Mới năm ngoái, giới đầu tư mạo hiểm vẫn còn lùng sục các nhà sáng lập - những người nghỉ việc lương cao ở ngành công nghệ để thành lập doanh nghiệp riêng.
Nhưng giờ đây, khi làn sóng sa thải nhân sự hàng loạt khiến nhiều nhân viên công nghệ tìm đến con đường khởi nghiệp, các nhà đầu tư mạo hiểm lại tỏ ra dè chừng và trở nên “keo kiệt” hơn, Wall Street Journal đưa tin.
Theo công cụ theo dõi dữ liệu Layoffs.fy, hơn 330.000 người đã mất việc làm tại các công ty công nghệ kể từ đầu năm 2022, và khoảng 168.000 người mất việc làm trong năm nay.
Nhiều trong số đó rất phù hợp để khởi nghiệp đầy rủi ro lúc này, bởi họ có tay nghề cao và hầu hết đã ổn định tài chính sau nhiều năm làm việc tại những công ty công nghệ lớn. Một số người bắt đầu tung ra “các dự án khởi nghiệp trả thù” - theo như lời mô tả của một nhà đầu tư mạo hiểm.
Làn sóng "khởi nghiệp trả thù"
Sau khi bị sa thải vào năm 2022, Jen Zhu quyết định đồng sáng lập Maida Health Inc., một công ty khởi nghiệp cung cấp công cụ phần mềm cho các tổ chức chăm sóc sức khỏe. Trước đó, cô là quản lý cấp cao về phát triển chương trình tại công ty Carbon Health Technologies Inc. (Mỹ).
“Thực ra, tôi thấy khá nhẹ nhõm khi bị sa thải. Tôi cảm thấy mình chẳng còn lý do gì để trì hoãn tham vọng kinh doanh của mình”, cô chia sẻ.
Zhu cho biết công ty khởi nghiệp của mình đã huy động được 100.000 USD từ công ty đầu tư mạo hiểm Day One Ventures. Hiện cô đang tìm thêm cách tạo ra doanh thu sớm để có thể công ty có thể tự duy trì và thu hút các nhà đầu tư.
Meghna Virick, Phó hiệu trưởng các chương trình đại học tại Đại học San Jose (bang California, Mỹ), người nghiên cứu về ý định kinh doanh của một nhân viên sau khi bị thôi việc, cho biết sa thải có thể là động lực cho những người muốn trở thành ông chủ của chính họ.
“Việc bị sa thải gây gián đoạn con đường sự nghiệp của một người, và điều này có thể trở thành một cú hích lớn”, bà nói.
Tuy nhiên, nhận được vốn đầu tư cho dự án kinh doanh hay không là một câu chuyện khác. Gần đây, dòng tiền chảy vào các công ty khởi nghiệp trong giai đoạn đầu đã chạm mức thấp nhất trong nhiều năm.
Trong quý IV năm 2022, tại Mỹ, các khoản đầu tư mạo hiểm ở giai đoạn đầu tư đầu tiên đã giảm 40% - xuống còn 3,1 tỷ USD, và được đầu tư thông qua 829 giao dịch - mức giảm 50% so với một năm trước đó, theo PitchBook-NVCA Venture Monitor.
Số lượng các giao dịch vốn hạt giống được hoàn thành trong quý IV năm 2022 cũng đánh dấu quý thấp nhất kể từ năm 2016.
Tháng 3, nhiều nhà đầu tư mạo hiểm phải tạm dừng các cuộc đàm phán tài trợ để đối phó với sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon. Dữ liệu sơ bộ cho thấy cả tổng khối lượng giao dịch lẫn số lượng giao dịch đều giảm trong quý đầu tiên của năm nay, theo PitchBook-NVCA Venture Monitor.
Nhà đầu tư mạo hiểm sợ rủi ro
Một số công ty đầu tư mạo hiểm tỏ ra cảnh giác với nhà khởi nghiệp muốn thử nghiệm một ý tưởng chỉ vì đang có thời gian rảnh rỗi.
