Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường chiều 23/8, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) - cho biết xuất khẩu xây dựng là hướng đi tập trung trong 10 năm tới bởi thị trường nội địa không còn nhiều dư địa để tăng trưởng "nóng" như trước.
Trong đó, Mỹ, Canada, Australia và châu Âu sẽ là những thị trường trọng điểm.
Nước ngoài đóng góp 70% doanh thu sau 10 năm
Phát biểu tại đại hội, ông Lê Viết Hải cho biết mục tiêu của doanh nghiệp đến 2032 đạt doanh thu 19 tỷ USD theo tỷ giá hiện nay, trong đó thị trường nội địa đóng góp 6 tỷ USD, còn lại 13 tỷ USD từ thị trường quốc tế. Lợi nhuận dự kiến đạt 5% doanh thu - tỷ lệ phổ biến trong ngành xây dựng ở những thị trường phát triển như Australia, Canada, Mỹ...
"Quy mô thị trường thế giới rất lớn, hiện khoảng 12.000 tỷ USD, đến 2030 ước đạt 19.000 tỷ USD , do đó 13 tỷ USD của Hòa Bình chưa phải mục tiêu quá lớn, mức lợi nhuận 5% cũng là khiêm tốn. Chúng tôi đặt ra mục tiêu theo thực tế những gì đã đạt được trong lịch sử phát triển của doanh nghiệp, tức tăng 25 lần doanh thu trong 10 năm", ông Lê Viết Hải nói với cổ đông.
Chia sẻ cụ thể hơn, ông David Martin Ruiz, Giám đốc Xây dựng thị trường nước ngoài của Hòa Bình, cho biết 3 năm đầu xuất khẩu xây dựng sẽ rất thách thức, doanh nghiệp chỉ đặt mục tiêu biên lợi nhuận dưới 1%, vốn chủ sở hữu cũng cần có trên dưới 20% doanh thu, đồng thời hầu như tái đầu tư toàn bộ lợi nhuận. Tuy nhiên càng về cuối chu kỳ 10 năm, các chỉ số sẽ càng tiệm cận mục tiêu Chủ tịch Lê Viết Hải trình bày.
Trước mắt, doanh nghiệp đã xác định được 10 dự án tiềm năng trung bình và cao với tổng giá trị lên đến hơn 800 triệu USD . Đồng thời, nếu tính đến các dự án khác đang trong quá trình làm việc những bước đầu tiên, tổng giá trị có thể đạt hơn 1 tỷ USD . Trong đó, hiện đã có 3 dự án có thể công bố chính thức vào quý III năm nay.
13 tỷ USD của Hòa Bình chưa phải mục tiêu quá lớn, mức lợi nhuận 5% cũng là khiêm tốn.
Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình
Trong bối cảnh thị trường bất động sản nội địa còn nhiều khó khăn, các lãnh đạo Hòa Bình kỳ vọng giá xây dựng cao ở nước ngoài sẽ giúp doanh nghiệp sớm lấy lại đà tăng trưởng như trước đại dịch.
Theo ông David Martin Ruiz, nếu xây dựng một tòa nhà tại Australia, doanh thu của Hòa Bình có thể cao hơn 7-8 lần việc xây dựng một tòa nhà tương đương ở Việt Nam, lợi nhuận thậm chí còn cao hơn 15-20 lần nếu biết tận dụng lợi thế chi phí nhân công, chuỗi cung ứng...
Mô hình kinh doanh chính của Hòa Bình tại nước ngoài sẽ là quản lý các nhà thầu phụ, thay vì đầu tư nhiều cho máy móc, thiết bị, vật liệu như ở Việt Nam. Doanh nghiệp đồng thời sẽ thành lập Công ty Hòa Bình Global, với 4 lĩnh vực kinh doanh gồm phát triển dự án, xây dựng, thiết kế và thương mại để quản lý hoạt động tại các quốc gia.
Tuy nhiên, mở rộng ra quốc tế không đồng nghĩa với việc ngừng phát triển trong nước. Đối với thị trường nội địa, ông Lê Viết Hiếu, phó chủ tịch công ty, cho biết sẽ duy trì vị thế số 1 ngành xây dựng với các chiến lược đầu tư phát triển bất động sản công nghiệp và tập trung mảng thi công điện gió, đồng thời tiếp tục mở rộng mạng hạ tầng.
Riêng với điện gió, doanh nghiệp dự kiến đến 2030 đóng góp 20% tổng công suất cả nước, tương đương giá trị 8 tỷ USD, với biên lợi nhuận gộp cao hơn hẳn thi công dân dụng, đạt 10%.
Tăng thêm gần 148 tỷ đồng vốn điều lệ
Cũng tại đại hội đồng cổ đông bất thường lần này, Hòa Bình đã thông qua việc điều chỉnh vốn điều lệ từ mức khoảng 2.309 tỷ đồng hiện hành lên gần 2.457 tỷ đồng. Tổng số vốn điều lệ được chia thành hơn 245 triệu cổ phần với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần.
Đây là cơ sở để Hòa Bình phát hành 5 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tổng giá trị 50 tỷ đồng, cho một nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp từ Nhật Bản. Đại hội đồng cổ đông đã thông qua phương án này.
Trước đó, doanh nghiệp có kế hoạch phát hành 74 triệu cổ phiếu trong vòng 2 năm, với dự định có thêm một nhà đầu tư chiến lược trong nước. Tuy nhiên ông Lê Viết Hải cho biết những bất ổn của thị trường bất động sản thời gian qua đã khiến nhà đầu tư này đổi ý. Hiện tại doanh nghiệp vẫn tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư khác.
Kết thúc tháng 7, Hòa Bình cho biết đã trúng thầu 15.000 tỷ đồng, đạt 75% kế hoạch cả năm. Tổng giá trị các hợp đồng đã ký tại thời điểm 30/6 là 26.500 tỷ đồng. Trong đó, 10.000 tỷ đồng sẽ được ghi nhận doanh thu năm 2022 và 16.500 tỷ đồng dự kiến ghi nhận năm 2023.
Với những hợp đồng này, lãnh đạo công ty khẳng định kế hoạch doanh thu năm 2022 đạt 17.500 tỷ đồng là khả thi, bởi đa số chủ đầu tư đều có tài chính tốt, đồng thời doanh nghiệp cũng dự kiến từ nay đến cuối năm trúng thầu thêm một số dự án khác. Trong khi đó, các khoản phải thu tính đến cuối tháng 6 lên đến gần 13.000 tỷ đồng cũng đang lên phương án thu hồi.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu của Hòa Bình tăng gần 30%, đạt 7.066 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 63,1 tỷ đồng, giảm 5,2% so với cùng kỳ. Như vậy, công ty đã thực hiện được 40% tiến độ doanh thu và 18% chỉ tiêu lợi nhuận.