Hơn một tháng qua, du lịch Việt Nam liên tục được các chuyên trang du lịch, kênh truyền thông, báo chí quốc tế đánh giá cao, cho thấy nhiều lợi thế về thu hút khách du lịch quốc tế. Trong đó, Tạp chí du lịch Travel + Leisure gợi ý, Việt Nam là điểm đến ẩm thực hàng đầu khu vực châu Á trong hành trình du lịch năm 2023. Travel of Path vinh danh TP.HCM là điểm đến xu hướng hàng đầu châu Á năm 2023; liệt kê Sơn Đoòng là 1 trong 10 hang động ngoạn mục nhất thế giới. Còn Lonely Planet gợi ý, Việt Nam nằm trong 10 điểm đến lý tưởng cho kỳ nghỉ trăng mật có chi phí phải chăng năm 2023…
Cạnh tranh gay gắt ngay trong khu vực
Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh điểm đến giữa các quốc gia du lịch đang ngày càng "nóng", đặc biệt sau khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại. Ngay trong khu vực Đông Nam Á, sự cạnh tranh rõ nhất phải đến từ Thái Lan. Thực tế, ngay từ khi Trung Quốc còn đang theo đuổi chính sách Zero-Covid, Thái Lan đã đẩy mạnh đàm phán về thỏa thuận đi lại song phương với nước này nhằm giúp ngành du lịch phục hồi.
Theo đó, các du khách đi theo chương trình bong bóng du lịch giữa Thái Lan với Trung Quốc sẽ không phải thực hiện cách ly, có thể được cấp thị thực đặc biệt và địa điểm lưu trú. Do đó, dù chỉ đặt mục tiêu đón 300.000 khách Trung Quốc mùa Tết Nguyên đán vừa qua, nhưng xứ sở chùa vàng đã xuất sắc thu hút tới 1,38 triệu lượt du khách Trung Quốc, đem lại 45 tỉ baht, tương đương 1,37 tỉ USD, cho ngành công nghiệp không khói của nước này.
Tương tự, Tổng thống Indonesia Joko Widodo khi phát biểu tại sự kiện quảng bá du lịch ở trung tâm thương mại Karisma mới đây đã nhấn mạnh năm 2023 sẽ là thời điểm thích hợp để phục hồi và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch nước này với hàng loạt sự kiện du lịch nổi bật mang tầm quốc tế được tổ chức ở khắp nơi trên cả nước.
Mục tiêu của nước này năm 2023 là thu hút 7,4 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Các sự kiện tầm cỡ quốc tế như Đường đua xuồng máy F1, Giải vô địch bóng đá thế giới U.20, Đại hội thể thao bãi biển thế giới (ANOC), Đua mô tô quốc tế (WSBK)… được kỳ vọng sẽ là "thỏi nam châm" thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến Indonesia. Dự kiến, trong năm 2023 sẽ có 110 lễ hội và 65 sự kiện thể thao văn hóa được tổ chức trên khắp Indonesia.
Trong khi đó, Chính phủ Malaysia đã công bố sẽ phân bổ khoản ngân sách "khủng" lên tới 1,16 tỉ RM (tương đương hơn 263 triệu USD) để quản lý, phát triển ngành du lịch, nghệ thuật, văn hóa trong nỗ lực không ngừng nhằm khôi phục và củng cố nền kinh tế của đất nước. Malaysia cũng đặt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách du lịch từ Trung Quốc trong năm 2023, tăng gấp rưỡi so với 3,1 triệu lượt vào năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Áp đặt trở lại một số biện pháp kiểm soát y tế tại biên giới như tiến hành xét nghiệm RT-PCR đối với mẫu nước thải từ các máy bay đến từ Trung Quốc…, song Cục Nhập cư Malaysia lại cho vận hành các làn đường nhập cảnh đặc biệt dành cho du khách đến từ Trung Quốc, giúp việc làm thủ tục của dòng khách từ thị trường này được nhanh chóng hơn.
Phát biểu tại hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp của lãnh đạo TP.HCM sáng 17/2, TP.HCM, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holding, cho rằng Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang thiếu đi sản phẩm đặc thù, cần định hình được sản phẩm đặc thù để tạo nét riêng, thu hút du khách. Theo ông Kỳ, trong khi Thái Lan đặt mục tiêu đón từ 20 lên 30 triệu khách quốc tế thì Việt Nam lại đang chật vật với mục tiêu là 8 triệu khách trong năm nay.
Một bất cập được ông Kỳ đưa ra là về chính sách thị thực (VISA). Ông cho biết, mỗi ngày cơ quan chức năng xử lý khoảng 2.000 hồ sơ VISA điện tử; tức trung bình một năm sẽ có khoảng 740.000 lượt khách quốc tế được cấp VISA vào Việt Nam. Con số này chưa đạt 10% so với mục tiêu 8 triệu lượt khách. Điểm nghẽn này khiến hoạt động du lịch bỏ lỡ các mùa đón khách cao điểm.
