Thị trường ôtô Việt Nam tháng vừa rồi chứng kiến sự tăng trưởng nhẹ của các thương hiệu, chủ yếu đến từ Hàn Quốc. Trong khi đó, doanh số của 2 mẫu MPV cỡ nhỏ là Xpander và Veloz Cross đang đóng góp lớn vào doanh số nhóm xe Nhật.
Xe Hàn tăng trưởng tốt
Nhóm xe Hàn tại Việt Nam bao gồm Hyundai và Kia, trong đó Hyundai được TC Group phân phối, Thaco đảm nhận phân phối Kia.
Trước khi bước vào tháng Ngâu, doanh số của cả 2 thương hiệu đều được cải thiện. Cụ thể, Hyundai bán được 4.709 xe, cao hơn 1.429 xe so với tháng 6. Kia cũng duy trì đà tăng trưởng khi sở hữu doanh số cao hơn tháng trước 522 xe.
Tình hình chung khả quan đã khiến nhóm xe Hàn đạt doanh số 8.748 xe, cao hơn 1.951 xe so với doanh số chung trong tháng 6.
Mặc dù vậy, chỉ có Hyundai Accent là sở hữu doanh số ấn tượng với vị trí thứ 2 trong nhóm các xe bán chạy nhất tháng 7. Với 1.423 xe được bán ra, Hyundai Accent đã chiếm 16,3% doanh số của nhóm xe mang thương hiệu Hàn Quốc.
Nửa dưới của bảng xếp hạng 10 xe bán chạy nhất tháng 7 là sự phổ biến của các xe Hàn.
Cụ thể, Hyundai Santa Fe và Hyundai Tucson cùng với Kia Carnival là những cái tên góp mặt, bên cạnh sự xuất hiện của VinFast Lux A2.0 và “vua doanh số” tháng 6 Toyota Corolla Cross.
Tuy nhiên, đà tăng trưởng chung của nhóm xe Hàn lại chưa thể vượt qua các xe Nhật trong tháng 7 vì ảnh hưởng mạnh mẽ từ cuộc chiến MPV đang diễn ra giữa Mitsubishi Xpander và Toyota Veloz Cross.
Xpander gánh vác doanh số xe Nhật
Doanh số xe Nhật nhìn chung vẫn tăng trưởng tốt. Cộng gộp doanh số các hãng xe bao gồm Toyota, Mitsubishi, Suzuki, Mazda, Isuzu và Honda, nhóm ôtô Nhật Bản vẫn có doanh số tháng 7 là 14.109 xe, cao hơn 1.998 xe so với tháng trước đó.
Tuy nhiên, con số này dường như do một tay Xpander và phần nào đó là Veloz Cross gánh vác.
Khi xem xét chi tiết, cả ba cái tên Suzuki, Isuzu và Honda đều sụt giảm doanh số so với cùng kỳ tháng 6. Trong đó, Suzuki và Honda chịu lần lượt mức giảm 253 xe và 215 xe, Isuzu giảm 76 xe.
Trong khi đó, với doanh số 2.771 xe, đồng nghĩa với mức tăng trưởng 2.187 xe so với tháng 6, Xpander đã kéo doanh số cả nhóm xe Nhật đi lên, rút ngắn phần nào khoảng cách với ôtô Hàn.
Doanh số ấn tượng của mẫu MPV nhập khẩu cũng khiến doanh số chung của hãng Mitsubishi được cải thiện. Bên cạnh Xpander, chỉ có Attrage là có doanh số tăng cao hơn tháng 6, các mẫu xe còn lại đều thụt lùi.
Như vậy, hãng xe Nhật Bản đã bước vào tháng Ngâu với mức tăng trưởng 85% nhờ vào mẫu xe chủ lực Xpander.
Đối thủ chính của Xpander là Veloz Cross cũng có được mức tăng trưởng khá ổn. Sau khi được Toyota Việt Nam tách bạch doanh số với Avanza Premio trong báo cáo, Veloz Cross chứng minh mình mới là mẫu MPV cỡ nhỏ chủ lực của thương hiệu với 1.395 xe, cao hơn cả doanh số gộp 1.317 xe đạt được hồi tháng 6.
Khác với Mitsubishi, mức tăng doanh số của Toyota được san sẻ đồng đều cho nhiều mẫu xe khác, bao gồm Toyota Vios (1.120 xe so với 673 xe), Fortuner (568 xe so với 290 xe) và Innova (258 xe so với 33 xe).
Tuy nhiên, “vua doanh số” tháng 6 Toyota Corolla Cross lại giảm doanh số khá lớn, từ mức 1.451 xe của tháng 6 xuống chỉ còn 889 xe trong tháng 7.
Bước chạy đà tốt cho giai đoạn cuối năm
Khi so sánh cùng kỳ năm ngoái, cả xe Nhật và xe Hàn đều có những khởi sắc rõ rệt.
Năm ngoái, các hãng xe Nhật Bản và Hàn Quốc bước vào tháng Ngâu khá ảm đạm. Doanh số tháng 7/2021 của nhóm ôtô Hàn sụt giảm 2.163 xe, trong khi nhóm xe Nhật Bản cùng kỳ cũng thua kém đến 3.641 xe so với tháng 6/2021.
Trước khi bước vào tháng Ngâu năm nay, mọi thứ dường như khả quan hơn.
Mặc dù còn vài lấn cấn, nhóm ôtô Nhật Bản cũng có thể lạc quan nhờ doanh số chung vẫn tăng trưởng 16,5%. Nhóm xe Hàn làm tốt hơn khi có mức tăng tổng thể 28,7%.
Đây là tiền đề để các hãng xe yên tâm trước khi bước vào tháng Ngâu, thời kỳ thấp điểm quen thuộc của thị trường ôtô Việt. Dự kiến sau tháng 8 sụt giảm về doanh số, các hãng xe sẽ có mức tăng trưởng cao trong các tháng còn lại của năm 2022.