Tại Hội nghị "Triển khai giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, ngày 27/7/2023, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị các doanh nghiệp phải đi tiên phong để xây dựng một ngành chăn nuôi tương đối tự chủ. Các doanh nghiệp cần đầu tư chế biến sâu để đưa ngành chăn nuôi bước ra thế giới.
Chăn nuôi lợn đã chuyển hướng sang quy mô lớn
Báo cáo tại hội nghị, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết trong nửa đầu năm 2023, đàn lợn cả nước ước tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2022, tổng sản lượng thịt lợn 6 tháng đầu năm ước đạt hơn 2 triệu tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngành chăn nuôi đang đóng góp gần 27% GDP ngành nông nghiệp cả nước. Sản phẩm của ngành chăn nuôi không những đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm cho gần 100 triệu dân trong nước, khách du lịch quốc tế mà còn góp phần vào mục tiêu xuất khẩu.
"Ngành chăn nuôi được xác định là ngành chủ lực, quan trọng đã và đang chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa, quy mô lớn. Ngày càng nhiều mô hình chăn nuôi trang trại, tập trung và hình thành các chuỗi giá trị chăn nuôi”, ông Thắng khẳng định, đồng thời cho biết hiện nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước, như Dabaco, Masan, Xuân Thiện, Tân Long, Thiên Thuận Trường, Mavin, Greenfeed, Trường Hải, Hòa Phát...) và các doanh nghiệp FDI (CP, Japfa Comfeed, New Hope, CJ, Sunjin, Emivest...) tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp, hiện đại, tiếp cận theo hướng liên kết chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi khép kín. Riêng năm 2022, có 81 dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi với số vốn hơn 2,2 tỷ USD; chiếm hơn 12% tổng số vốn FDI đầu tư vào Việt Nam.
Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định, xu hướng tất yếu của chăn nuôi lợn hiện nay là chuyển từ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ (nông hộ) sang chăn nuôi trang trại và chăn nuôi trang trại kết hợp với liên kết HTX, tổ hợp tác (liên kết ngang), liên kết giữa các khâu và liên kết theo chuỗi khép kín (liên kết dọc), trong đó doanh nghiệp là trung tâm. Vì vậy, số lượng hộ chăn nuôi lợn có quy mô nhỏ giảm dần theo các năm do quy mô nhỏ không cạnh tranh được về giá thành, chất lượng, an toàn thực phẩm.
"Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, phấn đấu tổng đàn lợn thường xuyên 30 triệu con, trong đó đàn nái khoảng 2,5 triệu con; thịt xẻ khoảng 6 triệu tấn (thịt lợn chiếm khoảng 60%); xuất khẩu được từ 15-20% sản lượng thịt lợn…"
Ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn.
Thông tin thêm, ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết trong 6 tháng đầu năm 2023, có 130 cơ sở an toàn dịch bệnh cho lợn được xây dựng. Đồng thời, Cục Thú y tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai xây dựng vùng an toàn đối với bệnh lở mồm long móng để phục vụ xuất khẩu lợn thịt sang Trung Quốc.
Về kiểm dịch, Cục đã tham mưu và kiểm soát chặt chẽ cả khâu vận chuyển trong nước, lợn giống nhập khẩu, lẫn hoạt động xuất khẩu lợn sang một số thị trường như Hồng Kông. Từ này đến cuối năm 2023, Cục Thú y cam kết theo dõi sát tình hình dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, đồng thời xây dựng bản đồ dịch tễ của các bệnh nguy hiểm trên lợn và tăng cường năng lực xét nghiệm bệnh trên lợn.
Phát triển chế biến thịt để xuất khẩu
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) dự báo, năm 2023, sản lượng thịt lợn thế giới đạt hơn 114 triệu tấn, tăng 0,3% so với năm 2022. Năm 2023 sẽ có sự gia tăng sản lượng ở các thị trường Trung Quốc, Canada, Brazil và sụt giảm ở EU, Nhật Bản, Mexico, Philippines. Tổng đàn lợn trên thế giới cuối năm 2023 ước đạt 769,7 triệu con, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước, do nhu cầu tái đàn giảm dần và lượng tồn kho thời điểm đầu năm ở mức cao.
