Chia sẻ trong Báo cáo thường niên 2022 của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC), Chủ tịch Lê Viết Hải cho biết tính đến ngày 30/6, đã có 98 nhà cung cấp, nhà thầu phụ đồng ý cấn trừ nợ bằng cổ phiếu với giá trị 1.000 tỷ đồng.
Như vậy, so sánh với cập nhật hôm 23/6, chỉ trong vòng một tuần, nhà thầu này đã đàm phán cấn trừ thành công thêm 350 tỷ đồng tiền nợ.
Việc cấn trừ công nợ bằng tài sản dưới dạng cổ phần, bất động sản hoặc vốn hóa bằng cách thế chấp ngân hàng/tổ chức tín dụng là một trong những phương án để ổn định dòng tiền của Hòa Bình trong năm nay.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có kế hoạch tăng vốn qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ, trái phiếu chuyển đổi và đàm phán với các chủ đầu tư về điều khoản thanh toán.
Tính đến cuối năm 2022, tổng nợ phải trả của Hòa Bình là 14.376 tỷ đồng, tăng gần 1.900 tỷ đồng so với một năm trước. Trong cơ cấu nợ ngắn hạn 12.641 tỷ đồng, vay nợ ngắn hạn và các khoản phải trả cho người bán chiếm 77%.
Dù vậy, với các phương án khắc phục dòng tiền, lãnh đạo Xây dựng Hòa Bình khẳng định có đủ nguồn vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh và có dòng tiền đủ khả năng đáp ứng các nghĩa vụ trong vòng 12 tháng tới.
Đồng thời, trong năm nay, doanh nghiệp cũng tập trung cải thiện chất lượng khoản phải thu thông qua thi công và đấu thầu các dự án của khách hàng có năng lực tài chính tốt, hợp tác khách hàng trong mảng công nghiệp, hạ tầng và nhà ở xã hội. Song song đó là tối ưu các khoản chi phí và ổn định, tối ưu hóa nguồn nhân lực.
Hòa Bình cũng sẽ tìm nguồn doanh thu mới như cung cấp các dịch vụ thiết kế, shopdrawing, BIM, thương mại vật liệu xây dựng cho các dự án nước ngoài; đẩy mạnh mảng kinh doanh đang hiệu quả như phát triển khu công nghiệp, cho thuê và quản lý văn phòng, sơn đá, nhôm kính; cũng như phát triển các dòng sản phẩm mới có tiềm năng phát triển nhanh như co-working space, sơn nước HodaPaint.
Với kế hoạch "xuất khẩu xây dựng" từng được đưa ra từ năm ngoái, Hòa Bình tiết lộ đến nay đã có số lượng dự án tiềm năng đủ cho 5 năm tới. Tại các thị trường mục tiêu như Australia và Bắc Mỹ, tổng giá trị các dự án tiềm năng hiện đã vượt quá 1 tỷ USD.
Hồi tháng 2, Hòa Bình đã ký kết biên bản ghi nhớ với Keystone DSC (Mỹ) để đồng xây dựng khoảng 5 dự án tại California và Portland, bang Oregon với tổng giá trị bán dự kiến lên đến 380 triệu USD trong vòng 5 năm tới.
Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022, Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần đạt 14.149 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2021. Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán chiếm tỷ trọng cao và các chi phí cùng tăng mạnh, tập đoàn báo lỗ sau thuế 2.570 tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên doanh nghiệp báo lỗ kể từ khi niêm yết.
Sang năm 2023, Hòa Bình đặt mục tiêu tổng doanh thu 12.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng. Đồng thời, chỉ tiêu trúng thầu là 17.000 tỷ đồng.
Phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên hôm 27/6, Chủ tịch Lê Viết Hải nhấn mạnh đây không phải mục tiêu bất khả thi. Tổng giám đốc Lê Văn Nam cũng cho biết kế hoạch này được đặt ra trong kịch bản bình thường. Còn với kịch bản xấu nhất, ông dự kiến doanh thu khoảng 9.500 tỷ đồng và doanh nghiệp sẽ có lợi nhuận.
Mới đây, Hòa Bình cũng đã có quyết nghị triệu tập Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường dự kiến diễn ra từ 25/8 đến 30/8. Ngày đăng ký cuối cùng là 27/7.
Trong lần đại hội này, cổ đông sẽ họp để thông qua báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022, phương án chi tiết về việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ.