Ngày đầu tiên của Vietnam Motor Show 2022 đã khép lại. 14 hãng xe đã giới thiệu nhiều mẫu mới, những bản concept đáng chú ý, các sản phẩm lần đầu xuất hiện tại Việt Nam, những định hướng quan trọng và cả những màn biểu diễn bắt mắt.
Từ ngày 27/10, khách tham quan có thể mua vé và cùng lúc được khám phá nhiều mẫu xe.
Nghiêm túc với ôtô điện
Vài năm trước, khi triển lãm ôtô ở Singapore và Thái Lan đã xuất hiện ôtô điện, thời điểm châu Âu và Mỹ liên tục là các thông tin về xu hướng chuyển dịch, thì VMS vẫn là sự thống trị của ôtô sử dụng động cơ đốt trong.
Sự kiện năm nay đã khác, Audi đã trưng bày những chiếc e-tron và e-tron SUV, những phiên bản “để bán” chứ không phải là bản trưng bày chỉ có mục đích làm thương hiệu. Thậm chí phiên bản thể thao e-tron GT còn không được nằm ở trung tâm của gian hàng Audi, không phải vì nó thiếu đi một tiêu chuẩn trình diễn nào đó, mà đơn giản là nó đã có người đặt mua. Chủ nhân của chiếc xe không muốn xế cưng của mình nằm giữa một không gian chật kín người qua kẻ lại, bị sờ, bị chạm quá nhiều hay đơn giản là chụp những bức ảnh selfie.
Không chỉ là xe điện, Audi cũng đã có đối tác sẵn sàng phủ sóng các trạm sạc mang tiêu chuẩn châu Âu tại Việt Nam. Tất nhiên điều này là không dễ dàng, vì số lượng xe điện được bán ra sẽ là thước đó về tính hiệu quả của những người đầu tư vào trạm sạc, mà một mình Audi hay Porsche thì rất khó để các trạm sạc chuẩn châu Âu có thể xuất hiện đầy đủ ở mỗi tỉnh thành.
Audi không cô độc, đối thủ Mercedes-Benz cũng tỏ ra rất nghiêm túc với xe điện. Một chiếc EQS xuất hiện tại VMS 2022 thu hút rất nhiều sự quan tâm, không phải bởi vì nó có nội thất quá đẹp, mà còn bởi nó là xe điện.
Có giá bán trên dưới 6 tỷ đồng, Mercedes-Benz EQS hướng tới đối tượng khách hàng có điều kiện về kinh tế và bắt đầu tiếp nhận những thông tin về sự phát triển của xe điện, và họ không muốn bị tụt hậu về công nghệ.
EQS sedan chỉ là mở đầu trong kế hoạch xe điện của Mercedes-Benz, các mẫu SUV mới là quân bài chiến lược, trong bối cảnh xu hướng SUV vẫn rất được ưa chuộng trên thế giới. Nhìn vào thực tế là Porsche Taycan không có xe giao và Audi hay Mercedes-Benz đều có những đơn hàng từ rất sớm, có thể thấy phân khúc xe điện hạng sang ở Việt Nam sẽ còn phát triển. Các hãng xe lớn sẽ không ngại mang về những mẫu xe điện sang trọng, đắt tiền, phục vụ nhu cầu của một nhóm nhỏ khách hàng.
MG cũng giới thiệu 2 mẫu EV tại VMS 2022, thuộc phân khúc xe điện “giá rẻ”. MG4 hay MG Marvel R đều là những mẫu xe đáng xem ở triển lãm, dù khả năng nó sớm được mang về là không nhiều. Hai mẫu xe điện của MG mang ý nghĩa “tham khảo”, giúp người xem có thể phần nào định giá chuẩn xác hơn những chiếc xe điện đã có mặt tại Việt Nam như VinFast VF e34, VF8 hay Hyundai Ioniq 5.
Chậm chân nhất với ôtô điện có lẽ sẽ là các hãng xe Nhật Bản. Subaru nói không với e-Boxer vì cho rằng nó không thật sự dễ bán ở Việt Nam, dù đây mới chỉ là công nghệ Hybrid. Điều này có nghĩa là còn rất lâu nữa những chiếc xe điện mang thương hiệu Subaru mới có thể góp mặt ở Việt Nam.
Honda giới thiệu một mẫu xe thể thao và không đề cập gì tới xe điện. Toyota cũng nỗ lực mang về một vài ý tưởng xe xanh, tuy nhiên có thể cảm nhận được hãng xe Nhật vẫn chỉ coi đó là thứ thu hút quan khách, bên cạnh loạt xe xuất hiện ở bất kỳ đại lý nào. Rõ ràng Toyota cần thêm thời gian để phát triển công nghệ xe điện trên thế giới cho tốt, trước khi nghĩ tới thị trường xe Việt.
Bức tranh về xe điện tại Việt Nam nhìn từ VMS 2022 vì thế có thể chia làm 2 nửa rõ rệt. Một nửa là xe điện phổ thông với tầm giá dưới 1 tỷ đồng, phù hợp sử dụng như phương tiện hàng ngày, và thứ quyết định sự phổ biến sẽ là trạm sạc. Nửa còn lại là xe điện hạng sang, chủ yếu là cuộc đua của công nghệ và thương hiệu, bởi những người mua xe ở tầm tiền 5-7 tỷ đồng hầu hết đều có chỗ để xe có thể sạc điện và không cần quá quan tâm tới trạm sạc. Trong garage của họ chắc chắn sẽ có nhiều hơn một chiếc xe, và xe điện sẽ không phải là thứ được sử dụng để đi xa.
