Theo kỳ điều chỉnh gần nhất vào ngày 11/8 của liên Bộ Tài chính - Công Thương, giá nhiên liệu trong nước tiếp tục giảm mạnh lần thứ 5 liên tiếp. Sau mức giảm 900-940 đồng/lít, xăng E5 RON 92 đang được bán lẻ với giá tối đa 23.720 đồng/lít và xăng RON 95 là 24.660 đồng/lít.
Đây là mức giá thấp nhất kể từ thời điểm cuối tháng 1. So với mức đỉnh thiết lập hồi tháng 6, giá hai loại nhiên liệu đã điều chỉnh khoảng 25%.
Nhiều dịch vụ rục rịch giảm giá
Trước xu hướng quay đầu của nhiên liệu, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. Đồng thời theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, từ đó nắm tình hình cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ để có phương án bình ổn thị trường kịp thời.
Ngoài ra, Bộ cũng đề nghị kiểm tra, kiểm soát quá trình chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá và xử lý các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý.
Trước đó, Sở GTVT Hà Nội cũng đề nghị các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ vận chuyển hành khách tuyến cố định bằng đường bộ, vận chuyển hành khách bằng xe taxi taxi rà soát chi phí cấu thành giá, kê khai và giảm giá cước khi giá nhiên liệu giảm để bình ổn.
Ngày 12/8, Hiệp hội taxi Hà Nội đã gửi công văn đề nghị giảm giá cước 500-1.000 đồng/km tới các doanh nghiệp. Tính đến nay, Sở GTVT Hà Nội đã nhận được thông báo xin giảm giá cước của hơn 10 doanh nghiệp kinh doanh taxi.
Dẫu vậy, các hãng xe công nghệ vẫn chưa có bất cứ động thái điều chỉnh giá dịch vụ. Trong năm 2022, các ứng dụng dẫn đầu thị phần như Grab, Gojek, be đều triển khai một đợt tăng giá cước.
Điển hình, từ tháng 2, be giữ nguyên cước phí 2 km đầu của dịch vụ beBike ở mức 14.000 đồng nhưng nâng cước mỗi km tiếp theo từ 4.180 đồng lên 4.600 đồng. Cước phí mỗi km của dịch vụ beDelivery được ứng dụng giữ nguyên, nhưng cước phí 2 km đầu tăng từ 14.500 đồng lên 16.000 đồng.
Đối với beCar 4 chỗ, giá cước 2km đầu tiên tăng từ 27.000 đồng lên 29.000 đồng. Cước phí mỗi km tiếp theo tăng từ 9.350 đồng lên 9.500 đồng, mỗi phút di chuyển tăng từ 440 đồng lên 500 đồng. Cước phí mỗi km tiếp theo sau 12 km cũng tăng từ 8.500 đồng lên 9.000 đồng.
Cước phí 2 km đầu của dịch vụ beCar 7 chỗ tăng từ 33.000 đồng lên 35.000 đồng. Cước phí mỗi km tiếp theo được giữ nguyên 11.000 đồng nhưng giá cước mỗi phút di chuyển tăng từ 500 đồng lên 550 đồng.
Sang tháng 3, GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội và TP.HCM được điều chỉnh lên mức 29.000 đồng cho 2 km đầu tiên và 10.000 đồng mỗi km tiếp theo.
Giá cước của GrabBike tại TP.HCM cũng nâng lên 12.500 đồng cho 2 km đầu tiên, 4.300 đồng mỗi km tiếp theo và 350 đồng cho mỗi phút di chuyển sau 2 km đầu tiên. Cước GrabBike tại Hà Nội tăng thành 13.500 đồng cho 2 km đầu tiên, 4.300 đồng mỗi km tiếp theo và 350 đồng cho mỗi phút di chuyển sau 2 km đầu tiên.
Grab tăng cước tất cả dịch vụ, kể cả giao đồ ăn, giao hàng hay đi chợ. Ngoài hai thành phố lớn, ứng dụng cũng điều chỉnh giá cho những địa phương khác.
Dịch vụ GoRide của Gojek tại TP.HCM giữ nguyên giá cước 2 km đầu tiên ở mức 11.000-13.000. Tuy nhiên, trong 2-8km tiếp theo, giá cước nâng từ 4.300-5100 đồng/km lên 5.200-5600 đồng/km. GoRide ở Hà Nội cũng có xáo trộn nhỏ.
Giá cước 2km đầu tiên của dịch vụ giao đồ ăn GoFood nâng từ 15.000 đồng lên 16.000 đồng, mỗi km tiếp theo giữ cố định 5.000 đồng. Giá cước dịch vụ GoCar và GoSend không thay đổi.
Ứng dụng vẫn giữ nguyên giá cước
Chia sẻ với Zing, đại diện Gojek khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến của thị trường để đưa ra các điều chỉnh phù hợp, đồng thời đảm bảo được thu nhập xứng đáng cho các tài xế và mức giá cuối cùng phù hợp nhất cho người dùng trong bối cảnh tình hình kinh tế có nhiều thay đổi.
Bên cạnh đó, hãng cho biết mọi sự thay đổi về chính sách ưu đãi của khách hàng lẫn tài xế đều được linh hoạt tùy vào thực tế. Hiện hãng này vẫn duy trì chính sách hỗ trợ cho tài xế như ổn định thu nhập hay thưởng nóng nếu tài xế đạt đủ số lượng chuyến và hiệu suất.
“Chính sách giá và các chương trình ưu đãi dành cho tài xế sẽ được linh hoạt thay đổi phù hợp tùy theo bối cảnh của thị trường và được cân nhắc điều chỉnh bởi nhiều yếu tố khác nhau mang tính chất dài hạn, nhằm mang lại thu nhập xứng đáng, ổn định cho tài xế, đồng thời nhằm khuyến khích các tài xế duy trì hoạt động với hiệu suất ổn định để đảm bảo nguồn cung”, đại diện Gojek chia sẻ.
Tương tự, đại diện be cho biết vẫn giữ nguyên giá cước hiện tại cũng như tiếp tục chạy chương trình ưu đãi cho tài xế. Trong khi đó, Grab và ứng dụng giao đồ ăn Baemin chưa đưa ra phản hồi về vấn đề này.
Trên thực tế, dù đã tăng giá, cước phí di chuyển của ứng dụng xe công nghệ vẫn thấp hơn một số giá niêm yết trên ứng dụng của doanh nghiệp taxi.
Qua khảo sát của Zing vào khung giờ 11h30 tại Hà Nội, đặt lộ trình dài 6,8km di chuyển bằng ôtô 4 bánh từ Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao nằm trên đường Phạm Văn Bạch (quận Cầu Giấy) đến trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza (quận Hoàn Kiếm), ứng dụng gọi xe của taxi G7 báo 114.000 đồng, taxi Group là 132.000-152.000 đồng, taxi Mai Linh là 130.000 đồng.
Mặt khác, giá cước dịch vụ của 3 hãng Grab, Gojek, be lần lượt là 119.000 đồng, 110.000 đồng và 108.000 đồng. Bình quân, giá cước taxi cao hơn xe công nghệ khoảng 10%. Tuy nhiên, đây là mức giá trong khung giờ thấp điểm và điều kiện thời tiết bình thường.
Trong những khung giờ cao điểm hay xuất hiện thời tiết xấu, giá cước của xe công nghệ có thể tăng cao vì được tính thêm nhiều loại phụ phí khác nhau. Ở chiều ngược lại, giá cước taxi nếu đặt ngoài ứng dụng có thể biến động tùy vào cung đường di chuyển của tài xế.