Chỉ trong 2 năm trở lại đây, thị trường ôtô Việt đã đón chào hàng loạt mẫu xe mới từ các hãng Trung Quốc. Tính đến tháng 7 năm nay, gần như toàn bộ phân khúc đều đã có các đại diện đến từ đất nước tỷ dân.
Tất nhiên với những khó khăn về mặt nhận diện thương hiệu, doanh số của các mẫu xe Trung Quốc tại Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn, nhưng đây vẫn là những lựa chọn mới cho khách hàng và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Dưới 500 triệu đồng
Đại diện Trung Quốc có giá rẻ nhất trên thị trường hiện tại chắc chắn là Wuling MiniEV. Đây cũng là mẫu xe đặt nền móng cho phân khúc mini tại Việt Nam.
Với mức giá dưới 300 triệu đồng, thiết kế dễ thương cùng nhiều màu sắc trendy, miniEV từng được kỳ vọng sẽ nhanh chóng phủ sóng ở khắp tuyến đường đô thị, thay thế nhu cầu sử dụng xe máy của người Việt.
Wuling MiniEV. Ảnh: Bối Hạ.
Tuy nhiên, đến hiện tại, cái tên này vẫn chưa đạt được kết quả bán hàng tốt hay tạo độ lan tỏa như dự kiến. Theo nhiều người dùng, mặc dù rẻ hơn so với ôtô Hàn Quốc hay Nhật Bản, mức giá dao động 300 triệu đồng vẫn cao so với chất lượng của mẫu xe.
Trước đó, Wuling minEV LV2 được bán với giá dao động 239-285 triệu đồng. Đầu tháng 8, TMT Motors vừa thông báo tinh chỉnh giá cho bản LV2 của ôtô điện Wuling miniEV tại Việt Nam. Sau khi giảm, giá của phiên bản này còn 197-231 triệu đồng.
MG5 cũng là mẫu xe nổi bật ở tầm giá 500 triệu đồng. Tính đến hiện tại, MG5 được cho là ôtô Trung Quốc đạt được doanh số tốt nhất tại thị trường Việt. Đây cũng là mẫu xe đóng góp nhiều nhất vào tổng lượng xe của thương hiệu Trung Quốc bán ra tại Việt Nam.
MG5. Ảnh: Vũ Huỳnh.
Trước đây, xe được bán với 3 phiên bản, giá dao động 523-588 triệu đồng. Đến đầu năm nay, giá của xe được điều chỉnh về mức 488-528 triệu đồng.
Tại các đại lý, giá của mẫu sedan này còn được giảm thêm hàng chục triệu đưa giá bán của bản STD về dưới mức 400 triệu đồng. Giá rẻ là thứ tiếp cận khách hàng dễ nhất với xe Trung Quốc, và MG5 đang chứng minh điều này vẫn hiệu quả.
Tầm giá 600-800 triệu đồng ngập tràn tân binh
Nhóm xe tầm giá 600-800 triệu đồng có thể coi là thỏi nam châm thu hút nhiều ôtô Trung Quốc nhất tại Việt Nam. Tính đến hiện tại, có hơn 3 đại diện từ các thương hiệu khác nhau của đất nước tỷ dân gia nhập phân khúc này.
Đầu tiên phải nói đến là BYD Dolphin, mẫu hatchback cỡ B được ra mắt với mức giá 659 triệu đồng. "Cá heo" của BYD có ít đối thủ hơn, chỉ gồm Suzuki Swift và Mazda2 nhưng lại ở thế khó hơn người anh em Atto 3 của mình do mức giá kém hấp dẫn.
BYD Dolphin.
Nếu chỉ xét về kích thước và công nghệ, Dolphin vẫn nhỉnh hơn 2 đại diện Nhật Bản, nhưng nếu đặt lên bàn cân về giá, Suzuki Swift (559 triệu) và Mazda2 (525-544 triệu đồng) lại “được lòng” người dùng hơn.
Một đại diện khác từ Trung Quốc trong phân khúc SUV cỡ B là Lynk & Co 06. Khác với các "đồng hương", Lynk & Co 06 là mẫu SUV chạy xăng, được tập trung nhiều vào công nghệ và động cơ thay vì chạy theo xu hướng xe năng lượng mới.
Theo nguồn tin từ đại lý, Lynk & Co 06 hiện là cái tên nhận được nhiều sự quan tâm của khách hàng và cũng là mẫu xe bán chạy nhất của hãng.
Lynk & Co 06. Ảnh: Phúc Hậu.
Hiện, Lynk & Co 06 được bán tại Việt Nam với giá 729 triệu đồng, rẻ nhất trong dải sản phẩm của thương hiệu ở thời điểm hiện tại. Nhưng nếu đặt cạnh những đối thủ từ Hàn Quốc hay Nhật Bản như Kia Seltos (599-739 triệu), Hyundai Creta (599-699 triệu), Mitsubishi Xforce (599-705 triệu đồng), 06 vẫn có mức giá không quá cạnh tranh.
