Theo Cục Thống kê TP.HCM, kết thúc quý 1/2023, GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) TP.HCM đạt 246.931 tỷ đồng (theo giá so sánh), chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức trung bình chung của cả nước là 3,3% và đứng thứ hạng 56 trên 63 địa phương.
Sụt giảm tăng trưởng ngành công nghiệp nặng
Trong mức tăng trưởng GRDP 0,7% của TP.HCM, lĩnh vực đóng góp cao nhất cho tăng trưởng vẫn là thương mại dịch vụ với 1,33 điểm phần trăm (tăng trưởng 2,07%), tiếp đến là thuế sản phẩm đóng góp 0,15 điểm phần trăm (tăng trưởng 1,14%), nông lâm thuỷ sản đóng góp 0,01 điểm phần trăm (tăng trưởng 2,06%). Tuy nhiên, công nghiệp và xây dựng làm giảm 0,79 điểm phần trăm (tăng trưởng giảm 3,6%).
Về cơ cấu kinh tế của TP.HCM trong nhiều năm qua, thương mại dịch vụ vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 66,2%, tiếp đến là công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 20,1%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 13,1%, nông lâm thuỷ sản chỉ chiếm tỷ trọng 0,6%.
Trong 3 tháng đầu năm 2023, lĩnh vực công nghiệp của TP.HCM đã tăng trưởng chậm lại khi chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) giảm 0,9% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,1% dù sản xuất và phân phối điện tăng 1,4% và cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 5,3%.
Trong 04 lĩnh vực công nghiệp trọng điểm của thành phố, IIP vẫn tăng 8,2% so với cùng kỳ, gồm các ngành công nghiệp nhẹ (hóa dược tăng 22,9%; lương thực thực phẩm và đồ uống tăng 18,5%) nhưng ngành công nghiệp nặng là cơ khí và sản xuất hàng điện tử lại giảm, tương ứng giảm 6,5% và giảm 14,4%
Đối với 03 lĩnh vực công nghiệp truyền thống thuộc công nghiệp nhẹ, IIP cũng giảm 18,1%. Cụ thể: ngành dệt giảm 2,8%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 19,4%; sản xuất trang phục giảm 21,9%.
Về tiêu thụ, trong quý 1/2023, nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 6,4% so với cùng kỳ. Giảm mạnh tới 38- 39% phần lớn ở ngành công nghiệp nặng, gồm: sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo khác; sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; xe có động cơ; mức giảm 30-32% ở sản xuất kim loại và sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác.
Một số ngành có mức tiêu thụ tăng mạnh, như: sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 62,3%; sản xuất đồ uống tăng 50,3%; sản xuất thiết bị điện tăng 30%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 15%.
Tồn kho cũng giảm tương đương ở lĩnh vực sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 32,6%; sản xuất thiết bị điện giảm 32,7%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 56,8%; sản xuất kim loại giảm 40,7%.
Sức tiêu thụ giảm khiến tồn kho của công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4% so với cùng kỳ, tính đến tháng 3/2023 cả ở ngành công nghiệp nặng và nhẹ. Trong đó, tồn kho tăng tới 75,4% ở lĩnh vực sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; tồn kho cũng tăng 34-40% ở các lĩnh vực sản xuất trang phục; thuốc lá; hóa chất; máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu.
Có thể thấy, sự sụt giảm tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp của TP.HCM tập trung vào ngành công nghiệp nặng. Ngành công nghiệp nhẹ (lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng) và dịch vụ vẫn tăng nhờ cầu tiêu dùng trong nước. Do đó, tầm quan trọng của công nghiệp nặng là không nhỏ đối với tăng trưởng kinh tế.
Sẽ có hỗ trợ lớn
Để khôi phục và thúc đẩy ngành công nghiệp của TP.HCM phát triển xứng tầm, trong thời gian tới, TP.HCM sẽ có những hỗ trợ ở quy mô lớn hơn, "dày" hơn cho lĩnh vực này.
Đây là một trong những nội dung mà ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc, Sở Công thương TP.HCM, thông tin tại buổi họp báo định kỳ quý 1/2023 trên địa bàn thành phố vào chiều ngày 03/4/2023.
Theo ông Vũ, tiêu dùng và bán lẻ hàng hoá đã “đỡ” cho tăng trưởng của TP.HCM trong 3 tháng đầu năm 2023 ở con số dương, nhưng thương mại, dịch vụ vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về chi phí vận chuyển, kho bãi, nhân công...thu nhập của người dân chưa được cải thiện nhiều. Về sản xuất của ngành công nghiệp, doanh nghiệp vẫn khó khăn khi thiếu đơn hàng, áp lực chi phí đầu vào tăng.
Lý giải về giảm tăng trưởng ở nhóm ngành công nghiệp nhẹ, như: sản phẩm gỗ, mỹ nghệ; quần áo, dệt may, cũng như điện tử (công nghiệp nặng), ông Vũ cho rằng do tác động từ thị trường thế giới trong việc giảm đơn hàng xuất khẩu của những doanh nghiệp ngành này.
Ngoài ra, quy mô sản xuất công nghiệp chiếm 23% GRDP của TP.HCM, và trong bối cảnh ngành bất động sản khó khăn hơn ở những tháng đầu năm 2023, do đó, công nghiệp xây dựng sụt giảm nhiều đã ảnh hưởng tới ngành công nghiệp nói chung.
“Tốc độ giảm IIP của TP.HCM đã chậm lại. Cụ thể, nếu IIP tháng 1 giảm 15%, tháng 2 giảm 2,5%, tháng 3 giảm 0,5% và tổng quý 1/2023, IIP giảm 0,9% so với cả nước, mức giảm này cho thấy có dấu hiệu sẽ phục hồi. Riêng những địa phương chỉ số sản xuất công nghiệp có tốc độ tăng là những tỉnh có lượng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lớn...”, ông Vũ nhấn mạnh.
Về giải pháp phát triển cho ngành công nghiệp, TP.HCM sẽ hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất tìm nguồn cung ứng nguyên liệu thông qua hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh thành, đặc biệt là kết nối ngân hàng với doanh nghiệp.
Trong bối cảnh khó khăn chung, nhìn sang ngành dệt may Banglades vẫn phát triển do nước này chuyển sang sản xuất xanh sớm, trong khi dệt may Việt Nam đang khó khăn. Do đó, phải bắt tay ngay, liên kết đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu xanh.
Trước tiên, nhằm hỗ trợ cho sản xuất, kích cầu tiêu dùng, Sở sẽ phát động chương trình khuyến mãi tập trung nhằm đưa TP.HCM trở thành trung tâm mua sắm, có sức hấp dẫn du khách và người dân, để làm sao thay đổi cơ cấu rổ hàng hóa của người dân không chỉ là hàng thiết yếu mà là những mặt hàng có giá trị cao hơn.
Để duy trì điểm sáng của bán lẻ hàng hoá, tạo sự cạnh tranh cho hàng nội, thành phố cũng sẽ tạo sự phát triển từ gốc là tăng chất lượng và gia tăng giá trị sản phẩm. Với sự phát triển tập trung về công nghiệp nhẹ, nhưng thành phố cũng không quên vai trò quan trọng của công nghiệp nặng và công nghệ nguồn, từ đó sẽ tạo được vòng tròn hỗ trợ sản xuất – tiêu dùng bền vững.