Theo ông, chi tiêu của Chính phủ và thuế suất, cùng với lãi suất và cung tiền, đang tác động đến tăng trưởng kinh tế và lạm phát.
“Người tiêu dùng Mỹ vẫn đang chi tiêu khoảng 500 tỷ USD còn lại trong số 4.000 tỷ USD tiền hỗ trợ Covid. Vấn đề là khi nào số tiền đó sẽ hết. Tôi đoán vào khoảng quý 4 năm nay”, ông Gross nói.
Năm 2022, lạm phát tại Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục 40 năm chủ yếu do các khoản hỗ trợ mạnh tại cho người dân trong đại dịch, cũng như các đợt giảm thuế trước đó, lãi suất ở mức gần 0% và việc chính phủ tiếp tục bơm tiền vào nền kinh tế thông qua các chương trình mua lại trái phiếu. Giá cả tiêu dùng cũng tăng lên do đại dịch và cuộc chiến tranh Nga-Ukraine gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Phản ứng với lạm phát cao kỷ lục, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã liên tục nâng lãi suất kể từ tháng 3/2022 với tốc độ và cường độ chưa có thấy, và có thể tiếp tục tăng nữa. Lạm phát toàn phần tại Mỹ đã giảm từ mức đỉnh 9,1% vào tháng 6/2022 xuống còn 4% vào tháng 5 vừa qua, nhưng vẫn cách xa mức mục tiêu 2% của Fed.
Trong bài đăng Twitter của mình, ông Gross cho rằng Fed đã quá tập trung vào việc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, trong khi giá cả hàng hóa tăng lên một phần do các khoản tiền hỗ trợ mạnh tay của Chính phủ trong đại dịch vẫn đang ngấm và giúp nền kinh tế trụ vững. Ông dự báo “cơn gió thuận” nhờ chi tiêu tiêu dùng này sẽ chấm dứt trong vài tháng tới.
Không chỉ ông Gross, nhiều chuyên gia cũng dự báo chi tiêu tiêu dùng nội địa tại Mỹ sẽ giảm xuống trong thời gian tới khi người dân cạn tiền tiết kiệm.
Vào tháng 4/2022, nhà quản lý quỹ đầu cơ Michael Burry - người sáng lập quỹ Scion Capital - nói rằng người tiêu dùng Mỹ đang hưởng lợi từ tiền hỗ trợ Covid-19 từ Chính phủ, các khoản vay có thể được miễn trả, các chương trình tái thế chấp vay thêm vốn cũng như hỗ trợ tài khóa gián tiếp trong đại dịch.
“Dưới áp lực của lạm phát cao kỷ lục và lãi suất tăng nhanh, họ (người tiêu dùng Mỹ) bắt đầu tiết kiệm ít hơn, vay nhiều hơn và tiêu vào tiền tích trữ. Tất cả những điều này sẽ mở đường cho xu hướng giảm chi tiêu tiêu dùng và giáng đòn mạnh vào lợi nhuận của các doanh nghiệp”, ông Burry nói.
Đồng quan điểm, ông Bob Michele, giám đốc đầu tư tại bộ phận quản lý tài sản của JPMorgan, hồi tháng 4 cũng cảnh báo rằng người tiêu dùng Mỹ đang tiêu xài tiền tiết kiệm và dùng thẻ tín dụng để mua thực phẩm cũng như nhu yếu phẩm khác.
“Thực tế là họ không phung phí tiền tiết kiệm mà đang chi tiêu để sinh tồn”, ông nói.
Tháng 10 năm ngoái, CEO của JPMorgan, ông Jamie Dimon, cũng dự báo các hộ gia đình Mỹ có thể sẽ cạn tiền tiết kiệm vào mùa hè năm nay và chi tiêu tiêu dùng nội địa sẽ giảm sút.
“Việc này hoàn toàn có thể dự báo trước được. Chi tiêu tiêu dùng nội địa sụt giảm sẽ bóp nghẹt các dữ liệu kinh tế khác trong tương lai”, ông Dimon nhận định.
Chi tiêu tiêu dùng vốn là động lực chính của nền kinh tế Mỹ. Do đó, nếu dự báo động lực này suy giảm vào mùa đông năm nay của ông Gross là chính xác, thì hậu quả với nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tương đối nghiêm trọng.
“Hãy thận trọng. Suy thoái kinh tế sẽ đến sớm thôi”, ông viết trong một bài đăng Twitter hồi tháng 3. Ông cho rằng Fed đã tăng lãi suất vượt quá mức mà nền kinh tế có thể chịu đựng, mở đường cho một cuộc khủng hoảng tín dụng và những rắc rối liên quan tới các khoản nợ của Chính phủ Mỹ.