Vẫn thuộc phân khúc SUV cỡ B nhưng có mức giá nhỉnh hơn là BYD Atto 3. Đây cũng chính là cái tên được kỳ vọng sẽ gánh vác doanh số cho BYD tại Việt Nam trong tương lai. Lý do bởi Atto 3 sở hữu giá bán thân thiện hơn, lại thuộc phân khúc sôi động nhất thị trường Việt.
BYD Atto 3.
Với mức giá 766-886 tùy phiên bản, Atto 3 tuy không dễ cạnh tranh như những mẫu xe động cơ xăng cùng phân khúc, nhưng vẫn đủ “so kè” cùng các đại diện chạy điện hạng B như MG4 EV hay VinFast VF 6.
Không thiếu xe “đắt xắt ra miếng”
Ngày trước, ôtô Trung Quốc thường được gắn mác “xe giá rẻ”, thấp hơn nhiều so với các đại diện Hàn Quốc hay Nhật Bản. Hiện nay nhằm xóa bỏ định kiến trên, các thương hiệu từ đất nước tỷ dân khi ra mắt tại Việt Nam đã “mạnh tay” mang về những sản phẩm cao cấp, có mức giá nhỉnh hơn hẳn đối thủ cùng phân khúc.
Dễ thấy nhất là MG4, mẫu SUV cỡ B thuần điện được MG ra mắt tại thị trường Việt từ tháng 6. Ngoại hình của MG4 được thiết kế mạnh mẽ, thể thao, có phần liên tưởng đến “siêu bò” Lamborghini Urus với các hốc gió hay cánh lướt gió chẻ đôi.
MG4.
Tuy nhiên với mức giá 908 triệu đồng, nhiều khả năng MG4 EV chỉ được mang về Việt Nam như một sản phẩm truyền thông, giúp đẩy doanh số cho dải sản phẩm chạy xăng hiện hành. Bởi nếu đặt cạnh VinFast VF 6, Mitsubishi XForce hay gần đây nhất là BYD Atto 3, MG4 EV sẽ khó để cạnh tranh về giá.
Còn nếu được tinh chỉnh giá hay thêm các chương trình ưu đãi theo hướng có lợi cho người dùng, MG4 EV vẫn là cái tên đáng cân nhắc nếu người dùng yêu thích thiết kế thể thao.
Thương hiệu Haval thuộc tập đoàn GAC cũng đã mang sản phẩm đầu tiên về Việt Nam là chiếc Haval H6. Xe được định vị ở phân khúc SUV cỡ C, phân phối tại Việt Nam dưới hình thức nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan. Đây cũng là đại diện thứ 2 trong phân khúc được trang bị động cơ hybrid bên cạnh Honda CR-V e:HEV RS.
Haval H6. Ảnh: Phúc Hậu.
Tại Việt Nam, Haval H6 hiện có giá 986 triệu đồng. Mức giá này vẫn tương đương các mẫu xe cùng phân khúc SUV cỡ C như Subaru Forester (từ 969 triệu đến 1,199 tỷ), Kia Sportage (779-999 triệu), nhỉnh hơn so với bản thấp nhất của Mazda CX-5 (749 triệu), Ford Territory (799 triệu) và Hyundai Tucson (769 triệu đồng).
Nhưng nếu đặt cạnh đối thủ sở hữu động cơ hybrid tương tự là Honda CR-V e:HEV RS (1,259 tỷ đồng), Haval H6 còn có giá thân thiện hơn.
Một trong những mẫu sedan điện hiếm hoi được thương hiệu Trung Quốc mang về Việt Nam trong năm nay phải kể đến là BYD Seal. Xe cạnh tranh ở phân khúc cỡ D cùng Toyota Camry hay Mazda6.
BYD Seal.
Từ bên ngoài, Seal đã gây ấn tượng với thiết kế thể thao, có phần đầu xe mang nhiều đường nét giống "Taycan". Nhưng khi bước vào không gian nội thất, mẫu sedan này vẫn thu hút được khách hàng với loạt trang bị và công nghệ hiện đại, thậm chí có phần cầu kỳ.
Tại Việt Nam, Seal được mở bán với 2 phiên bản là Advanced và Performance, giá niêm yết tương ứng lần lượt 1,119 tỷ và 1,359 tỷ đồng. Mức giá này là xứng đáng với các công nghệ bên trong chiếc sedan điện, nhưng đây vẫn là rào cản lớn với BYD nếu muốn có doanh số tốt với Seal bởi người dùng đã dần không còn chuộng những mẫu xe gầm thấp đắt tiền.
Sắp tới, thị trường ôtô Việt vẫn sẽ đón chào thêm nhiều cái tên mới từ Trung Quốc gia nhập như MG7, Haval Jolion, Omoda C5 hay Jaecoo J7. Sự xuất hiện của các đại diện Trung Quốc sẽ giúp người dùng có thêm đa dạng lựa chọn ở mọi phân khúc.
Việc những mẫu xe này có thành công hay không còn phụ thuộc vào cách các nhà sản xuất đầu tư cũng như sự chỉn chu trong việc phân phối sản phẩm. Tuy nhiên ở thời điểm mà người dùng đã dần “dễ tính” hơn, tương lai của các mẫu xe Trung Quốc vẫn sẽ sáng, miễn các hãng không lặp lại câu chuyện “vội đến vội đi” như cách đây 10 năm.