Trung Quốc là thị trường có nhu cầu thịt lợn lớn nhất, dự kiến tăng 1,1%, đạt 56 triệu tấn (chiếm 48,8% toàn thế giới), quốc gia này có nhu cầu nhập khẩu khoảng 2,3 triệu tấn (tăng 8%). EU là khu vực xuất khẩu thịt lợn lớn nhất, sản lượng dự kiến 21,7 triệu tấn (giảm 2,8%); xuất khẩu đạt 3,7 triệu tấn (giảm 11,3%) và nhập khẩu ước đạt 100.000 tấn (giảm 17,4%).
Theo ông Hòa, kiểm soát dịch bệnh là một trong những nguyên tắc cốt lõi trong xuất khẩu gia súc, gia cầm và cũng là nội dung được đưa vào đàm phán các Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của WTO (Hiệp định SPS) giữa Việt Nam và các nước khác.
Việt Nam hiện có 67 nhà máy chế biến thịt quy mô công nghiệp, sản phẩm giá trị gia tăng cao (đồ hộp, hun khói, xúc xích…) 15-20%, chế biến phụ phẩm sau giết mổ (nước xương, thức ăn chăn nuôi) đã được đầu tư.
Tuy nhiên, quy mô chế biến thịt lợn của nước ta mới chỉ ở mức 1,3 triệu tấn/năm, chiếm 20-22% sản lượng lợn thịt xuất chuồng. Muốn mở rộng thị trường xuất khẩu thịt, cần phải phát biển mạnh các nhà máy chế biến, sản phẩm phải đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế.
Tại hội thảo, đại diện nhiều địa phương đã nêu những kiến nghị để phát triển chăn nuôi lợn. Ông Trần Xuân Học, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho rằng tình hình tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, giá bán giảm, giá nguyên liệu đầu vào như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và các loại vật tư khác tăng cao.
Trước các khó khăn này, ông Học kiến nghị ngành chăn nuôi sớm ban hành chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư và phát triển chăn nuôi bền vững; sửa đổi một số quy định về quy mô hỗ trợ xây dựng các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ tập trung; triển khai đồng bộ công tác quản lý giống vật nuôi trên phạm vi cả nước. Đồng thời cần có giải pháp vĩ mô để ổn định giá thịt lợn nói riêng và giá các sản phẩm chăn nuôi nói chung nhằm góp phần phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững trong thời gian tới.
"Cần phải giải quyết cả vấn đề thức ăn chăn nuôi, cần có định hướng lâu dài, tránh tình trạng “ăn đong”, không thể cứ mãi đi nhập khẩu ngô, đậu tương… nhất là trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi quyết định tới gần 70% giá thành”.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ông Hoàng Viết Chọn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, cho biết Tập Đoàn Xuân Thiện đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án từ mô hình chăn nuôi lợn truyền thống sang phương án chăn nuôi lợn công nghệ cao trong nhà cao tầng. Vì là phương án chăn nuôi mới, chưa có các hướng dẫn cụ thể của Trung ương về các quy chuẩn, tiêu chuẩn. Thanh Hóa kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn để địa phương triển khai theo quy định.
Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng hiện một số tỉnh, thành phố chưa quan tâm đúng mức đến hệ thống thú y, khiến một số địa phương bị tan rã hệ thống. Điều này khiến việc chỉ đạo theo ngành dọc, từ Bộ xuống Cục Chăn nuôi và Chi cục địa phương gặp nhiều khó khăn.
Đề cập vấn đề xuất khẩu thịt và sản phẩm chăn nuôi, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các doanh nghiệp phải đi tiên phong để xây dựng một ngành chăn nuôi tương đối tự chủ. Các doanh nghiệp cần đầu tư chế biến sâu để đưa ngành chăn nuôi bước ra thế giới. Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, gắn với nhà máy chế biến, gắn với chuỗi để có vùng nguyên liệu xuất khẩu.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu ngành chăn nuôi phải bám sát 5 đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045.
Cụ thể, phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi; phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi; phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh hoạt động khoa học - công nghệ, khuyến nông trong chăn nuôi và tăng cường năng lực quản lý Nhà nước ngành chăn nuôi.