Việt Nam có thể thu hút 20 triệu khách du lịch quốc tế?
Ông Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng nguyên nhân dẫn đến hoạt động du lịch TP.HCM vẫn đang chìm là do thiếu chiến lược toàn diện và bền vững, thiếu sự phối hợp giữa các sở, ban ngành khiến việc quảng bá, xúc tiến chưa được đầu tư đúng mức; không tạo được sự chú ý với du khách để họ quay lại.
“Hiện thành phố đang thiếu đi mục tiêu cụ thể. Doanh nghiệp lữ hành mong muốn thành phố có bộ tiêu chí và có kế hoạch hành động để triển khai thực hiện”, ông Kỳ nói. Ông Kỳ cho rằng, nếu mỗi doanh nghiệp một mục tiêu, một định hướng và không kết nối với nhau thì rất khó làm nên chuyện. Cần kết nối hệ thống gồm lữ hành - lưu trú - vận chuyển và dịch vụ để tạo sự thống nhất.
Về sản phẩm du lịch, TP.HCM đang thiếu đi sản phẩm đặc thù, cần định hình được sản phẩm đặc thù để tạo nét riêng, thu hút du khách. Đồng thời, TP.HCM cũng cần một mục tiêu cụ thể cho hoạt động du lịch trong ba năm tới với nhiều giải pháp đồng bộ để ngành du lịch có thể sôi động trở lại như trước dịch. “Đó phải là sản phẩm lõi để từ đó phát triển thêm các sản phẩm nhánh. Cùng với đó, chọn một số sản phẩm có khả năng thúc đẩy kinh tế đêm”, ông Nguyễn Quốc Kỳ đề đạt và kiến nghị TP.HCM nghiên cứu xây dựng Ban chỉ đạo Thành phố về du lịch với sự tham gia của nhiều cơ quan.
Tương tự, "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cho rằng để thu hút du khách quốc tế thì cần có những sản phẩm du lịch có quy mô, có sức hút mang tầm quốc tế. Tại tọa đàm "Tạo đột phá để phát triển kinh tế cả nước và TP.HCM" diễn ra ngày 17/2, ông Johnathan cho biết tập đoàn của ông đã làm việc với đối tác Mỹ và đối tác đồng ý đưa Disneyland vào TP.HCM.
"Chúng tôi đã trình đề án lên thành phố từ giữa năm 2022. Chúng ta phải đón đầu, nếu không làm thì không biết đến khi nào mới có. Chúng tôi đề xuất xây dựng Disneyland và khu phi thuế quan, cửa hàng miễn thuế ở Thủ Đức. Tôi đảm bảo sau đó Việt Nam sẽ thu hút được 20 triệu du khách quốc tế với doanh thu tối thiểu 3 - 5 tỉ USD/năm. Đây là những con số mà đối tác đã làm thực tế ở Paris, Seoul, Hồng Kông, Singapore…, không phải ảo. Chúng tôi nhắm đến khách hàng cao cấp, họ vào đây và sẽ ở khách sạn 5 sao, chi tiêu nhiều tiền hơn...", ông Jonathan Hạnh Nguyễn nhấn mạnh.
Đặc biệt, sau khi xong hoàn toàn đề án sẽ bàn giao TP.HCM và kết hợp với những đề án thành phố đã nghiên cứu để tiến hành đấu thầu công khai, minh bạch trước khi triển khai. "Xin thông tin thêm, ngoài 10 tỉ USD các nhà đầu tư Mỹ cam kết bằng văn bản, chúng tôi có hơn 68 văn bản, thư trao đổi với Quốc hội Mỹ và lãnh đạo 2 nước. Các nhà đầu tư Mỹ đã quan tâm, gửi thông tin đề nghị đưa Disney vào TP.HCM với ước tính đưa vào được 25 triệu khách du lịch.
Nếu đưa Universal Studio vào Hà Nội cũng sẽ có thể có thêm 25 triệu khách. Còn đưa Sea World vào Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) cũng có được 20 triệu khách...
Như vậy, nếu chỉ đưa 3 trung tâm vào hoạt động, Việt Nam sẽ có đến 70 triệu khách du lịch quốc tế. Điều này cho thấy tiềm năng rất lớn nếu TP.HCM đưa vào quy hoạch để có được một khu giải trí Disneyland", ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 1/2023 đạt trên 870 nghìn lượt, tăng hơn 23% so với tháng 12 năm ngoái. Hiện tại, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu đến từ các quốc gia Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó châu Á chiếm tỷ lệ lớn, nhất là sự gia tăng khách của những thị trường mới nổi là Ấn Độ, Campuchia.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhận định: "Khách du lịch quốc tế là một trong những mục tiêu quan trọng mà du lịch Việt Nam phải thu hút được. Để đón khách quốc tế thì phải có những sản phẩm mới, dịch vụ mới phù hợp với khách quốc tế. Thị trường mới cũng đã thay đổi, nay không chỉ có những thị trường gần mà những thị trường xa với chúng ta cũng rất quan trọng".