Wesley Chan, đồng sáng lập và đối tác quản lý tại FPV Capital, một công ty đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu trị giá 450 triệu USD, cho biết công ty ông nhận được nhiều lời chào hàng từ những nhà sáng lập bị ảnh hưởng từ làn sóng sa thải.
“Những công ty khởi nghiệp mang lại lợi nhuận vượt trội thường mất cả đời để suy nghĩ về ý tưởng đó, chứ không phải chỉ ngày một, ngày hai”, ông chia sẻ.
Song song với đó, một số nhà đầu tư cảm thấy lạc quan về triển vọng sẽ có những doanh nghiệp mới tuyệt vời sau thời kỳ suy thoái, phù hợp với văn hóa tái tạo và tái sinh của Thung lũng Silicon.
Tháng 1, vào ngày Alphabet Inc., công ty mẹ của Google, tuyên bố cắt giảm 6% nhân sự, đợt sa thải lớn nhất từ trước đến nay, Jason Calacanis, một nhà đầu tư thiên thần và là người dẫn chương trình podcast nổi tiếng về các công ty khởi nghiệp, đã đăng một dòng tweet kêu gọi các cựu nhân viên của Google hợp tác với nhau và thành lập công ty.
“Bây giờ chính là lúc thích hợp. Bạn chẳng còn gì để mất và một gói trợ cấp thất nghiệp khổng lồ sẽ hỗ trợ cho dự án khởi nghiệp trả thù của bạn!”, trích bài đăng thu hút 1,2 triệu lượt xem của ông.
Vài năm trở lại đây, trong thời kỳ bùng nổ công nghệ, Masha Bucher, người sáng lập và đối tác chung của công ty Day One Ventures, rất háo hức tìm kiếm các công ty khởi nghiệp do những người đã rời bỏ công ty công nghệ thành lập.
Nhưng giờ đây, khi thị trường đầy những tài năng như vậy, Bucher tìm kiếm nhân tài một cách hệ thống hơn. Thông qua chương trình Funded, not Fired cô đưa ra vào mùa thu năm ngoái, công ty Day One Ventures đã chọn ra 7 dự án khởi nghiệp, bao gồm Maida Health của Jun Zhu, trong số 1.200 ứng viên và đầu tư 100.000 USD vào mỗi dự án này.
Dù vậy, một trong 7 nhà khởi nghiệp này đã từ bỏ, nói rằng điều hành một công ty quá khó và đã quay trở lại thị trường tuyển dụng. Từ trải nghiệm này, Bucher nói rằng cô trở nên dè chừng về làn sóng khởi nghiệp đang diễn ra lúc này.
Bên cạnh đó, bất chấp suy thoái, một số nhà sáng lập, vốn là nhân viên công nghệ bị sa thải, khá thành công trong việc huy động vốn đầu tư.
Teddy Ni và Alex Danilowicz đã đồng sáng lập Mirrorful, một công ty khởi nghiệp phát triển phần mềm nguồn mở cho các kỹ sư phần mềm, sau khi cả hai đều bị sa thải khỏi một công ty khởi nghiệp. Tháng 1, họ đã huy động được 500.000 USD từ Y Combinator, một công ty tăng tốc khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon.
Ni (26 tuổi), từng là kỹ sư phần mềm tại Robinhood Markets Inc. trước khi gia nhập công ty khởi nghiệp đã sa thải mình gần đây, cho biết anh đã cân nhắc thành lập một công ty khởi nghiệp từ khi học đại học.
Tuy nhiên, anh tạm hoãn ý định này, một phần vì thích công việc toàn thời gian của mình, cộng với tiền lương và sự phát triển sự nghiệp đi kèm.
Qua đợt sa thải này, Ni rút kinh nghiệm rằng nhiều công ty đã không theo dõi chi tiêu của họ một cách chặt chẽ.
“Hy vọng chúng tôi không đi vào vết xe đổ ấy”, anh chia sẻ.