Sáng 30/6, trả lời câu hỏi của các cơ quan thông tấn, báo chí về những thông tin liên quan đến Công ty bảo hiểm Manulife và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) bị người dân tố cáo “hô biến” tiền gửi tiết kiệm của khách thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu cho biết: Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiếp nhận nhiều đơn phản ánh, tố cáo của người dân liên quan đến nội dung này.
Quá trình cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp nhận, nghiên cứu đơn tố giác của người dân, cũng như hồ sơ người dân chuyển từ sổ tiết kiệm sang gói bảo hiểm thì nhận thấy trên hồ sơ thể hiện rất minh bạch.
Cụ thể là, khi người dân rút tiền ra từ Ngân hàng SCB đều có hợp đồng thanh lý và ký rõ ràng. Những hợp đồng người dân mua bảo hiểm cũng đều có chữ ký của người dân.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, vấn đề đặt ra hiện nay là: Liệu lãnh đạo ngân hàng cũng như các nhân viên của SCB có tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng để ký những hợp đồng này hay không?
"Chúng tôi cũng đang đặt câu hỏi, liệu người dân, khách hàng này vì không hiểu biết, thiếu thông tin nên có bị cán bộ ngân hàng dùng nghiệp vụ ngân hàng để lèo lái hay không?", ông Thành nói.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu sẽ tập trung điều tra làm rõ.
“Quá trình điều tra xác minh, phía ngân hàng và công ty bảo hiểm thể hiện sự thiện chí, hợp tác đối với cơ quan Cảnh sát điều tra", Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành cho biết.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng khuyến cáo người dân trước khi ký vào hợp đồng cần nghiên cứu cần xem xét kỹ, tỉnh táo, tránh việc chỉ nhằm vào lãi suất mà đặt bút ký vào những hợp đồng bất lợi.
Hơn nữa, các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trong thời gian gần đây thường dưới dạng liên kết đầu tư nên càng phức tạp.
Về đội ngũ tư vấn viên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh, đây là khâu mấu chốt dẫn đến nhiều kiện cáo tranh chấp vừa qua.
Theo đại biểu, chính vì tính chất rất phức tạp của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, cho nên mới cần đến đội ngũ tư vấn viên. Tuy nhiên, không ít tư vấn viên cố tình tư vấn mập mờ, thậm chí là sai lệch về sản phẩm mạo hiểm. Không ít tư vấn viên chỉ nói cho khách hàng về những quyền lợi mà họ được hưởng, không chỉ rõ cho khách hàng về những điều khoản ràng buộc, những điều khoản bất lợi…
Đại biểu cho rằng, đây chính là nguồn cơn dẫn đến nhiều bức xúc vừa qua do sự thiếu minh bạch trong tư vấn.
Về công ty bảo hiểm và các đại lý bảo hiểm, theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, bên cạnh những công ty làm ăn uy tín thì thời gian vừa qua có phát sinh nhiều vấn đề.
Dư luận cũng đặt câu hỏi là có hay không việc công ty bảo hiểm biết nhưng mà cố tình bỏ qua lỗi của tư vấn viên, của các đại lý bảo hiểm gây bất lợi cho khách hàng.
"Khi một bên là công ty bảo hiểm chuyên nghiệp với một bên là người mua không chuyên nghiệp mà đẩy hết trách nhiệm cho phía người mua là không hợp lý cả về lý và tình", đại biểu nêu quan điểm.
Chỉ rõ, tỉ lệ tham gia bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam thuộc loại thấp trên thế giới, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng có rất nhiều việc cần phải làm để lành mạnh hóa thị trường bảo hiểm nhân thọ để người dân hiểu đúng tin tưởng và không cảm thấy mạo hiểm khi mua bảo hiểm.
Từ những phân tích trên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị Bộ Tài chính tiến hành thanh tra toàn diện hoạt động bảo hiểm, nhân thọ, trong đó tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư.
Kiến nghị Bộ Công an xác minh làm rõ có hay không có dấu hiệu của tội lừa đảo hoặc là tội lừa dối khách hàng.
Kiến nghị các công ty bảo hiểm đã đến lúc cần rà soát lại toàn bộ các khâu của quá trình bảo hiểm từ khâu thiết kế hợp đồng đến tư vấn, ký kết hợp đồng và giải quyết khiếu nại của khách hàng.
"Chỉ khi thực sự minh bạch và thành tâm, người dân mới không quay lưng với bảo hiểm nhân thọ", đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh.