Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Quyết định số 3916/QĐ-UBND về việc ủy quyền cho UBND các huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức và Đan Phượng thực hiện việc lập đề án thành lập quận, phường của 5 huyện. Theo quyết định công bố hôm 24/10, thời hạn cho các huyện trên lập đề án lên quận là từ nay đến hết ngày 31/12/2025.
Trong số 5 huyện trên, Đông Anh và Gia Lâm được coi là trọng tâm để UBND Tp. Hà Nội hỗ trợ và quyết tâm đưa lên quận vào năm 2023, như lời Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết hôm 12/10 tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Gia Lâm.
Giá nhà đất tại hai khu vực trên được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trước các thông tin mới nhất này. Chia sẻ tại Diễn đàn “Quy hoạch đô thị ven sông Hồng” được tổ chức ngày 25/10, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết giá đất ở Đông Anh đã chứng kiến đà tăng giá phi mã, thậm chí là tăng một cách bất hợp lý.
"Có khu vực chúng tôi đi khảo sát ở Đông Anh, nhiều dự án cỏ mọc xanh um, xung quanh quây hàng rào, không được đầu tư hạ tầng nhưng giá đất đã được đẩy lên hơn 100 triệu đồng/m2, đắt ngang với khu vực Mỹ Đình đã được đầu tư bài bản”, ông Đính cho biết.
Trước đó, huyện Đông Anh đã xây dựng 15 đề án nhằm hoàn thành nhanh nhất các tiêu chí lên quận về mật độ đường giao thông đô thị. Một số dự án nổi bật đã được triển khai nhằm đảm bảo các tiêu chí hạ tầng như dự án Công viên Kim Quy (136 ha), Công viên phần mềm (78,1 ha), Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia (90ha), Thành phố thông minh (gần 200 ha).
Hiện nay, huyện chỉ còn 1 tiêu chí chưa đạt là tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật. Để đáp ứng, chính quyền huyện đang nghiên cứu đầu tư hệ thống thu gom dẫn nước thải về Nhà máy xử lý nước thải Bắc Thăng Long nhưng đến nay vẫn chưa quyết định.
Đối với Gia Lâm, mặc dù vẫn còn 2 tiêu chí chưa đạt (cân đối thu, chi ngân sách và cơ sở y tế cấp đô thị), nhưng thị trường bất động sản tại đây đã “sốt” từ vài năm trở lại đây. Cũng tại diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc batdongsan.com.vn cho biết giá đất nền quý III/2022 tại Gia Lâm đã tăng 40%, trong khi lượng tìm kiếm tăng 54% so với quý III/2021.
Từ 2018, thị trường bất động sản tại Gia Lâm đã bắt đầu được chú ý khi đại dự án Vinhomes Ocean Park bắt đầu triển khai. Hạ tầng giao thông được đầu tư phát triển cũng là nhân tố khiến giá đất tăng vọt. Có thể kể đến nút giao kết nối trực tiếp đường Cổ Linh với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khánh thành, cầu Vĩnh Tuy 2 triển khai đúng tiến độ. Các chuyên gia dự báo, Gia Lâm sẽ đạt đến "độ chín" về hoàn thiện hạ tầng trong 1, 2 năm tới, tạo ra sức hút rất lớn cho giới đầu tư.