Quyết định Số 111/QĐ-CĐCTVN ngày 21/6/2024 nêu rõ, nhà đầu tư trúng thầu đầu tư xây dựng và vận hành trạm dừng nghỉ Km47+500 thuộc Dự án thành phần Phan Thiết – Dầu Giây trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông là Liên danh Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang FUTA Buslines – Công ty TNHH Thành Hiệp Phát
Liên danh nhà đầu tư trúng thầu với giá trị bằng tiền nộp ngân sách Nhà nước: 260 tỷ đồng; giá trị sơ bộ chi phí thực hiện dự án hơn 290 tỷ đồng; giá trị bồi thường, tái định cư hơn 3,34 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện 15 tháng. Trong đó thời gian hoàn thành các hạng mục công trình dịch vụ công là 12 tháng; Thời gian khai thác dự án sau khi hoàn thành công tác đầu tư là 25 năm.
Ban Quản lý dự án Thăng Long với vai trò là Bên mời thầu căn cứ vào kết quả lựa chọn nhà đầu tư được phê duyệt tại Điều 1 tại Quyết định này, tổ chức triển khai thực hiện các bước tiếp theo tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 23/2024/NĐ-CP.
Trong quá trình thực hiện lưu ý đàm phán với Nhà đầu tư trúng thầu rút ngắn tối đa tiến độ thực hiện các công trình công cộng để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến và các nội dung lưu ý khác được nêu tại Báo cáo thẩm định của Tổ thẩm định.
Được biết tại Dự án đầu tư xây dựng và vận hành trạm dừng nghỉ Km47+500 thuộc Dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông có tới 7 liên danh nhà đầu tư đã nộp hồ sơ dự thầu.
Quy mô diện tích tổng thể mặt bằng trạm dừng nghỉ khoảng 12.000 m2, trong đó trạm bên phải tuyến có tổng diện tích khoảng 62.000 m2; trạm bên trái tuyến có tổng diện tích khoảng 57.000 m2.
Các hạng mục xây dựng dự kiến bao gồm công trình dịch vụ công; công trình dịch vụ thương mại và công trình bổ trợ. Trong đó, công trình dịch vụ công (cung cấp các dịch vụ miễn phí) bao gồm bãi đỗ xe; không gian nghỉ ngơi; phòng nghỉ tạm thời cho lái xe; khu vệ sinh; nơi cung cấp thông tin; nơi tổ chức, phát động tuyên truyền về an toàn giao thông; nơi trực của nhân viên cứu hộ, sơ cứu tai nạn giao thông.
Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được khởi công hồi tháng 9/2020 với tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng. Công trình hoàn thành vào 30/4/2023.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đóng vai trò tháo gỡ nút thắt về hạ tầng cho tỉnh Bình Thuận, đồng thời rút ngắn một nửa thời gian di chuyển bằng đường bộ từ TPHCM đến Phan Thiết, Mũi Né, còn 2-2,5 giờ thay vì 5-6 giờ như qua quốc lộ 1A trước đây.
Năng lực của Xe Khách Phương Trang FUTA Bus Lines thế nào?
Công ty Cổ Phần Xe Khách Phương Trang FUTA Bus Lines thành lập tháng 4/2013. Đây là thành viên phụ trách vận tải hành khách trong hệ sinh thái Tập đoàn Phương Trang của ông Nguyễn Hữu Luận.
Theo đăng ký doanh nghiệp cập nhật tháng 3/2024, công ty tăng vốn điều lệ từ 800 lên 1.300 tỷ đồng. Ông Đào Viết Ánh (sinh năm 1985) làm Tổng giám đốc.
Từ một doanh nghiệp vận tải nhỏ, đến nay Futa BusLines nằm trong số những hãng vận tải quy mô lớn nhất thị trường với khoảng 7.000 nhân viên. Trung bình mỗi ngày xe khách liên tỉnh của FUTA Bus Lines đạt tới 2.200 chuyến, với 50.000 - 70.000 khách hàng/ngày. Chỉ tính riêng khu vực miền Tây, mỗi ngày có hơn 30.000 lượt khách hàng của các tuyến vận tải toàn miền Tây Nam bộ.
Công ty Phương Trang cũng mở rộng quy mô khai thác hơn 97 tuyến vận tải hành khách liên tỉnh cố định cùng 92 cung đường trải dài Bắc - Nam. FUTA Bus Lines phát triển hơn 350 phòng vé và trạm trung chuyển, hơn 4.500 đầu xe các loại, phục vụ hơn 40 triệu lượt khách mỗi năm.
Ngoài hoạt động cốt lõi là vận tải hành khách, Tập đoàn Phương Trang còn mở rộng trong lĩnh vực khách sạn, nghỉ dưỡng, bất động sản và mới nhất là xây dựng trạm dừng nghỉ cao tốc.
FUTA Bus Lines gần đây cũng là nhà thầu duy nhất nộp hồ sơ đăng ký và trúng 4 gói thầu dịch vụ xe buýt gần 1.000 tỷ đồng tại TP.HCM.
Thành viên còn lại trong liên danh là Công ty TNHH Thành Hiệp Phát thành lập tháng 9/2004. Ban đầu công ty có vốn điều lệ 141,2 tỷ đồng do ông chủ Tập đoàn Phương Trang Nguyễn Hữu Luận sở hữu 90%, 10% còn lại do ông Phạm Đăng Quan sở hữu.
Tới tháng 6/2019, công ty tăng vốn lên 650 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông cũng thay đổi. Theo đó, ông Cao Thái Hùng thay đại gia Nguyễn Hữu Luận nắm 90% cổ phần; ông Tào Thành Tài nắm 10% còn lại đồng thời giữ chức Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.
Tới tháng 9/2023, ông Đào Viết Ánh thay ông Tào Thành Tài nắm 10% cổ phần Thành Hiệp Phát đồng thời giữ Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật doanh nghiệp này từ đó đến nay.
Ngoài giữ chức Tổng giám đốc tại FUTA Bus Lines và Thành Hiệp Phát, ông Đào Viết Ánh hiện còn đứng tên đại diện nhiều doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái Tập đoàn Phương Trang như: Công ty cổ phần Vận tải Futa - Hà Sơn, Công ty cổ phần Dịch vụ Chuyển phát nhanh Phương trang Futa, Chi nhánh Công ty cổ phần Kim Long Nam tại Hà Nội hay Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Quang Thuận, Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Tân Phát Đạt Express, Công ty cổ phần Vận tải Sơn Hòa Express.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Phương Trang của ông Nguyễn Hữu Luận có lấn sân sang lĩnh vực bất động sản với nhiều dự án tại Tp. HCM và Đà Nẵng.
Trong lĩnh vực vận tải hành khách, kinh doanh bến xe, Phương Trang đang là đơn vị hàng đầu của sau khi đối thủ Thành "bưởi" liên tiếp sa sút trong thời gian gần đây.