Theo một phân tích về dự báo dân số của Liên hợp quốc (UN), ngày 14/4, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới với hơn 1,425 tỷ người.
Lợi thế không chỉ nằm ở quy mô dân số
Giới phân tích đánh giá Ấn Độ sở hữu tiềm năng kinh tế khổng lồ, không chỉ nhờ quy mô dân số mà còn nhờ các đặc điểm nhân khẩu học. Lợi thế cạnh tranh lớn này có thể thấy rõ ở tỷ lệ phụ thuộc (dependency ratio) của quốc gia này.
Tỷ lệ phụ thuộc là thước đo tỷ lệ dân số ở độ tuổi phụ thuộc (dưới 14 tuổi và trên 65 tuổi) và dân số trong độ tuổi lao động (từ 15-64 tuổi). Tỷ lệ này càng thấp, thì quốc gia đó càng có ít người phụ thuộc cần phải hỗ trợ. Ví dụ, một quốc gia mà cứ mỗi 100 người lao động lại có 50 người phụ thuộc thì có tỷ lệ phụ thuộc thấp hơn so với quốc gia mà mỗi 100 người lao động lại có 90 người phụ thuộc.
Các dự báo của UN đưa ra năm 2022 cho thấy tỷ lệ phụ thuộc của Ấn Độ là 47/100 người động trong năm 2023, giảm từ tỷ lệ 68/100 của 25 năm trước. Tỷ lệ này của quốc gia Nam Á được dự báo sẽ giảm xuống còn 45/100 trong vòng 25 năm tới, trước khi bắt đầu tăng lên. Tuy nhiên, kể cả khi tăng lên, tỷ lệ phụ thuộc của Ấn Độ vẫn được dự báo sẽ chỉ đứng thứ 23 toàn cầu vào năm 2048, so với vị trí 43 hiện tại, theo phân tích dựa trên dữ liệu từ UN của MarketWatch. Đây được xem là một lợi thế lớn với quốc gia đông dân nhất thế giới.
Hiện tại, tỷ lệ phụ thuộc của Trung Quốc thấp hơn so với của Ấn Độ, nhưng được dự báo sẽ tăng mạnh trong những năm tới do nhóm dân số phụ thuộc ngày càng gia tăng trong khi nhóm dân số trong độ tuổi lao động giảm xuống. Đây là kết quả của “chính sách một con” kéo dài hơn ba thập kỷ và chỉ vừa mới kết thúc vào năm 2016. Tỷ lệ phụ thuộc của Trung Quốc được dự báo bắt đầu tăng lên vào năm 2028 và đạt mức 68/100 trong vòng 25 năm tới, đứng thứ 146 trong 193 quốc gia trên thế giới.
Tận dụng giai đoạn dân số 'vàng', liệu có dễ?
Theo các nhà phân tích, dù các con số về nhân khẩu học cho thấy Ấn Độ có thể hưởng lợi lớn từ vị thế mới là quốc gia đông dân nhất thế giới, nhưng nước này sẽ không khai thác được toàn bộ tiềm năng kinh tế nếu như tiếp tục tụt hậu so với các nền kinh tế mới nổi khác về năng suất lao động và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ giới.
Ấn Độ hiện đang trong giai đoạn lợi tức dân số (demographic dividend). Đây là giai đoạn tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh tỷ lệ phụ thuộc ở mức thấp nhờ cấu trúc tuổi tác của dân số. Một quốc gia được xem là ở trong giai đoạn lợi tức dân số khi tỷ lệ sinh của quốc gia đó giảm xuống và kết quả là nữ giới và người chăm sóc gia đình tham gia vào lực lượng lao động nhiều hơn. Việc có thêm nhiều người tham gia vào lực lượng lao động đồng nghĩa tỷ lệ phụ thuộc giảm xuống.
Tuy nhiên, thực tế Ấn Độ có thể không tận dụng được đầy đủ lợi thế từ giai đoạn “vàng” này. Một báo cáo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNPFA) đã vạch ra 8 chiến lược và sáng kiến cụ thể mà Ấn Độ nên thực hiện để tận dụng tối đa giai đoạn quan trọng lịch sử này, trong đó tập trung vào 2 trụ cột. Thứ nhất là sức khỏe cá nhân - yếu tố có thể được cải thiện nhờ đầu tư nhiều hơn vào y tế, sức khỏe sinh sản và giáo dục. Trụ cột thứ hai là dịch chuyển cơ cấu của nền kinh tế từ nông nghiệp sang sản xuất.