Concept và những bản nâng cấp đáng giá
Nếu như xe điện tại VMS 2022 là sản phẩm khá xa vời đối với người dùng, vì chưa sẵn sàng để bán, hoặc vì mức giá không dành cho số đông, thì concept và xe mới tại VMS 2022 lại là thứ đáng xem.
Toyota “nâng cấp” Veloz bằng cách lắp ráp mẫu xe này tại Việt Nam. Gọi là “nâng cấp” bởi mẫu xe này sẽ có nguồn cung dồi dào hơn, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng, và sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với Mitsubishi Xpander trong phân khúc MPV phổ thông.
Subaru nâng cấp Forester lên phiên bản mới, “bớt xấu” hơn ở phần đầu, giúp nhiều ông chồng dễ dàng thuyết phục vợ hơn trong quyết định chọn mua mẫu xe này. Công nghệ an toàn EyeSight cũng được nâng cấp, giúp xe có thể tự động chạy giữa làn đường, tiến gần hơn tới một mẫu xe tự lái.
Đáng chú ý nhất là Mitsubishi với bản concept XFC. Mẫu concept gần như đã thành hình và chỉ chờ chọn động cơ, thêm option và bán. Hấp dẫn ở chỗ nó được thiết kế nhắm thẳng tới những thị trường ôtô như Việt Nam, được tính toán cả về thiết kế lẫn giá tiền sao cho phù hợp nhất, tức là nhiều khả năng nó sẽ là một trong những mẫu xe bán chạy nhất thị trường khi ra mắt. Tất cả còn ở phía trước, XFC sẽ không dễ thành công giống như Xpander đã đạt được, nhưng nỗ lực của hãng xe Nhật là đáng ghi nhận.
Jeep hay Brabus cũng là những cái tên đáng chú ý, với nhiều mẫu xe đắt tiền, tuy không dành cho số đông nhưng cũng cho thấy sự nghiêm túc với thị trường Việt Nam, điều mà vài năm trước chưa xuất hiện. Trước đó, những cái tên như Jeep hay Brabus chỉ xuất hiện ở các showroom nhập khẩu tư nhân, thì nay khách hàng đều đã có chỗ để trao đổi trực tiếp nếu quan tâm.
Những điểm trừ chưa được sửa
Đủ hấp dẫn nhưng không có nghĩa là hoàn hảo, sự thiếu vắng của không ít hãng xe khiến VMS 2022 có vẻ “trôi” nhanh hơn với quan khách, khi thời gian lưu lại triển lãm sẽ ngắn hơn. Ngoài ra, tình trạng “chợ xe” vẫn tồn tại ở triển lãm ôtô lớn nhất Việt Nam.
Ở các triển lãm ôtô ở châu Âu, Nhật Bản hay một số nước Đông Nam Á, ngày đầu tiên luôn dành cho báo chí và truyền thông, với không gian đủ rộng, vắng lặng và yên tĩnh để cánh báo chí có thể dễ dàng tác nghiệp. Tại các gian hàng chỉ có một vài chuyên viên sản phẩm để hỗ trợ khi cần thiết. Ngay cả trong các ngày diễn ra triển lãm, các hãng xe cũng chủ yếu sử dụng các nhân viên tư vấn để cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác nhất về sản phẩm cho người quan tâm. Việc mua bán sẽ diễn ra ở các đại lý, tất nhiên là ở bên ngoài triển lãm, sau khi người dùng đã có thể tìm hiểu về sản phẩm.
Ở Việt Nam, VMS vài năm trở lại đây mang yếu tố thương mại quá lớn, nhiều hãng xe đặt rõ mục tiêu “chốt đơn” khi xuất hiện tại một kỳ triển lãm. Ngay trong ngày dành cho báo chí, bằng một cách nào đó, đội ngũ sale đã có thể vào bên trong, đi theo là những khách hàng “VIP”, để họ có thể xem xe sớm nhất. Điều này tạo nên sự hỗn loạn ngay trong ngày chưa có khách tham quan.
Ở các ngày tiếp theo, khi đội ngũ sale hứa hẹn sẽ còn đông đảo hơn, biến triển lãm trở thành một “phiên chợ” đúng nghĩa. Điều này chưa hẳn đã xấu, triển lãm giúp các hãng xe bán được hàng và thêm động lực để tham dự vào năm sau, nhưng nó khiến cho sự kiện mất đi tính chất giới thiệu chiến lược, sản phẩm, công nghệ, mà đơn thuần là nơi thuận mua, vừa bán.
Nếu như các hãng xe thống nhất được cách tổ chức, thay những người bán xe bằng những chuyên viên về sản phẩm, những người có thể kể cho khách tham quan nghe về những thứ sâu sắc hơn và kỹ càng hơn bên trong sản phẩm, những người sẵn sàng ghi lại những thắc mắc, góp ý về sản phẩm, thì triển lãm sẽ trở nên văn minh và gọn gàng hơn. Khách hàng có thể mua xe ở nhiều nơi, có thể lái thử xe ở nhiều chỗ, còn triển lãm nên là nơi để họ có thể học hỏi, khám phá nhiều mẫu xe, nhiều thương hiệu ở cùng một thời điểm.
Có thể sẽ không có sự tăng trưởng đột biến về doanh số, nhưng một triển lãm bớt “chợ” có thể sẽ là sức hút kéo những hãng xe khác trở lại, và tạo nên một ngày hội hấp dẫn nhất của làng ôtô Việt.