Báo cáo Xu hướng cửa hàng bán lẻ hiện đại Việt Nam 2023 do Q&Me công bố mới đây cho thấy WinMart+ tiếp tục là chuỗi bán lẻ dẫn đầu về số lượng cửa hàng. Tính đến tháng 3, đơn vị này có 3.049 cửa hàng khắp cả nước, tăng 448 điểm bán sau một năm.
Trong khi đó, Bách Hóa Xanh - đứng vị trí thứ hai - lại đóng cửa 419 cửa hàng trong năm qua, chỉ còn giữ lại 1.728 cơ sở.
Thực tế, xu hướng thu hẹp quy mô hoạt động đang diễn ra ở hầu như tất cả loại hình cửa hàng vật lý, trong đó giảm mạnh nhất trong 3 năm qua là cửa hàng mini. Sau giai đoạn tăng trưởng trước đại dịch, hiện cả nước còn 96 cửa hàng mini, tương đương phân nửa thị trường năm 2020.
Trong khi đó, số lượng siêu thị giảm nhẹ còn 362 địa điểm so với năm ngoái, với những cái tên sở hữu mạng lưới rộng khắp nhất là Co.opMart (128 siêu thị) và WinMart (123 siêu thị). Phân khúc này gần như vẫn giữ được tính ổn định sau giai đoạn Covid-19.
Còn với phân khúc cửa hàng tiện lợi, dù quy mô đã tăng gấp đôi so với thời điểm 2019, sự tăng trưởng chủ yếu diễn ra ở các thị trường ngoài TP.HCM và Hà Nội. So với năm 2022, tổng số cửa hàng tiện lợi trên cả nước giảm nhẹ 15 điểm, còn 6.720 cửa hàng.
Thực tế, thị trường bán lẻ đang trải qua nhiều thách thức trong bối cảnh triển vọng kinh tế chung không quá lạc quan. Trong 3 tháng đầu năm nay, các chuỗi bán lẻ lớn như Saigon Co.op, Satra, Central Retail, MM Mega Market đều ghi nhận doanh số tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên họ nhìn nhận mức tăng này không an toàn. Lý do là giỏ hàng đang bị hụt đi vì người tiêu dùng chỉ dành ngân sách cho sản phẩm thiết yếu.
Quan sát cả thị trường Việt Nam lẫn bức tranh chung trên thế giới, ông Onni Rautio, Giám đốc Kinh doanh của Relex Solutions khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng bên cạnh sự lên ngôi của hàng hóa thiết yếu, xu hướng chủ đạo trong thời gian tới sẽ là sự dịch chuyển từ hàng hóa thông thường sang các mặt hàng thay thế có giá rẻ hơn.
“Điều này buộc các công ty bán lẻ phải tìm cách tối ưu hóa vận hành nhằm tiết giảm chi phí. Đồng thời, doanh nghiệp phải có công cụ và dữ liệu để xác định mức giá cũng như chiết khấu vừa đủ để hấp dẫn khách hàng, vừa đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp”, ông Onni Rautio khuyến nghị.
Mặt khác, ông cũng cho rằng khách hàng đang chuyển mối quan tâm từ sản phẩm của các thương hiệu lớn, toàn cầu sang hàng nhãn riêng của các chuỗi bán lẻ. Song song đó, sự phát triển của kênh thương mại điện tử dù có phần chững lại sau đại dịch, nhưng vẫn không thể phớt lờ.
“Ba xu hướng này sẽ là ba biến số làm tăng tính phức tạp của việc quản lý chuỗi cung ứng đối với các nhà bán lẻ. Giờ đây, họ phải tìm mọi cách tối ưu hóa quá trình vận hành và kinh doanh. Bài toán này càng khó giải hơn khi lạm phát đang diễn ra trên toàn cầu. Tuy nhiên, đơn vị nào quản lý tốt chuỗi cung ứng sẽ có khả năng cạnh tranh cao hơn”, vị đại diện của Relex Solutions tại châu Á - Thái Bình Dương nhấn mạnh.
Dù vậy, về dài hạn, ông vẫn đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường bán lẻ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất không chỉ ở Đông Nam Á mà còn trên toàn cầu, với quy mô được dự kiến lên đến 100 tỷ USD chỉ trong vài năm tới.
“Với những lợi thế riêng, bán lẻ Việt Nam đang thu hút nhiều tên tuổi lớn, nhưng mặt khác cũng có vô số cửa hàng nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình khiến thị trường còn rất phân tán. Tôi cho rằng trong những năm tới, thị trường sẽ dần tập trung hơn, có thể thông qua quá trình mua bán và sáp nhập (M&A) để chỉ còn một số cái tên chủ đạo chi phối, phủ sóng khắp thị trường, chiếm thị phần cao”, ông Onni Rautio dự báo.