Tuy nhiên, dữ liệu từ báo cáo của UN cho thấy, ở trụ cột thứ nhất - sức khỏe của lực lượng lao động mới, Ấn Độ đang tụt hậu. Đầu tư cho y tế của nước này không theo kịp tốc độ gia tăng của tổng sản phẩm trong nước (GDP). Bên cạnh đó, nhu cầu kế hoạch hóa gia đình chưa được đáp ứng của nước này cũng ở mức cao so với các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Hàn Quốc. Nữ giới Ấn Độ cũng có ít cơ hội để học các kỹ năng mới để có thể tăng khả năng tham gia vào lực lượng lao động.
“Nếu không có các chính sách phù hợp, sự gia tăng của dân số trong độ tuổi lao động có thể dẫn tới tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, gây ra các rủi ro về kinh tế và xã hội”, báo cáo của UN chỉ ra.
Các con số về nhân khẩu học cho thấy quốc gia Nam Á được hưởng lợi từ lực lượng lao động tăng lên và thực tế nước này cũng đã đạt được một số bước tiến quan trọng để thực hiện quá trình chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, một tài liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy Ấn Độ đang tụt hậu so với các nền kinh tế mới nổi và nền kinh tế phát triển (EMDE) ở một số thước đo, trong đó có thước đo về tăng trưởng kinh tế tiềm năng.
Thước đo tăng trưởng kinh tế tiềm năng của WB được chia thành 3 hạng mục: Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), tích lũy tư bản và lao động. Dù 10 năm qua, khu vực Nam Á, trong đó có Ấn Độ, là khu vực EMDE duy nhất trên thế giới không chứng kiến sự suy giảm tăng trưởng tiềm năng tổng thể so với thập kỷ trước. Điều này có được là nhờ sự cải thiện về TFP và tích lũy tư bản. Trong khi đó, Ấn Độ đang tụt hậu ở tích lũy tư bản và lao động.
Theo báo cáo của WB, TFP - đạt được nhờ sử dụng hiệu quả đầu vào hiệu quả hơn thông qua đổi mới công nghệ - là yếu tố lớn nhất góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tiềm năng ở khu vực Nam Á trong hai thập kỷ qua. Ấn Độ hiện có TFP vượt xa ba nền kinh tế lớn nhất thế giới gồm Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, nhờ sự dịch chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp sang sản xuất.
Còn tiềm năng tăng trưởng từ tích lũy tư bản của Ấn Độ hiện thấp hơn Trung Quốc nhưng cao hơn so với Mỹ và Nhật Bản. Dù vậy, ở yếu tố này, Ấn Độ vẫn theo sau các quốc gia trong khu vực Nam Á như Bangladesh, Bhutan và Nepal. Nguyên nhân là sự bất ổn trong chính sách và “nút thắt” do mạng lưới điện vào giao thông kém tin cậy - báo cáo của WB chỉ ra.
So với TFP và tích lũy cơ bản, lao động là nhân tố đóng góp ít nhất vào tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ. Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ những thách thức về giáo dục, làm hạn chế khả năng đóng góp vào nền kinh tế của lực lượng lao động.
Vào những năm 2010, chỉ có 40% dân số Ấn Độ hoàn thành chương trình cấp hai. Tỷ lệ này hiện chỉ tăng 5 điểm phần trăm so với thập kỷ trước, mức tăng thấp thứ hai tại các nước EMDE. Theo WB, tác động của đại dịch Covid-19 đến tỷ lệ hoàn thành chương trình học sẽ là một thách thức mới đối với tiềm năng tăng trưởng từ lao động của Ấn Độ.
“Nguồn lực con người sẽ bị xói mòn do tỷ lệ tham gia của lượng lao động thấp, sự gián đoạn giáo dục và tình trạng sức khỏe suy giảm”, báo cáo của WB viết.
Bên cạnh các kế hoạch cải tổ đầy tham vọng của Ấn Độ, WB khuyến nghị quốc gia Nam Á chính thức hóa lực lượng lao động và khuyến khích nữ giới tham gia vào lực lượng lao động nhiều hơn để theo kịp với các quốc gia trong các khu vực EMDE khác. Đây được xem là những hành động sẽ mang lại tác động lớn nhất.