Từ 15h ngày 21/7, giá xăng E5 RON 92 trong nước giảm 2.710 đồng/lít còn 25.070 đồng/lít, xăng RON 95 giảm 3.600 đồng/lít còn 26.070 đồng/lít. Đây là lần giảm mạnh nhất của giá xăng từ đầu năm. So với đầu tháng, xăng RON 95 đã giảm hơn 6.798 đồng/lít; E5 RON 92 giảm 6.223 đồng/lít; dầu diesel giảm 5.560 đồng/lít...
Tính đến nay, giá mặt hàng này đã trải qua 19 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 6 lần giảm. Hiện, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 trong nước đã xuống quanh mức 25.000-26.000 đồng/lít, tương đương mức giá vào tháng 2.
Mặc dù giá xăng đã 2 lần liên tiếp giảm sâu tới gần 7.000 đồng/lít nhưng giá hàng hóa vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, ngược lại các mặt hàng tươi sống như rau củ, thịt cá lại có xu hướng tăng.
Hàng hóa chưa thể giảm ngay
Theo ghi nhận của Zing, hiện giá hàng hóa tại các siêu thị vẫn giữ nguyên mức đã thay đổi tăng trước đó. Còn tại các chợ, một số mặt hàng đồ khô, gia vị đứng yên, số khác như rau, thịt rục rịch tăng giá.
Khảo sát tại một số chợ truyền thống, cửa hàng thực phẩm và chợ lẻ trên địa bàn TP Hà Nội như chợ Linh Lang, Cống Vị (quận Ba Đình), chợ Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm), chợ Hoàng Văn Thái (quận Thanh Xuân)... giá bán lẻ thịt lợn đã tăng thêm 5.000-10.000 đồng/kg so với đầu tháng do giá heo hơi tăng cao. Hiện giá mặt hàng này ở mức 100.000-180.000 đồng/kg, tùy loại thịt.
Còn rau xanh vẫn biến động nhẹ theo ngày, mỗi kg rau xà lách dao động 50.000-60.000 đồng; cải ngọt 15.000-20.000 đồng/kg, bắp cải 20.000-25.000 đồng/kg, cà chua 30.000 đồng/kg...
Các mặt hàng đồ khô cũng khó giảm theo giá xăng. Đơn cử với sữa, đầu tháng 7, Công ty TNHH Nestle Việt Nam thông báo tăng giá một số mặt hàng sữa công thức trong phạm vi 5%. Trước đó, Công ty CP sữa Việt Nam điều chỉnh tăng giá loạt sản phẩm sữa 4-10%.
Trao đổi với Zing, đại diện WinCommerce cho biết trong suốt giai đoạn giá xăng tăng mạnh, doanh nghiệp đã đàm phán với các nhà cung cấp để giữ giá hàng hóa ổn định, ít biến động. "Hiện, chúng tôi vẫn theo sát tình hình giá xăng dầu để tiến hành đàm phán với các nhà cung cấp về việc điều chỉnh giảm giá các mặt hàng", đại diện chuỗi siêu thị Winmart/Winmart+ chia sẻ.
Tuy nhiên, người này thừa nhận hiện chưa có nhiều nhà cung cấp điều chỉnh giá kịp thời theo giá xăng.
"Điều này có thể lý giải do việc thay đổi giá xăng mỗi tháng 3 kỳ nên giá cả thị trường, biến động chuỗi cung ứng cần có độ trễ nhất định để điều chỉnh. Tức phải cần một khoảng thời gian để các ngành nghề, lĩnh vực tính toán lại chi phí, từ đó áp dụng lên giá cả đầu ra của sản phẩm, hàng hóa", vị này phân tích.
Do đó, nhằm chia sẻ với người tiêu dùng trong giai đoạn này, doanh nghiệp thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mại nhiều mặt hàng thiết yếu với giá tốt. "Các sản phẩm nhãn hàng riêng của doanh nghiệp như đều có giá thành rẻ hơn 10-20% so với các sản phẩm cùng phân khúc trên thị trường", đại diện WinCommerce chia sẻ.
