Đối với các vụ án thao túng thị trường chứng khoán, vấn đề thường được quan tâm nhất là “vậy có bao nhiêu người là nạn nhân, và số tiền thiệt hại như nào?”.
Đơn cử như trong vụ án Phạm Thị Hinh (cựu chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận – KSA), cơ quan tố tụng xác định có 1.496 nhà đầu tư bị thiệt hại hơn 8,1 tỷ đồng. Ngoài ra còn có 3 công chứng khoán cho vay margin bị thiệt hại hơn 761 triệu đồng.
Hoặc như vụ án tại Công ty cổ phần Mỏ và Khoáng sản Miền Trung – MTM, xác định có 1.064 nhà đầu tư bị thiệt hại số tiền 56 tỷ đồng, vụ án Lê Văn Dũng – cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dược phẩm Viễn Đông xác định có 13 nhà đầu tư thiệt hại gần 2 tỷ đồng…
Tội Thao túng chứng khoán được quy định tại Điều 211, Bộ luật Hình sự 2015 là tội cấu thành tội phạm vật chất. Theo đó, các dấu hiệu bắt buộc của tội phạm là hành vi khách quan và hậu quả thiệt hại do hành vi gây ra.
Như vậy, một trong các căn cứ xác định tội phạm là phải xác định hậu quả. So với quy định tại Bộ luật Hình sự 1999 thì Điều 211 đã cụ thể hóa hậu quả “đặc biệt nghiêm trọng” là “thu lời bất chính từ 500 triệu đồng” hoặc “gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 tỷ đồng”.
Cùng với việc sửa đổi Bộ luật Hình sự, khung pháp lý về chứng khoán ngày càng hoàn thiện, làm rõ các hành vi thao túng cũng như hướng dẫn về xác định thu lời bất chính. Vì vậy, trong các vụ án hình sự liên quan đến tội Thao túng thị trường chứng khoán, cơ quan tố tụng có thể xác định số tiền thu lời bất chính, thay vì xác định thiệt hại của nhà đầu tư.
Theo cáo trạng, ông Đỗ Thành Nhân và các đồng phạm bị truy tố về tội Thao túng thị trường chứng khoán theo điểm a, c, khoản 1, Điều 211 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với khung hình phạt đến 7 năm tù.
Cáo trạng thể hiện, xuất phát từ động cơ thu lợi bất chính, ông Nhân đã câu kết với Đỗ Đức Nam, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Trí Việt; đồng thời sử dụng các tài khoản chứng khoán đứng tên người thân, nhân viên thân tín công ty để thực hiện giao dịch mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, đẩy giá cổ phiếu mã BII, TGG.
Công ty Quản lý Tài sản Trí Việt đã rót hơn 748 tỷ đồng cho nhóm ông Nhân vay dưới hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán.
Từ nguồn tiền này, các bị cáo sử dụng 17 tài khoản liên tục thực hiện giao dịch đặt lệnh, khớp lệnh mua, bán cổ phiếu mã BII, TGG để tạo cung, cầu giả tạo và đặt lệnh mua cổ phiếu với khối lượng chi phối vào thời điểm đóng cửa thị trường tạo ra mức giá đóng cửa mới để thao túng chứng khoán. Khi giá cổ phiếu lập đỉnh, đến ngày 6/10/2021, các bị can lập tức đua lệnh bán.
Kết luận giám định của UBCKNN thuộc Bộ Tài chính xác định, hành vi của các bị can vi phạm khoản 3, Điều 12 Luật Chứng khoán 2019 và điểm a, c, Khoản 2, Điều 3 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ.
Theo khoản 2, Điều 3, Thông tư 117/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ Tài chính quy định phương pháp tính khoản thu trái pháp luật thì tổng khoản thu trái pháp luật/số lợi bất hợp pháp có được hành vi thao túng thị trường chứng khoán của nhóm Đỗ Thành Nhân là hơn 154 tỷ đồng.
Bao gồm khoản thu với cổ phiếu TGG từ ngày 3/2/2021 đến ngày 4/10/2021 là hơn 92,2 tỷ đồng và khoản thu với cổ phiếu BII từ ngày 8/1/2021 đến ngày 6/10/2021 là hơn 64,9 tỷ đồng, trừ tiền thuế, phí giao dịch hơn 2,5 tỷ đồng.
Trong đó Công ty Quản lý Tài sản Trí Việt được trả tiền lãi vay hơn 14,1 tỷ đồng.
Cơ quan tố tụng cho rằng, đối với việc phân tích dòng tiền sử dụng số tiền thu lợi, tại thời điểm 4/1/2021 (xảy ra hành vi thao túng) và thời điểm 6/10/2021 (kết thúc hành hành vi thao túng) thì 16 tài khoản còn số dư cổ phiếu mã BII và TGG. Số tiền thu lợi nói trên được chuyển vào các tài khoản ngân hàng, hòa lẫn với số dư tiền gửi tại các tài khoản ngân hàng này và việc kinh doanh các cổ phiếu khác.
Do đó, không có cơ sở để phân tích dòng tiền, bóc tách số tiền thu lợi được sử dụng cụ thể như thế nào, sử dụng vào việc gì.
Khoản 1, Điều 211 quy định: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 tỷ đồng – đến dưới 3 tỷ đồng thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng – 2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo.
Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường.
Khoản 2 điều này quy định, nếu số tiền thu lợi bất chính từ 1,5 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 2 tỷ đồng – 4 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 năm – 7 năm.