Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng vừa chủ trì cuộc họp triển khai thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ nhằm khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế xảy ra ngày 18/2 khiến 3 người chết.
Cấp bách tổ chức lại giao thông trong khi chờ mở rộng
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các cơ quan, đơn vị liên quan, kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, nhấn mạnh việc đưa các tuyến cao tốc vào vận hành, khai thác thời gian qua phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt giúp kéo giảm sâu tai nạn giao thông.
Số liệu của Bộ Công an cho thấy, tai nạn xảy trên các tuyến cao tốc trong năm 2023 chỉ chiếm 1,16% số vụ và cao điểm Tết Nguyên đán 2024 chỉ chiếm khoảng 0,35% tổng số vụ.
Tuy nhiên, do nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông có hạn nên thời gian qua nhiều tuyến cao tốc phải phân kỳ đầu tư, trong đó, có một số tuyến mới đầu tư theo quy mô 2 làn xe. Bộ Giao thông vận tải cho rằng việc đầu tư cao tốc theo quy mô phân kỳ phù hợp với nhu cầu vận tải trong giai đoạn lưu lượng xe chưa lớn và trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách hạn chế, huy động nguồn vốn ngoài ngân sách khó khăn.
Thống kê trên cả nước hiện có 5 tuyến cao tốc 2 làn xe với chiều dài 371 km gồm: Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Yên Bái - Lào Cai, Hòa Lạc - Hòa Bình, Thái Nguyên - Chợ Mới. Bên cạnh đó có 7 tuyến 4 làn xe có dải dừng xe khẩn cấp không liên tục với chiều dài 372 km gồm Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Trung Lương - Mỹ Thuận.
Chính vì vậy, phương án tổ chức giao thông các tuyến được xây dựng triển khai để phù hợp với hiện trạng của dự án.
Từ thực tế khai thác các cao tốc đầu tư 2 làn xe và vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan ngay lập tức rà soát, báo cáo Bộ phương án tổ chức giao thông theo hướng tối ưu nhất với điều kiện hạ tầng hiện có.
Tại công văn này, Bộ Giao thông vận tải giao Cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành rà soát hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông để nâng cao an toàn trên tuyến Cam Lộ - La Sơn và trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng yếu, đặc biệt là các tuyến cao tốc chỉ có 02 làn xe hoặc không có làn dừng khẩn cấp.
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải vừa có Công văn số 1695/BGTVT-VT gửi Cục Đường bộ Việt Nam; Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai Công điện số 14/CĐ-TTg ngày 18/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đồng thời, bổ sung các kết cấu hộ lan, hốc cứu nạn tại các đoạn đèo dốc (nếu cần thiết) trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trong cả nước.
Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/4/2023 về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới đảm bảo hiệu quả, phù hợp với tình hình. Đồng thời, tăng cường phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông và Công an các đơn vị địa phương triển khai các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong mùa Lễ hội xuân 2024.
Bộ trưởng yêu cầu trước mắt cần xác định ngay các công việc phải làm, đảm bảo vừa khai thác tốt vừa hạn chế tai nạn cho đến lúc tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn được mở rộng theo quy hoạch. Trong đó, tổ chức giao thông tuyến đường khoa học, đảm bảo an toàn là vấn đề quan trọng.
Từ cuối năm 2019, Bộ Giao thông vận tải đã có quyết định giao Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh nghiên cứu đầu tư mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn từ 2 lên 4 làn xe. Hiện Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đang hoàn thành quyết toán dự án, sau đó trình Bộ Giao thông vận tải, trình Chính phủ, Quốc hội danh mục chuẩn bị đầu tư để bố trí vốn mở rộng 4 làn xe.
Cao tốc phân kỳ lộ rõ nhiều bất cập
Nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh nguyên nhân chủ quan do lỗi ý thức, sự chủ quan và vượt ẩu của người tham gia giao thông, việc thiết kế cao tốc 2 làn xe, không có dải phân cách cứng, tạo nút thắt cổ chai khi nhập làn cũng là nguyên nhân tuyến cao tốc này tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, “tử thần” rình rập.
Luật Giao thông đường bộ 2008 nêu rõ đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định.
