Việt Nam được coi là nước dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu. Do đó, việc phát triển kinh tế xanh và tài chính xanh đã và đang được quan tâm hơn bao giờ hết. Chuyên gia phân tích, tác động từ đại dịch Covid đã khiến các doanh nghiệp và toàn xã hội nhận ra tầm quan trọng của nền kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi số, hai yếu tố này góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp cần chủ động thay đổi mình, đơn cử như sản phẩm, công nghệ cho phù hợp với những diễn biến đại dịch và thích ứng với thói quen mới của người tiêu dùng. Nói cách khác, nếu doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không “xanh” thì người tiêu dùng toàn cầu không ưu tiên lựa chọn và dẫn đến doanh nghiệp mất lợi thế cạnh tranh.
Hiểu được điều này, các doanh nghiệp Việt đang ngày càng quan tâm hơn tới yếu tố xanh trong sản xuất sản phẩm. Đơn cử như Heineken Việt Nam, doanh nghiệp này hiện có 6 nhà máy sản xuất bia và 10 văn phòng tại Việt Nam. Để góp phần chống biến đổi khí hậu, tham gia bảo vệ môi trường và duy trì phát triển bền vững, ở mỗi khâu trong quá trình sản xuất, phân phối sản phẩm, doanh nghiệp này đều chủ động thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Hiện nay, 5/6 nhà máy sản xuất của Công ty Heineken đã thực hiện nấu bia bằng 100% năng lượng tái tạo. Trong khâu đóng gói, 100% chai bia và két được sử dụng lại, 100% lon bia được tái chế. Trong khâu quản lý chất thải, 99% phụ phẩm, chế phẩm được tái chế, tái sử dụng. Trong khâu văn phòng và tổ chức các sự kiện, doanh nghiệp giảm 1% điện, 8% nước, 33% giấy.
Hay tại Unilever Việt Nam, doanh nghiệp này cũng có đã có nhiều sáng kiến trong thực hiện kinh tế tuần hoàn như thiết kế lại bao bì để hạn chế sử dụng đồ nhựa, tăng cường các mô hình phân loại rác, thu gom và tái chế rác thải nhựa. Unilever Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, tất cả bao bì sản phẩm của công ty đều sử dụng vật liệu có thể tái sử dụng, tái chế hoặc tự phân hủy, cắt giảm 50% việc sử dụng nhựa nguyên sinh, cắt giảm dung lượng nhựa sử dụng và sử dụng nhựa tái chế; thu gom và xử lý hơn số lượng sản phẩm bán ra thị trường...
Dù các doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm đến yếu tố xanh trong quy trình sản xuất, thiết kế sản phẩm nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng điều này chỉ đang thực sự được triển khai ở các doanh nghiệp lớn, có nguồn lực tài chính mạnh mẽ. Trong khi với các DNNVV ở Việt Nam, vốn đang chiếm tỷ trọng 97% tổng số doanh nghiệp, vẫn gặp khó khăn nhất định trong việc tiếp cận các nguồn tài chính xanh khiến sự hấp thụ công nghệ xanh hoặc tạo ra các ngành nghề kinh doanh xanh của các DNNVV còn thấp.
Một trong những nguồn tài chính được doanh nghiệp kỳ vọng tiếp cận đó chính là nguồn tín dụng chính thức từ các TCTD. Tuy nhiên thực tế, các ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn khi phê duyệt các dự án tín dụng xanh.
ThS. Lê Phong Châu - Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, phía Chính phủ cần hoàn thiện khung pháp lý, thể chế; cần có định nghĩa rõ ràng về những khoản tín dụng xanh và thuật ngữ liên quan; định hướng, có những hướng dẫn rõ ràng, nêu rõ những ưu đãi của NHTM khi tài trợ cho tín dụng xanh.
Đồng quan điểm, nghiên cứu của TS. Lê Thị Thùy Vân, ThS. Trần Thị Hà Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, một số các giải pháp đã và đang được các ngân hàng Trung ương trên thế giới áp dụng để khuyến khích tín dụng xanh và phát triển ngân hàng xanh như giảm dự trữ bắt buộc tương ứng với mức độ cho vay xanh; tăng tổng dư nợ cho các ngân hàng có dư nợ tín dụng xanh nhiều; áp dụng giảm lãi suất góp vốn đối với ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường tốt khi cấp tín dụng; tăng yêu cầu về tỷ lệ dự trữ bắt buộc và thanh khoản đối với ngân hàng nào cho vay các dự án có tổn thất thiệt hại lớn đối với môi trường.
Bên cạnh đó, ban hành danh mục phân loại xanh chính thức và các tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng về các dự án xanh, cũng như quy trình dán nhãn minh bạch cho các dự án đáp ứng yêu cầu tín dụng xanh, trái phiếu xanh tuân theo các thông lệ quốc tế tốt nhất. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội một cách toàn diện; trong đó hình thành được một bộ máy tổ chức để thực hiện việc quản lý, đánh giá rủi ro môi trường và xã hội, giám sát thực hiện hoạt động ngân hàng xanh, tín dụng xanh tại các ngân hàng.
ThS. Lê Phong Châu khuyến nghị ngân hàng nên lập một phòng/ban quản lý rủi ro môi trường, để đánh giá được những tác động của các dự án đối với môi trường để từ đó có những quyết định phù hợp trong tài trợ tín dụng hoặc theo dõi dự án, ngoài ra, phía ngân hàng cũng có thể kết hợp với các bên trong việc đánh giá tính “xanh” của một dự án khi tài trợ và trong suốt quá trình của dự án. Về phía cầu tín dụng cần tích cực tìm kiếm những dự án gây ít tác động xấu đến môi trường, giảm thiểu ô nhiễm, cùng với đó đảm bảo sự “xanh” của dự án trong suốt quá trình thực hiện.