Contemporary Amperex Technology Co Limited, hay CATL, là công ty đầu ngành trong lĩnh vực lưu trữ năng lượng, đồng thời là nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới cho xe điện.
Cái tên nghe tưởng chừng xa lạ, nhưng CATL kiểm soát gần 2/5 thị trường pin EV trên thế giới, cung cấp năng lượng cho những chiếc xe đình đám được sản xuất bởi các thương hiệu Tesla, Volkswagen và BMW. Công ty này là trung tâm của cuộc đua toàn cầu - lưu trữ năng lượng sạch để cung cấp cho chuyển đổi xanh ở Mỹ và phần còn lại của thế giới.
Đây cũng là một trong số ít công ty Trung Quốc trở thành "điểm mù" trong cạnh tranh Mỹ - Trung.
Song, điều này không còn đúng ở hiện tại.
"Vua pin Trung Quốc" lọt vào tầm ngắm của Mỹ
Hồi tháng 2, Duke Energy, một công ty năng lượng của Mỹ có hơn 8 triệu khách hàng, cho biết họ đang loại bỏ dần việc sử dụng pin CATL. Duke cho biết họ sẽ thay thế các sản phẩm của CATL bằng công nghệ từ "nhà cung cấp nội địa hoặc nước đồng minh".
Quyết định này được đưa ra sau khi các nhà lập pháp bày tỏ lo ngại về việc sử dụng pin CATL tại một căn cứ của thủy quân lục chiến ở Bắc Carolina. Ở đó, Duke là bên cung cấp cơ sở hạ tầng điện cho căn cứ quân sự. Hãng đã ngắt kết nối pin của CATL từ tháng 12 và hiện có kế hoạch ngừng hoạt động hoàn toàn, cũng như loại bỏ chúng khỏi các khu dân sự khác.
Nhà sản xuất ôtô lâu đời Ford cũng bị chỉ trích vì hợp tác với CATL. Hai bên thỏa thuận nhằm xây dựng một nhà máy ở bang Michigan để sản xuất pin lithium iron phosphate giá rẻ với công nghệ CATL. Loại pin này sẽ được dùng trong xe điện, nhưng đã nhiều lần bị các nhà lập pháp Mỹ nghi ngờ.
Theo Marco Rubio, Phó chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, thỏa thuận này sẽ đưa “đối thủ địa chính trị lớn nhất của Mỹ vào khu trung tâm quốc gia”, mang lại cho CATL một chỗ đứng quan trọng trên thị trường Mỹ. Vì thế, tháng 11, Ford đã giảm quy mô dự án xây dựng nhà máy, giảm công suất khoảng 40%.
“Đây là động thái chưa từng có. Vấn đề này chưa bao giờ được chính phủ Mỹ đề cập hoặc thảo luận. Trước đây, chưa bao giờ có bất kỳ mối lo ngại nào”, Tu Le, người sáng lập hãng tư vấn Sino Auto Insights, nhận định.
Theo chuyên gia, áp lực buộc các công ty Mỹ không sử dụng bất kỳ loại pin nào của Trung Quốc đang ngày càng leo thang. “Nhưng nếu Mỹ muốn cạnh tranh trên thị trường xe điện toàn cầu, đến năm 2030, họ sẽ phải sử dụng pin Trung Quốc”, ông nhận định.
Các chuyên gia lo ngại rằng việc sử dụng pin CATL sẽ khiến Mỹ phụ thuộc vào công nghệ Trung Quốc và có thể trở thành điểm yếu nếu mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh xấu đi. Nhiều người cũng bày tỏ quan ngại rằng các khoản trợ cấp thuế của Mỹ cho công nghệ xanh có thể chảy vào túi các công ty Trung Quốc.
Dù vậy, các chuyên gia đều đồng ý rằng rất khó để Mỹ loại bỏ khí cacbon độc hại trên đường phố, nếu không sử dụng pin xe điện giá rẻ của Trung Quốc. Loại pin có thể đến từ CATL hoặc đối thủ chính của nó, BYD.
Mỹ khó làm xe điện nếu thiếu Trung Quốc
Michael Dunne, nhà sáng lập công ty tư vấn ôtô điện Dunne Insights, cho biết Mỹ đi sau Trung Quốc nhiều năm về công nghệ pin, chuỗi cung ứng pin và tài nguyên khoáng sản quan trọng. “Mỹ gần như trắng tay trong phương diện này”, ông nói với Guardian.
Dunne cho biết Mỹ đang gấp rút tăng cường công suất sản xuất pin nội địa, nhưng vẫn sẽ phải mất từ 5-10 năm để bắt kịp Trung Quốc. Quá trình này có thể không đủ nhanh và sản phẩm không đủ rẻ để đạt được mục tiêu năm 2032 của Tổng thống Joe Biden - 2/3 doanh số bán ôtô mới là xe điện.
Tuần trước, phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng năng lượng Mỹ Jennifer Granholm cho biết rất lo ngại về việc Trung Quốc đang lấn sân sang ngành công nghiệp của bộ, ngay cả khi họ đang trong quá trình xây dựng nền tảng sản xuất khổng lồ cho lĩnh vực này.
Nhưng Granholm cũng thừa nhận rằng điều quan trọng là người dùng mua được xe điện với giá cả phải chăng. Đây là điều mà các chuyên gia cho rằng không thể xảy ra nếu không có pin Trung Quốc.
Nhưng sự kiểm soát ở Mỹ ít nhất đã có ảnh hưởng đến CATL. Nghiên cứu do Rhodium Group công bố gần đây kết luận rằng các công ty xe điện và pin của Trung Quốc đang ở tình thế tiến thoái lưỡng nan. Các hãng xe Mỹ ngày càng ghẻ lạnh trong khi chính quyền Trung Quốc thúc đẩy họ quốc tế hóa.
Theo Rhodium, giai đoạn năm 2022-2023, đầu tư nước ngoài của Trung Quốc vào chuỗi cung ứng xe điện ở Bắc Mỹ đã giảm từ 4,8 tỷ USD xuống còn 2,7 tỷ USD do sự mập mờ về về quy định và lo ngại về phản ứng chính trị dữ dội.
“Khía cạnh an ninh quốc gia đúng là cần phải được xem xét. Dù sao, nó cũng là một phần của quá trình thẩm định. Nhưng chúng tôi cũng không muốn hại mình hại người”, chuyên gia Tu Le nói.
“Những cáo buộc về việc pin CATL gây ra mối đe dọa an ninh là sai sự thật và gây hiểu lầm. Với tư cách là một công ty công nghệ toàn cầu, CATL hoan nghênh các cuộc đối thoại về vấn đề an toàn và an ninh trọng yếu. Đồng thời, chúng tôi cũng đánh giá nghiêm túc các lo ngại về hoạt động kinh doanh của mình. Hoạt động kinh doanh và sản phẩm của CATL tại Mỹ không thu thập, bán hoặc chia sẻ dữ liệu và không thể tương tác trực tiếp với lưới điện hoặc bất kỳ cơ sở hạ tầng quan trọng nào khác”, CATL tuyên bố hồi tháng 12.
Chia sẻ với Guardian, Tu Le cho biết nhiều công ty Trung Quốc đang lo lắng về Tổng thống Mỹ tiếp theo nhậm chức vào tháng 11. Mặc dù Washington khó có thể sớm có thiện cảm với các tên tuổi Trung Quốc như CATL, các công ty Mỹ sẽ phải gặp khó khi tìm kiếm giải pháp thay thế.