Sau 8 tháng đi vào hiệu lực, RCEP với sự tham gia của 3 trong 4 nền kinh tế lớn nhất châu Á đã thúc đẩy tăng trưởng trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu, đầu tư, sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử giữa các nước thành viên.
Bên cạnh đó, theo nghiên cứu mới công bố của HSBC, hiệp định này cũng ảnh hưởng gián tiếp đến thu nhập của các quốc gia nhờ vào chiều sâu của nó.
Ước tính của WB cho rằng Việt Nam sẽ có khả năng đạt được mức tăng thu nhập thực tế lên đến gần 5% vào năm 2035 nhờ "cú hích" năng suất. Chỉ số này tương đương các nền kinh tế khác như Thái Lan, Malaysia.
Còn những quốc gia phát triển như Nhật Bản sẽ có mức tăng năng suất thấp hơn, nhưng vẫn được hưởng lợi nhờ tăng cường tích hợp chuỗi cung ứng và hỗ trợ khả năng cạnh tranh của các công ty địa phương.
Các chuyên gia tại HSBC nhận định động lực thúc đẩy tăng trưởng năng suất là sự gia tăng thương mại và dòng vốn FDI, cũng như sản xuất nội địa của các nước.
"Chúng tôi mong đợi sẽ có sự thay đổi trong tính cạnh tranh giữa các lĩnh vực khác nhau. Một cách tự nhiên, nguồn lực và vốn sẽ được dùng cho ngành có tính cạnh tranh cao nhất", chuyên gia tại HSBC nhấn mạnh.
Trong đó, đến năm 2035, ba ngành được kỳ vọng mở rộng nhiều nhất ở Việt Nam là đồ da và quần áo (tăng 14,7%), thiết bị điện và máy móc (tăng 12,1%), dệt may (tăng 9%). Trong khi đó, các ngành nhiên liệu hóa thạch, sản phẩm từ gỗ và giấy, dược phẩm cơ bản... sẽ được thu hẹp quy mô hoạt động.
Nhìn chung đến năm 2030, dù không tính đến cú hích năng suất tiềm năng do RCEP tạo nên, HSBC vẫn tin tưởng lạc quan rằng toàn thị trường thành viên của RCEP sẽ đóng góp 32,9% GDP toàn cầu, tăng từ mức 31,7% năm 2021. Bên cạnh đó, sản lượng xuất khẩu cũng chiếm khoảng 30% toàn cầu.
Hiện tại, RCEP có sự tham gia của 15 nền kinh tế châu Á, đồng thời một số quốc gia khác cũng đang trong quá trình phê duyệt hoặc đã nộp đơn gia nhập. Đây là hiệp định thương mại tự do đầu tiên có cả Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tham gia.
Các dự đoán cho thấy những thị trường này sẽ đạt bước nhảy vọt lớn nhất về xuất khẩu vào năm 2030, trong khi lợi ích với các nước ASEAN sẽ thấp hơn.