Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, vụ việc rau chợ “biến hình” thành rau VietGAP và vào siêu thị mới đây tại TP. Hồ Chí Minh là bài học chung cho siêu thị.
Để rút kinh nghiệm bài học này, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng cần quản trị doanh nghiệp nội bộ cho tốt. Theo đó, cần quản trị chuỗi cung ứng ngắn từ đầu vào cho đến khâu nhập hàng, bảo quản trong kho cho đến sơ chế, tổ chức bán ra và theo dõi bán ra tới khi đến tay người tiêu dùng. Tức là phải phân công, phân nhiệm các nhiệm vụ chịu trách nhiệm, nhất là khâu nhập hàng. Đồng thời phải luôn luôn lắng nghe người tiêu dùng qua các hòm thư góp ý. “Phải xem lại quy chế về trung tâm thương mại, siêu thị mà Bộ Công Thương vừa sửa đổi, đã có quy định về những vấn đề này. Các siêu thị cần chấp hành nghiêm quy chế đó”, ông Vũ Vinh Phú chia sẻ.
Cùng với đó, các siêu thị phải giáo dục đội ngũ cán bộ, nhân viên liên quan đến việc thu mua, bảo quản vừa có nghiệp vụ chuyên môn nhưng phải vừa có đạo đức kinh doanh. “Tôi đã trao đổi với gần 1 vạn cán bộ công nhân viên ngành thương mại Hà Nội cách đây nhiều năm là “Hãy bán hàng như bán cho người thân của mình”; đừng để mất niềm tin, mất niềm tin là mất tất cả", chuyên gia Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.
Để bảo về quyền lợi người tiêu dùng, trước tiên các cơ quan quản lý, siêu thị cần chủ động bảo vệ người tiêu dùng. Quản trị nội bộ, kiểm tra chéo lẫn nhau… là rất quan trọng và giám đốc phải chịu trách nhiệm đầu tiên; phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu.
Còn đối với các cơ quan như Hiệp hội bán lẻ, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng phải có những động thái cho vấn đề này; Sở Công Thương các tỉnh, thành cần làm dấy lên phong trào “Phục vụ tốt, phục vụ văn minh, phục vụ có đạo đức” ở trong hệ thống siêu thị. Muốn dẫn dắt thị trường thương mại thì siêu thị phải làm tốt trước.
Cũng theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, siêu thị hiện mới chỉ phục vụ 15% nhu cầu hàng tươi sống của người dân, nguồn cung chủ yếu vẫn từ các chợ đầu mối, chợ dân sinh. Do đó, tăng cường chất lượng phục vụ, vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ là yêu cầu quan trọng với ngành công thương các địa phương, bên cạnh việc quan tâm chất lượng thực phẩm tại siêu thị.
Về khía cạnh người tiêu dùng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã ra đời nhiều năm và có sửa đổi, bổ sung quy định 8 quyền cơ bản của người tiêu dùng. Trong đó, có quyền được kiểm tra, quyền được giám sát, quyền được khiếu nại, quyền được bảo vệ… Do đó, người tiêu dùng cần hiểu được quyền lợi của mình. Song song với đó cần tìm đến những địa chỉ bán hàng có gắn thương hiệu (có gắn sao), hàng hóa phải có hóa đơn, chứng từ và bộ phận chăm sóc khách hàng để mua hàng.
VietGAP một trong những lựa chọn của người tiêu dùng khi vào siêu thị mua rau bởi mức giá không quá cao so với rau hữu cơ và được bảo đảm về an toàn vệ sinh thực phẩm bởi cơ quan quản lý, tránh hội chứng “rau hai luống, lợn hai chuồng” đã từng xảy ra trước đây. Với tình trạng rau VietGAP ‘dởm’, khiến một lần nữa người tiêu dùng bị “lung lay” niềm tin.
Về vấn đề nghi vấn rau VietGAP 'rởm' vào siêu thị, bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam - cho rằng, theo quy định chung của nhiều siêu thị, định kỳ đều phải đến kiểm tra, giám sát vùng trồng của đơn vị cung ứng, nông sản thực phẩm. Có thể nói, nếu thực hiện theo các quy định trên, việc nông sản, thực phẩm kém chất lượng vào siêu thị là rất khó.
Các siêu thị đều có quy định về kiểm tra chất lượng sản phẩm, nhất là một số siêu thị lớn đều có hệ thống phòng kiểm nghiệm thực phẩm khi nhập kho. Mặt khác, quá trình kiểm tra gồm nhiều bước, nhiều con người thực hiện chứ không phải một việc hay một người mà dễ xảy ra tiêu cực.
Thực tế, thời gian qua, nhiều nhà cung cấp “kêu khóc” vì khó vào siêu thị cũng là như vậy. Mặt khác, vào được siêu thị nhưng nếu vi phạm bị cắt hợp đồng thì chính các nhà cung cấp cũng rất sợ.
Theo bà Vũ Thị Hậu, vụ việc rau kém chất lượng, giả mạo xuất xứ vào một số hệ thống siêu thị đang tiếp tục được làm rõ. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng không nên quá hoang mang về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa trong siêu thị.
Giải pháp trước mắt là các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch phải cắt hợp đồng với nhà cung cấp, rút hàng khỏi quầy kệ. Nếu điều tra là đúng như phản ánh thì hệ thống phân phối phải có giải pháp đền bù thiệt hại cho người tiêu dùng.
Chia sẻ tại một hội nghị diễn ra mới đây, ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dẫn câu chuyện từ một ngôi làng nghèo nhất Nhật Bản trở thành giàu nhất nước này nhờ trồng xà lách. Thế giới gọi là ngôi làng thần kỳ ở Nhật Bản. Họ thành công vì họ bán niềm tin, bán sức khỏe cho người tiêu dùng, chứ không chỉ bán sản phẩm. Ai làm sai quy trình sẽ bị loại ra khỏi thương hiệu trên.
Ông cho rằng, một lần bất tín, vạn lần bất tin. "Do đó, nông dân và doanh nghiệp trước hết phải là người có tâm, biết nghĩ đến sức khoẻ của người khác, không làm tổn thương lợi ích chung của cộng đồng, hành động vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, việc xây dựng được niềm tin với người tiêu dùng đã khó, giữ được niềm tin còn khó hơn. Tình trạng làm ăn bát nháo, nhập nhèm nguồn gốc cũng như chất lượng thì nông sản Việt không chỉ đánh mất thị trường nội địa mà còn mất luôn cả thị trường xuất khẩu.