Nói theo cách khác thì bị cáo Cường và Thục Anh là cái bóng của bị cáo Minh, bị cáo Như Ý là cái bóng của bị cáo Cường”, luật sư Tú phân tích.
Luật sư Tú cho biết gia đình bị cáo Cường vận động họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp mang toàn bộ sản nghiệp gia đình và sản nghiệp 2 Công ty Hưng Vượng, Công ty Phát triển đi thế chấp vay vốn để lấy tiền khắc phục hậu quả. Hiện nay các cá nhân và 2 pháp nhân này mang tổng dư nợ khoảng 1.100 tỷ đồng.