Dự án đường dây 500 kV Đức Hòa - Chơn Thành đã khởi công từ năm 2020, theo kế hoạch phải hoàn thành trong năm 2022, tuy nhiên dự án vẫn gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Trước những tồn tại này, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - Võ Văn Minh vừa có buổi làm việc với Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam (SPMB) – thuộc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) bàn giải pháp tháo gỡ.
Theo báo cáo của SPMB, hiện nay đơn vị đang triển khai thi công Dự án đường dây 500kV Đức Hòa – Chơn Thành, dự án đang được gấp rút thi công và cần hoàn thành trong tháng 10/2022 nhằm đảm bảo điện cho tỉnh Bình Dương và các địa phương lân cận.
Dự án có quy mô xây dựng mới đường dây 500 kV mạch kép và 4 mạch hỗn hợp 500- 220kV, tổng chiều dài tuyến khoảng 104 km, đi qua địa bàn 4 tỉnh: Long An, Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước. Trong đó, đoạn qua tỉnh Bình Dương gồm 123 vị trí cột thuộc địa bàn huyện Phú Giáo, Bàu Bàng và Dầu Tiếng. Công trình đã khởi công từ ngày 30/12/2020, với tổng mức đầu tư 1.920 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dự án vẫn đang gặp vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng.
Cụ thể, tại huyện Phú Giáo, một số hộ dân chưa đồng thuận cho rằng đơn giá cho dự án còn thấp. Các thửa đất hành lang tuyến không có thông báo thu hồi đất nên hộ dân vẫn làm các thủ tục như tách thửa, cho tặng, chuyển nhượng. Một số hộ dân đề nghị được bồi thường phần đất xen kẹp giữa 02 đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông và đường dây 500kV Đức Hòa - Chơn Thành.
Đoạn qua huyện huyện Bàu Bàng vẫn còn vướng mắc của một số hộ dân. Đoạn qua huyện Dầu Tiếng vướng mắc công tác đo đạc, thẩm định bản đồ phần móng trụ, phần ảnh hưởng hành lang an toàn chậm làm ảnh hưởng đến công tác ban hành thông báo thu hồi đất, triển khai dự án.
Bên cạnh đó, vướng mắc lớn nhất hiện nay của dự án là 13 vị trí móng trụ nằm trong đất của Công ty Cổ phần Cao su Bình Dương trực thuộc Tổng công ty đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex). Ngày 10/12/2021, SPMB đã phối hợp bàn giao hồ sơ pháp lý, mốc ranh tim trụ, hành lang tuyến cho Công ty Cổ phần Cao su Bình Dương nhưng phía Công ty chưa đồng ý ký cho sử dụng đất.
Trong khi đó, UBND tỉnh Bình Dương đã chấp thuận hướng tuyến đường dây 500kV Đức Hòa – Chơn Thành tại Văn bản số 2527/UBND-KTN ngày 29/7/2015. Nếu điều chỉnh hướng tuyến sẽ làm tiến độ dự án phải kéo dài vì phải thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đoạn tuyến điều chỉnh thuộc dự án như: Công tác đánh giá tác động môi trường cần xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường; Công tác thỏa thuận hướng tuyến, tọa độ, chiều cao cột xin ý kiến Cục Tác chiến (Bộ Quốc phòng) và báo cáo với Ngân hàng Thế giới - tổ chức vay vốn; Hồ sơ trình Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) thẩm định... Đồng thời việc điều chỉnh hướng tuyến khả năng sẽ làm ảnh hưởng đến các thửa đất khác của các hộ dân, doanh nghiệp, tổ chức khác lân cận sẽ phát sinh khiếu kiện.
Tại buổi làm việc, SPMB kiến nghị UBND tỉnh xem xét giữ nguyên hướng tuyến đã được UBND tỉnh thỏa thuận đoạn tuyến (13 vị trí trụ) qua Công ty Cao su Bình Dương thuộc Becamex để đảm bảo tiến độ. Chỉ đạo UBND các huyện, Trung tâm phát triển quỹ đất và UBND các xã có công trình đi qua quan tâm, hỗ trợ sớm đẩy nhanh các bước thực hiện trình tự thủ tục trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án.
UBND tỉnh chỉ đạo sớm thẩm định và trình phê duyệt Chứng thư giá đất cụ thể qua huyện Bàu Bàng và huyện Dầu Tiếng để các huyện có cơ sở lập phương án bồi thường, chi trả cho các hộ dân ảnh hưởng và bàn giao mặt bằng cho thi công kịp tiến độ.
UBND huyện, Trung tâm phát triển quỹ đất và UBND các xã có công trình đi qua quan tâm, hỗ trợ sớm đẩy nhanh các bước thực hiện trình tự thủ tục trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án đảm bảo phê duyệt phương án bồi thường phần móng trụ trong tháng 9/2022 và hành lang trong tháng 10/2022.
Ngoài ra, để đảm bảo cung cấp điện cho tỉnh Bình Dương trong những năm tới, EVNNPT cũng sẽ đầu tư 10 dự án truyền tải điện khác. Các dự án này có nhiệm vụ đảm bảo an toàn vận hành, nâng cao độ tin cậy nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho phụ tải tỉnh Bình Dương phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương và các địa phương trong khu vực. Đồng thời, chống quá tải cho Trạm biến áp 220 kV hiện hữu, giảm tổn thất điện năng và ổn định hệ thống điện. Đây đều là những dự án trọng điểm cấp bách và phải hoàn thành trong giai đoạn 2022-2025 nhưng hiện vẫn còn những vướng mắc về thủ tục đầu tư vì vậy EVNNPT/SPMB kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ cũng như hoàn thành việc đảm bảo cung cấp điện cho tỉnh Bình Dương trong những năm tới.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương và ông Nguyễn Văn Dành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đánh giá cao những nỗ lực của EVN nói chung và EVNNPT nói riêng trong những năm qua đã luôn đảm bảo “điện đi trước một bước”. Qua đó, đã giúp tỉnh Bình Dương bứt phát trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương hết sức ghi nhận những nỗ lực của EVNNPT/SPMB trong thời gian qua đã luôn bám sát chính quyền địa phương, người dân có dự án đi qua để tháo gỡ vướng mắc đẩy nhanh tiến độ dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan cần quyết liệt hơn nữa để tháo gỡ vướng mắc mặt bằng cho dự án đáp ứng yêu cầu tiến độ của EVNNPT. Các sở, ngành, địa phương trong tỉnh rà soát kỹ tất cả các dự án EVNNPT đang thực hiện đầu tư trên địa bàn tỉnh bố trí quỹ đất phù hợp để EVNNPT triển khai các dự án nhằm đáp ứng nhu cầu điện tăng trưởng cao của tỉnh trong thời gian tới.
Đối với 13 vị trí vướng dự án của Công ty Cổ phần Cao su Bình Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp với UBND huyện Bàu Bàng và các đơn vị liên quan khẩn giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng đề nghị EVNNPT/SPMB trong quá trình triển khai dự án nếu có vướng mắc cần báo báo lãnh đạo tỉnh ngay để tỉnh kịp thời hoặc từng bước tháo gỡ, chung sức cùng EVNNPT hoàn thành các nhiệm vụ được giao.