Tương tự, nhiều chuỗi siêu thị khác cho biết các hợp đồng với nhà cung cấp đa số đều được kí trong khoảng thời gian dài, do đó khó có thể điều chỉnh giá ngay khi giá xăng giảm.
Trước tình hình đó, một số doanh nghiệp cũng tăng cường các hoạt động khuyến mãi, giảm giá, đáp ứng nhu cầu mua sắm tiết kiệm của khách hàng. "Ngoài các ưu đãi định kì, doanh nghiệp còn phối hợp với các nhà cung cấp triển khai chương trình giá thấp mỗi ngày, dành cho các sản phẩm khuyến mãi được cập nhật dựa trên nhu cầu của khách hàng theo từng quý", đại diện Aeon Việt Nam chia sẻ.
Vì sao khó giảm?
Một số doanh nghiệp trong ngành F&B cũng thừa nhận với Zing, họ chưa thể giảm giá ngay bởi giá xăng chiếm tỷ trọng không lớn trong giá thành sản phẩm như giá cước vận chuyển khoảng 3-4%.
"Chi phí đầu vào, đặc biệt là các loại nguyên liệu nhập khẩu vẫn tăng và ở mức cao. Do đó, menu của chúng tôi vẫn chưa thể điều chỉnh giảm ngay và cần thời gian để xem xét", lãnh đạo một chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh chia sẻ.
Một số chuyên gia kinh tế nhận định cần khoảng thời gian vài tuần đến 1-2 tháng để hình thành sự điều chỉnh chung của giá hàng hóa, dịch vụ, thực phẩm. Việc giá xăng giảm liên tiếp trong 3 kỳ điều hành chỉ tạm thời chặn được đà tăng giá nguyên vật liệu, hàng hóa đồng thời làm giảm sức ép lên doanh nghiệp, chặn nguy cơ lạm phát...
Trao đổi với Zing, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) phân tích với các loại hàng hóa tiêu dùng, thông thường việc tăng hay giảm giá đều phải có độ trễ nhất định.
"Chính độ trễ trong việc điều chỉnh giá của các loại hàng hóa này đã khiến những tính toán của Tổng cục Thống kê khi công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm có phần không đúng với cảm nhận của người dân", ông nói.
Do đó, theo vị chuyên gia này, khi giá xăng dầu giảm thì giá hàng hóa cũng phải có độ trễ tương tự. "Tuy nhiên, cũng phải lưu ý trước diễn biến khó lường của giá xăng dầu thế giới. Có thể bây giờ giá xăng giảm trong ngắn hạn nhưng vì một lý do nào đó giá mặt hàng này lại có thể quay đầu tăng trở lại", ông lưu ý.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần có những kịch bản trong từng diễn biến giá xăng dầu để có động thái, chính sách phù hợp như tiếp tục đề xuất thêm những cơ chế để Quốc hội quyết định sớm.
Tương tự, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cũng nhận định việc giảm giá hàng hóa không thể thực hiện trong một sớm một chiều bởi thực tế khi giá đầu vào tăng, các doanh nghiệp cũng mất một khoảng thời gian để cân nhắc, điều chỉnh giá.
Theo ông, hiện có hai bộ quản lý giá gồm Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. Những đơn vị này cần xem xét tính toán mức tăng của giá xăng dầu và nguyên liệu đầu vào và các tác động tới giá thành để từ đó tính toán giá bán các loại hàng hóa khác.
Khi xăng dầu giảm, cần có độ trễ nhất định để hàng hóa điều chỉnh giá và thông thường theo chu trình sản xuất ít nhất khoảng một tháng. Nếu hàng hóa không giảm thì 2 đơn vị quản lý này phải vào cuộc.