Bách Hoá Xanh lần đầu có lãi 7 tỷ đồng trong quý II. Ảnh: MWG.
Fanpage trên mạng xã hội của Bách Hóa Xanh tiết lộ hệ thống này dự kiến khai trương 7 siêu thị trong tháng 8 này tại TP.HCM, Long An, Bình Dương và Đồng Nai và đang tìm kiếm nhân sự mới.
So với số lượng 1.703 cửa hàng hiện có, con số 7 siêu thị mở mới không đáng kể nhưng lại phản ánh sự chuyển mình của chuỗi bách hóa này sau 2 năm không có nhiều biến động về số lượng cửa hàng.
Động thái này còn diễn ra trong bối cảnh chuỗi lần đầu báo lãi 7 tỷ đồng vào quý II năm nay kể từ khi đi vào hoạt động.
Theo báo cáo kinh doanh của Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG), doanh thu 6 tháng đầu năm nay của chuỗi Bách Hoá Xanh đạt 19.400 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 30% tổng doanh thu của toàn hệ thống, mức cao nhất từng đạt được.
Đáng chú ý, doanh thu bình quân mỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh đã đạt đỉnh 2,1 tỷ đồng/cửa hàng/tháng, cũng là mức doanh số bình quân cao nhất từ trước tới nay, ngoại trừ giai đoạn tháng 7/2021 khi các mô hình chợ truyền thống chịu tác động từ dịch bệnh Covid-19 dẫn tới doanh thu bình quân cửa hàng của chuỗi cao đột biến và chạm tới mốc này. Con số này cũng vượt xa mức hòa vốn khoảng 1,8 tỷ đồng/tháng của chuỗi.
Vượt điểm hòa vốn của Bách Hóa Xanh và tiến tới mốc sinh lời trong quý II đã mở ra chương mới cho Thế Giới Di Động khi nhà bán lẻ này không còn phải sử dụng lợi nhuận từ 2 chuỗi Thegioididong.com và Điện Máy Xanh để bù đắp cho chuỗi bách hóa. Trước đó, năm 2022, Thế Giới Di Động đã đóng hàng loạt cửa hàng Bách Hóa Xanh để tái cấu trúc. Quá trình khởi động lại việc mở mới cửa hàng sắp tới sẽ không ồ ạt như giai đoạn 2019-2021 mà sẽ mang tính chọn lọc để đảm bảo hiệu quả.
Trả lời cổ đông về dự phóng lợi nhuận của chuỗi bách hóa trong tương lai, ông Phạm Văn Trọng, CEO Bách Hóa Xanh, cho biết khoảng 1-2 năm nữa, lợi nhuận "4 chữ số" là khả thi (tức trên 1.000 tỷ đồng).
Tại báo cáo công bố cuối tháng 6 mới đây, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán FPT (FPTS Research) dự báo chuỗi bán lẻ thực phẩm thuộc Thế Giới Di Động sẽ nâng số lượng cửa hàng lên 1.740 cửa hàng vào cuối năm 2024.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán DSC cho rằng việc thay đổi định vị chuỗi Bách Hóa Xanh thành "siêu thị mini" là thay đổi mang tính bước ngoặt, tạo điều kiện thuận lợi cho Thế Giới Di Động có thể tăng trưởng do đánh trúng thói quen người tiêu dùng Việt Nam giá trị sản phẩm/lần mua ít (4-5 USD/lần), tần suất mua cao, chủ yếu đi xe máy...
Bên cạnh đó, chi phí mặt bằng rẻ hơn nhiều so với mô hình chợ siêu thị lớn, và hình thức minimart đã có thể đáp ứng được trên 70% loại hàng hóa cần thiết. Ngoài ra, mô hình minimart mới chỉ chiếm gần 50% ở thị trường tiêu dùng, dư địa mở rộng vẫn còn lớn.
Đối thủ của Bách Hóa Xanh là WinCommerce (chủ chuỗi WinMart và WinMart +) đặt mục tiêu đầy tham vọng là đạt 10.000 cửa hàng vào năm 2030. Điều này đồng nghĩa với việc WinCommerce sẽ phải mở trung bình 1.000 cửa hàng mỗi năm để nâng quy mô lên gần gấp 3 lần hiện tại.
Tính đến cuối quý II, WinCommerce vận hành 3.673 điểm bán, tăng 40 cửa hàng mới so với cuối năm ngoái. Ban lãnh đạo công ty này duy trì sự thận trọng trong bối cảnh điều kiện kinh doanh còn nhiều bất định, nhưng dự kiến đẩy nhanh tốc độ mở cửa hàng trong nửa cuối năm nay, ước đạt 100 cửa hàng mới mỗi quý.
Đồng thời, doanh nghiệp tiếp tục tập trung vào mục tiêu đạt điểm hòa vốn lợi nhuận sau thuế bằng cách đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng LFL lên 8-9% so với cùng kỳ.