Nhiều người Trung Quốc có khả năng mất trắng trong vụ lừa đảo tài chính gây chấn động. Nhưng giới quan sát cho rằng đó có thể chỉ là bề nổi của tảng băng.
Theo CNN, anh Ye, 30 tuổi, sống ở thành phố Đông Hoản (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc). Nhưng anh gửi 160.000 nhân dân tệ (tương đương 24.000 USD ) vào một ngân hàng nông thôn ở tỉnh Hà Nam, cách nơi anh Ye sống 1.500 km.
Giờ, tài khoản của anh Ye bị đóng băng khi ngân hàng của anh liên quan đến một trong những vụ lừa đảo tài chính lớn nhất đất nước. Giống với hàng trăm người khác, anh Ye xuống đường biểu tình để đòi lại tiền.
Vụ việc chấn động
CNN cho biết tại Trung Quốc, các ngân hàng địa phương chỉ được nhận tiền gửi tiết kiệm từ người trong vùng. Nhưng theo giới chức Trung Quốc, một số nhà băng đã dùng nền tảng bên thứ 3 để thu hút tiền gửi ngoài khu vực.
Theo Ủy ban Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC), kết quả điều tra chỉ ra New Fortune Group Hà Nam - một công ty đầu tư tư nhân có cổ phần ở 4 nhà băng nhỏ tỉnh Hà Nam - đã thông đồng với các nhân viên ngân hàng để huy động vốn trái phép thông qua những nền tảng trực tuyến của bên thứ 3.
Đến đầu tháng 4, các nhà băng tạm ngừng cho khách hàng rút tiền, bao gồm Ngân hàng Nông thôn Vũ Châu, Ngân hàng Thượng Thái, Ngân hàng Cộng đồng Chá Thành và Ngân hàng Phương Đông Khai Phong.
Mới đây, theo Bloomberg, cảnh sát Trung Quốc cho biết đã bắt giữ thêm nhiều nghi phạm có liên quan đến vụ lừa đảo.
"Các cơ quan công an vừa bắt giữ một nhóm nghi phạm hình sự, đồng thời niêm phong, thu giữ và phong tỏa tiền, tài sản liên quan đến vụ án theo quy định của pháp luật", Bloomberg dẫn thông báo của công an thành phố Hứa Xương (tỉnh Hà Nam).
Hồi tháng 6, công an thành phố Hứa Xương cũng cho biết đã bắt giữ những nghi phạm có liên hệ với New Fortune Group Hà Nam.
Giới chức địa phương cũng tuyên bố sẽ tự trả tiền cho các nạn nhân của vụ lừa đảo tiền tiết kiệm nhằm xoa dịu làn sóng biểu tình. Theo đó, khách hàng gửi dưới 50.000 nhân dân tệ ( 7.400 USD ) sẽ được "trả tiền sớm" kể từ ngày 15/7.
Nhưng những người như anh Ye, gửi hơn 50.000 nhân dân tệ, vẫn đứng ngồi không yên. Họ sợ sẽ không được hoàn trả đầy đủ.
Thêm vào đó, CBIRC cho biết sẽ không trả tiền cho những tài khoản bị nghi ngờ liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp hoặc nhận lãi suất cao từ những kênh huy động khác.
Những lỗ hổng
Vụ việc cũng phơi bày những lỗ hổng trong hệ thống ngân hàng của Trung Quốc, làm dấy lên nghi ngại về sức mạnh tài chính và khả năng quản trị doanh nghiệp của các doanh nghiệp ở vùng nông thôn.
Các ngân hàng nhỏ của Trung Quốc rất dễ tổn thương, bởi nợ xấu đã trở thành vấn đề nghiêm trọng sau nhiều năm tăng trưởng bùng nổ và quản lý khoản vay yếu kém. Trung Quốc có gần 4.000 ngân hàng vừa và nhỏ, kiểm soát tổng cộng 14.000 tỷ USD .
Theo CBIRC, trong vài năm qua, các nhà chức trách đã xử lý khoản nợ xấu trị giá 2.600 tỷ nhân dân tệ tại những ngân hàng nhỏ. Bắc Kinh cũng huy động hàng trăm tỷ nhân dân tệ cho một quỹ bình ổn nhằm giải cứu các tổ chức tài chính gặp khó khăn.
So với những ngân hàng lớn, các nhà băng nhỏ gặp nhiều rủi ro hơn. Bởi họ phụ thuộc vào tiền gửi và thường đưa ra mức lãi suất cao để thu hút khách hàng.
Vấn đề cốt lõi là hệ thống tài chính của Trung Quốc mở rộng quá nhanh so với nền kinh tế
Ông Logan Wright - Giám đốc Nghiên cứu thị trường Trung Quốc của Rhodium Group
Nhưng khi kinh tế giảm tốc tăng trưởng, khách vay không đủ khả năng trả lãi, khiến các ngân hàng nhỏ cũng gặp khó trong việc trả tiền khách gửi.
Để mở rộng phạm vi hoạt động, các ngân hàng nhỏ đã thu hút tiền gửi thông qua mối quan hệ với những nền tảng trực tuyến. Xu hướng đó lại tạo ra một rủi ro khác.
Năm ngoái, PBoC đã cấm các tổ chức cho vay triển khai những dịch vụ tiền gửi "đổi mới". Lý do được đưa ra là cần "bảo vệ túi tiền của người dân".
Họ lo ngại sự mở rộng thần tốc của lĩnh vực fintech (tài chính công nghệ) sẽ tạo ra nhiều rủi ro hệ thống.
“Vấn đề cốt lõi là hệ thống tài chính của Trung Quốc mở rộng quá nhanh so với nền kinh tế", ông Logan Wright - Giám đốc Nghiên cứu thị trường Trung Quốc của Rhodium Group - nhận định.
Trong khi đó, ông George Magnus - chuyên gia phân tích tại Oxford University - cảnh báo vụ việc ở Hà Nam có thể tạo hiệu ứng lan tỏa sang những ngân hàng khác.
Trên thực tế, những ngày qua, cuộc khủng hoảng của ngành bất động sản leo thang đã khiến cổ phiếu của nhóm ngân hàng Trung Quốc lao dốc mạnh.
Các tập đoàn địa ốc không thể giao nhà đúng hạn, khiến ngày càng nhiều khách hàng từ chối trả nợ ngân hàng. Điều này sẽ làm gia tăng rủi ro nợ xấu đối với các nhà băng Trung Quốc.
Khi niềm tin vào ngành địa ốc ngày càng giảm sút, hệ thống tài chính của Trung Quốc có thể chịu sức ép lớn. Trung Quốc đang ngồi trên núi nợ thế chấp trị giá 46.000 tỷ nhân dân tệ và vẫn còn khoản nợ 13.000 tỷ nhân dân tệ của các tập đoàn địa ốc.
Vừa qua, chỉ số đo lường giá cổ phiếu của các ngân hàng Trung Quốc lao dốc xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020.