Tuy nhiên, tuyến cao tốc này chưa bảo đảm có dải phân cách theo quy định. Việc có dải phân cách sẽ làm giảm thương vong khi xảy ra tai nạn và giảm va chạm khi xe có xu hướng văng qua làn đối diện.
Hơn nữa, toàn tuyến quy định chỉ chạy tốc độ 60-80km/h, thua cả tốc độ quốc lộ, rõ ràng, đây là tuyến cao tốc chưa hoàn thiện hoặc cao tốc chưa đạt chuẩn. Dù chưa đạt chuẩn cao tốc nhưng hầu hết tài xế đều lựa chọn tuyến này để di chuyển vì hiện tuyến không bị thu phí như khi đi trên Quốc lộ 1. Ngoài ra, trên tuyến chỉ có vài tốp cảnh sát giao thông kiểm soát và không có camera phạt nguội do không có sóng.
Như vậy, cần thiết gấp rút rà soát lại các hướng dẫn kỹ thuật về thiết kế đường cao tốc phân kỳ để bảo đảm tính an toàn của loại hình cao tốc này.
Theo Bộ Công an, tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn chỉ có 2 làn xe, bề rộng đường 23 m, cứ 10 km bố trí 1 đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe. Đoạn đường tương đương đường cấp III đồng bằng (giống đoạn Túy Loan - La Sơn) với lưu lượng 1.500 lượt phương tiện/ngày đêm.
Trước đó, tháng 10/2023, qua khảo sát, Bộ Công an đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải khắc phục ngay những bất hợp lý về việc xây dựng và tổ chức giao thông trên 7 đoạn, tuyến cao tốc chưa bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn đường cao tốc gồm: Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Nha Trang - Cam Lâm, Nội Bài - Lào Cai, Cao Bồ - Mai Sơn - Quốc lộ 45, Trung Lương - Mỹ Thuận, Hà Nội - Thái Nguyên.
Từ khi thông xe cao tốc Cam Lộ - La Sơn ngày 31/12/2022 đến tháng 10/2023 (thời điểm Bộ Công an gửi văn bản tới Bộ Giao thông vận tải) đã xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông.
Cuối năm 2023, Bộ Giao thông vận tải cũng báo cáo Chính phủ về đánh giá, nghiên cứu đầu tư nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác theo quy mô phân kỳ đầu tư, trong đó lý giải vì sao phải phân kỳ đầu tư cao tốc 2 làn xe.
Bộ Giao thông vận tải cũng thừa nhận việc phân kỳ đầu tư với bề rộng mặt cắt ngang 2 làn xe, không bố trí dải phân cách giữa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; đường 4 làn xe với dải dừng xe khẩn cấp không liên tục nguy cơ gây ùn tắc trong trường hợp xảy ra sự cố.
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất 6 giải pháp để sớm đầu tư mở rộng, hoàn thiện các tuyến cao tốc đang khai thác theo quy mô phân kỳ, trong đó có cơ chế cho phép mở rộng, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa đường bộ cao tốc theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT.
Hiện Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến, hoàn thiện dự thảo Quy chuẩn thiết kế đường bộ cao tốc, để ban hành trong quý 1/2024.
Cao tốc Cam Lộ - La Sơn thuộc hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, với chiều dài 98,3 km đi qua hai tỉnh Quảng Trị (37,7 km), Thừa Thiên Huế (61 km). Tuyến này kết nối với dự án La Sơn - Túy Loan tạo thành tuyến cao tốc dài hơn 175 km và gắn kết với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ (đang triển khai), tạo trục động lực xuyên miền Trung.
Hiện cao tốc có 2 làn xe, trên tuyến có 9 điểm mở rộng 4 làn cho phép vượt và chiều dài mỗi đoạn được phép vượt là 2 km, nhiều đoạn sơn nét đứt để các xe có thể vượt nhau khi điều kiện cho phép. Hệ thống biển báo, dẫn hướng chỉ đường cũng được bố trí đầy đủ. Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đang nỗ lực để trong tháng 3/2024, trình Bộ Giao thông vận tải báo cáo tiền khả thi mở rộng cao tốc lên 4 làn xe.