Warren Buffett là vị tỷ phú với những khoản đầu tư thành công vào Coca-Cola, American Express, Apple, Bank of America, Moody’s hay Kraft Heinz.
Nhưng không chỉ là nhà đầu tư huyền thoại được nhiều người kính trọng, Buffett còn là người chia sẻ kiến thức và đưa ra nhiều khuyên tới hàng triệu người trên thế giới. Và một trong những câu nói nổi tiếng của vị tỷ phú là “Mặc dù học hỏi từ những sai lầm của mình là tốt nhưng học hỏi từ sai lầm của người khác sẽ càng tốt hơn”.
Đã có hàng ngàn bài nghiên cứu về sự thành công của Warren Buffett cùng các thương vụ đem về lợi nhuận khổng lồ. Tuy nhiên trong cuộc đời của ông cũng có 3 “cái bẫy” khiến nhà đầu tư huyền thoại này “vấp ngã”. Người mới nên phân tích và rút ra kinh nghiệm.
1. Bẫy “để cảm xúc chi phối” - Berkshire Hathaway
Thật khó tin nhưng Buffett từng nói rằng việc mua tập đoàn Berkshire Hathaway vào năm 1962 là khoản đầu tư mà ông cảm thấy sai lầm.
Vào thời điểm đó, Berkshire Hathaway là một doanh nghiệp dệt may đang thất bại. Tuy nhiên nó vẫn là một đơn vị có mô hình đủ tiêu chuẩn nên huyền thoại đầu tư khi còn trẻ đã quyết định mua cổ phiếu của công ty này.
Sau đó vào năm 1964, chủ sở hữu của công ty, Seabury Stanton đã đề nghị mua lại cổ phần của Buffett với giá 11,5 USD/cổ phiếu. Buffett đã đồng ý với mức giá ấy. Nhưng sau đó, giá lại bị Stanton giảm còn 11,32 USD. Điều này khiến ông tức giận và cảm thấy bị lừa. Vì vậy, để nắm quyền kiểm soát công ty và sa thải Stanton, ông đã quyết định mua lại cổ phiếu Berkshire Hathaway ngay sau đó.
Nếu thời điểm ấy, Buffett không bị cảm xúc chi phối, ông sẽ bán số cổ phiếu “không triển vọng” của Berkshire và lấy tiền đầu tư vào kinh doanh bảo hiểm - bước khởi động đế chế kinh doanh sau này của ông. Nhưng ngược lại, Buffett đã dành nhiều năm và nguồn lực để cố gắng vực dậy công ty này.
Sam Stovall, Trưởng Bộ phận Tư vấn Chiến lược, công ty CFRA cho biết, việc trở thành một nhà đầu tư giỏi là dạy bản thân không được để cảm xúc gây họa.
2. Bẫy “coi lợi nhuận trước mắt là yếu tố ưu tiên hàng đầu” - Công ty giày Dexter
Năm 1993, Berkshire Hathaway của Warren Buffett đã mua lại công ty giày Dexter. Buffett gọi đó là thương vụ tồi tệ nhất mà ông từng thực hiện khi mắc tới 2 sai lầm.
Khi thấy Dexter có lợi nhuận cao, Buffett đã mua lại công ty mà không để ý tới lợi thế cạnh tranh. Phần lớn giày dép của Dexter được sản xuất tại Mỹ và có giá thành cao. Tuy nhiên, song song với đó, thị trường giày dép giá rẻ được sản xuất ở nước ngoài với chi phí nhân công thấp, ví dụ như ở Trung Quốc đang rất phát triển.
Đến năm 1999, ông đã nhận ra sai lầm khi lĩnh vực kinh doanh giày dép trở nên khó khăn đối với các nhà sản xuất trong nước. Thời điểm đó, 93% trong số 1,3 tỷ đôi giày bán ra tại Mỹ được sản xuất tại nước ngoài.
Vì vậy, bài học là không nên đặt lợi nhuận trước mắt lên hàng đầu, bạn phải kiểm tra lợi thế cạnh tranh bền vững của công ty trước khi đầu tư vào nó.
Ngoài ra vị tỷ phú còn mắc sai lầm khác là mua công ty Dexter bằng cổ phiếu Berkshire Hathaway. Một cổ phiếu loại A của Berkshire có giá khoảng 15.000 USD vào năm 1993. Nhưng ngày nay, nó được định giá dao động khoảng 462.000 USD.
3. Bẫy “thiên vị” - Chuỗi siêu thị Tesco
Đến cuối năm 2012, Berkshire Hathaway sở hữu 415 triệu cổ phiếu của siêu thị Tesco - khoản đầu tư trị giá 2,3 tỷ USD thời điểm đó. Đến năm 2013, Tesco gặp nhiều rắc rối, và Berkshire đã giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 3,7%, tương ứng với khoản đầu tư gần 1,7 tỷ USD. Trong vài tháng tiếp theo, giá cổ phiếu của Tesco tiếp tục đi xuống và doanh số giảm 50%.
Mặc dù thấy được những dấu hiệu đáng lo ngại nhưng Warren Buffett lại “chần chừ” và trì hoãn việc bán cổ phiếu của chuỗi siêu thị này. Dường như vị tỷ phú cảm thấy rủi ro chưa lớn hoặc không nỡ.
Theo Scott Nations tác giả của cuốn sách “The Anxious Investor”, sự thiên vị đôi khi khiến các nhà đầu tư phải đau đầu. Bởi ngay cả những nhà đầu tư cẩn thận nhất cũng cảm thấy khó khăn khi phải bán những loại cổ phiếu mà mình từng ưa thích. Tuy nhiên, chính vì sự thiên vị và chần chừ, cái giá mà tỷ phú Warren Buffett phải trả là số tiền thiệt hại khoảng 444 triệu USD.
Tham khảo etmoney