Vụ sụp đổ trong chưa đầy 48 giờ
Silicon Valley Bank vừa sụp đổ. Chỉ mới ngày 9/3, ngân hàng này vẫn quản lý số tài sản 212 tỷ USD và vốn hoá 16 tỷ USD. Ngay sau khi tình hình kinh doanh bết bát bị “phanh phui”, thì SVB đóng cửa đã trở thành vụ sụp đổ lớn nhất của 1 ngân hàng ở Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Ngoài SVB, Silvergate - nhà cho vay tiền số quy mô nhỏ, cũng thông báo ngừng hoạt động. Ngân hàng này chỉ có 11 tỷ USD tài sản và hoạt động trong lĩnh vực tiền số. Còn SVB thực sự là một ngân hàng và việc họ dừng kinh doanh cũng mang theo những hậu quả về kinh tế.
Tuy nhiên, không thể “đánh đồng” vụ việc này với những khoản vay khó đòi, tình trạng cạn vốn và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các ngân hàng như những gì tạo ra cuộc khủng hoảng hệ thống vào năm 2008.
Các vấn đề của SVB “nhen nhóm” khi hoạt động đầu tư diễn ra khi Covid-19 bùng phát. Là ngân hàng cung cấp dịch vụ cho các nhà đầu tư mạo hiểm và startup ở California, họ đã nhận được hàng tỷ USD tiền gửi từ các startup vốn “ngập” trong tiền mặt của các nhà đầu tư. Họ đã nắm giữ quá nhiều tiền - gần 130 tỷ USD tiền gửi mới vào năm 2020 và 2021, đến mức không thể cho vay hết.
Thay vào đó, SVB quyết định đầu tư phần lớn số tiền đó vào trái phiếu dài hạn được chính phủ Mỹ đảm bảo. Trái phiếu này không gây ra rủi ro vỡ nợ. Và bởi các khoản tiền gửi của SVB hầu như không mất phí, nên họ cũng có lãi dù chỉ phải trả khoảng vài phần trăm lãi suất.
Tuy nhiên, cách đầu tư như vậy chỉ phù hợp trong thời kỳ lãi suất thấp. Khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) bắt đầu tăng lãi suất để kìm cương lạm phát, thì việc trả lãi cho các khoản tiền gửi trở nên đắt đỏ hơn. Chỉ trong năm qua, chi phí tiền gửi ở SVB đã tăng từ 0,14% lên 2,33%. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ dài hạn mà họ đầu tư gần như không thay đổi.
SVB dự định giải quyết vấn đề này bằng cách bán một số trái phiếu dài hạn và tái đầu tư với trái phiếu ngắn hạn hơn với lợi suất cao hơn. Những khoản lỗ từ việc thanh lý danh mục như vậy sẽ được bù đắp bằng việc bán cổ phiếu.
Song, nhà đầu tư và khách hàng của SVB thậm chí còn không chờ xem liệu kế hoạch của ngân hàng này có thành công hay không. Chỉ trong ngày 9/3, cổ phiếu của SVB bị bán tháo ồ ạt. Cũng trong cùng ngày, khách hàng vội vàng rút tiền, lên tới 42 tỷ USD chỉ trong 24 giờ. Do đó, Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) buộc phải vào cuộc.
Những "vết nứt" xuất hiện trong thời kỳ Fed tăng lãi suất
Trong vài năm qua, rất nhiều ngân hàng khác cũng nhận được những khoản tiền gửi khổng lồ và đầu tư vào trái phiếu dài hạn. Liệu họ có đối mặt với số phận tương tự như SVB? Câu trả lời là có thể. Song, SVB là một trường hợp khác biệt trong ngành ngân hàng Mỹ: tiền gửi và các loại tài sản của ngân hàng này cực kỳ nhạy cảm với lãi suất, cùng với đó là cơ sở khách hàng khá đặc biệt.
Một báo cáo gần đây của RBC Capital Markets xếp hạng 100 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ về điểm khác nhau trong bảng cân đối kế toán của họ. Trong đó, SVB đứng thứ 99 về tỷ lệ tiền gửi dưới 250.000 USD với chưa đến 3%.
Đây là con số rất quan trọng vì những khách hàng doanh nghiệp gửi tiền lớn như của SVB lại đòi hỏi cao, họ muốn nhận lãi cao hơn ngay khi cả lãi suất tăng. Trong khi đó, các bên gửi tiền nhỏ lẻ lại không quan tâm nhiều. Do đó, áp lực ngay lập tức đè nặng lên tỷ suất lợi nhuận của SVB. Mặt khác, về tỷ lệ tổng tài sản ngân hàng này nắm giữ bằng chứng khoán, SVB lại đứng đầu, ở mức 55%.
Hầu hết các ngân hàng nắm giữ nhiều khoản vay lãi suất thả nổi phải trả nhiều tiền hơn khi lãi suất tăng. Nhưng đó không phải là SVB.
Nhìn chung, các khách hàng của SVB vẫn được hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp. Khi chính sách tiền tệ của Fed được nới lỏng, giúp dòng vốn đầu tư mạo hiểm “chảy vào ào ạt”, các startup đã rất tự tin và có túi tiền “rủng rỉnh”.
Khi lãi suất theo thang và đà bán tháo cổ phiếu công nghệ diễn ra, mọi thứ đã thay đổi, khiến các startup lo ngại và phải “thắt lưng buộc bụng”. Cũng trong ngày 9/3, Bloomberg đưa tin rằng Founders Fund - quỹ đầu tư mạo hiểm nổi tiếng, đang khuyến nghị các startup mà họ đầu tư rút tiền khỏi SVB, điều này có thể đã thể hiện phần nào về số phận của SVB.
Danh mục đầu tư trái phiếu chính phủ dài hạn của các ngân hàng khác sẽ là lực cản đối với tỷ suất sinh lời của họ trong nhiều năm tới. Điều này cũng đã được các nhà phân tích và nhà đầu tư biết rõ từ trước khi SVB sụp đổ.
Tuy nhiên, vụ việc này có thể đã thay đổi mọi thứ trong hệ thống ngân hàng Mỹ. Sau khi SVB đóng cửa, niềm tin của người gửi tiền sẽ bị ảnh hưởng và yêu cầu các ngân hàng tăng lãi suất cho họ và điều này sẽ tác động đến lợi nhuận của nhà cho vay. Song, đây chỉ là vấn đề về lợi nhuận chứ không phải mối rủi ro lớn liên quan đến khả năng thanh toán như cuộc khủng hoảng năm 2008.
Rõ ràng rằng, việc SVB sụp đổ là hệ quả của việc lãi suất thấp được duy trì trong nhiều năm. Trong một môi trường lãi suất “bình thường”, các ngân hàng sẽ không tăng thời hạn đối với danh mục trái phiếu để tăng lợi nhuận. Nếu các ngân hàng thận trọng hơn để “bảo vệ” bảng cân đối kế toán, thì hậu quả với hoạt động tạo tín dụng và nền kinh tế sẽ xuất hiện.
Ở vụ SVB, việc rủi ro lan rộng cho toàn hệ thống dường như không quá lớn. Tuy nhiên, vào cuối mỗi chu kỳ tăng lãi suất của NHTW thì một giai đoạn mà mọi thứ trong hệ thống tài chính bắt đầu đổ vỡ sẽ xảy ra. Nhưng những vết nứt này dù lớn hay nhỏ đều khiến niềm tin nhà đầu tư và người tiêu dùng sụt giảm.