Thực tế, thông tin về dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ từng rất nhiều lần tác động đến thị trường bất động sản khu vực này, bên cạnh thông tin về quy hoạch Cần Giờ lên quận giai đoạn 2025 – 2030.
Năm 2018, UBND Tp.HCM có Quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/5000 khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ với quy mô 2.870 ha tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ.
Đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. Theo đó, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng dự án từ 600 ha lên 2.870 ha với tổng mức đầu tư hơn 217.000 tỉ đồng.
Mới đây, Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi đã ký quyết định, ban hành danh mục các đề án, chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 12/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về định hướng phát triển Cần Giờ đến năm 2030.
Theo đó, Tp.HCM thực hiện trong thời gian tới phát triển Cần Giờ trở thành một trong những không gian mới, động lực mới của Tp.HCM. Mục tiêu cụ thể là đến năm 2030, Cần Giờ cơ bản trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực.
Trong bối cảnh thị trường trầm lắng chung, thông tin quy hoạch khu đô thị này lại lần nữa tác động đến tâm lý của nhà đầu tư khu vực. Nhất là những nhà đầu tư đã từng bỏ tiền vào bất động sản Cần Giờ trước đây.
Còn nhớ, ngay sau khi có Quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch dự án lấn biển Cần Giờ (năm 2018), thị trường nhà đất nơi đây đã lên cơn sốt kéo dài. Vốn là một huyện đảo xa xôi của Tp.HCM nhưng các thông tin về xây dựng cầu thay phà Bình Khánh nối huyện Nhà Bè với Cần Giờ, hay một vài dự án bất động sản lớn được quy hoạch đã thổi giá đất Cần Giờ tăng rất nhanh. Vào giai đoạn 2018-2019, giới đầu tư khắp nơi nườm nượp đổ về khu vực này khiến thị trường nhà đất nhộn nhịp.
Trong đó, các khu vực như thị trấn Cần Thạnh, Long Hòa, Thạnh An, Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp, An Thới Đông và Bình Khánh… nhà đất đều tăng giá chóng mặt. Các mảnh đất trong hẻm sâu, khó đi lại cũng được mua bán qua tay với giá chênh liên tục.
Vào năm 2019, đất mặt tiền đường Duyên Hải, khu vực thị trấn cần Thạnh có giá từ 40 – 50 triệu đồng/m2. Các tuyến đường khác như Tắc Xuất, Lương Văn Nho hay Thành Thới giá bán cũng dao động từ 20 – 25 triệu đồng/m2. Nhà đất tại các tuyến đường gần dự án lấn biển được rao bán với giá từ 30 – 35 triệu đồng/m2 và liên tục diễn ra giao dịch mua bán.
Sau đó, 1 đến 2 năm, mức giá này đã biến động tăng thêm khoảng 15-30%. Đặc biệt, các mảnh đất vườn, đất trồng cây lâu năm (có 1 phần diện tích thổ cư) được giao dịch mạnh nhất trong giai đoạn 2018-2019. Nhiều nhà đầu tư từ Tp.HCM đổ về đây gom đất, chờ lên giá, bán ra – mua vào thường xuyên.
Thời điểm đó, nhiều chủ đất vườn đã mua đất Cần Giờ từ 10-20 năm về trước, lúc sốt đất đã thắng đậm. Giá tăng bằng lần, từ 600 triệu lên 5-6 tỉ đồng/mảnh là những trường hợp dễ thấy.
Giai đoạn đó, thị trường nhà đất Cần Giờ được nhận định có bàn tay thổi giá của lực lượng đầu cơ, cò đất. Nhiều thông tin quy hoạch chỉ ở dạng đề xuất, tin đồn nhưng giới đầu tư đã dựa vào đây để thổi giá đất, và làm thị trường nóng bất thường. Chẳng hạn, thông tin dự án lấn biển dù xuất hiện thông tin từ năm 2018, đến nay cũng vẫn là những chỉ đạo, chưa diễn ra thực tế. Thế nhưng, thông tin này đã góp phần thổi giá đất Cần Giờ nhiều lần và nhiều năm.
Sau giai đoạn tăng trường nóng, từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2022, thị trường bất động sản Cần Giờ ghi nhận giá đi ngang hoặc tăng nhẹ. Từ cuối năm 2022 đến nay, cũng như các khu vực ven của Tp.HCM, nhà đất Cần Giờ trầm lắng giao dịch, thị trường xuất hiện tình trạng cắt lỗ của những nhà đầu tư ôm đất trước đó.
Mức giá ghi nhận giảm ở các sản phẩm rao bán ngộp dao động từ 15-30%, trở về mức giá của năm 2019-2020. Tuy nhiên, đây được xem là mức giá cắt lời của các nhà đầu tư sở hữu đất đai tại Cần từ năm 2018-2019. Với các nhà đầu tư mới tham gia thị trường khoảng hai năm trở lại đây, nếu sử dụng vốn vay ngân hàng thì rao bán dưới giá mua vào.
Các thông tin hạ tầng xuất hiện trong quý 2/2023 tại Cần Giờ đã mang đến sự kì vọng cho nhà đầu tư vào thị trường bất động sản nơi đây. Nhiều nhà đầu tư thay vì bán tháo đã giữ lại nguồn hàng chờ thêm tín hiệu tốt lên từ thị trường. Theo một môi giới khu vực, thực tế nhà đầu tư có đất rao bán thời điểm này cũng khó bán được. Vì thế, họ có xu hướng chờ thêm và kì vọng vào việc giá tăng trở lại trong thời gian tới.
Ngoài thông tin về dự án lấn biển Cần Giờ được Chủ tịch UBND Tp.HCM mới đây thông tin thì đầu tháng 4/2023, UBND Tp.HCM cũng đã họp bàn về tình hình kinh tế – xã hội quý 1/2023. Theo đó, TP chỉ đạo thúc đẩy đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm. Trong đó đề cập đến việc xây dựng Cầu Cần Giờ và cảng trung chuyển Cần Giờ là ưu tiên. Như vậy, hai dự án hạ tầng này sẽ triển khai trước dự án lấn biển.
Cũng vào thời điểm tháng 4/2023, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc sở GTVT đã chủ trì cuộc họp về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Cầu Cần Giờ cùng các bộ ngành liên quan. Trong đó, ông Lâm có nhắc tới vấn đề về kết nối cao tốc bến lức Long Thành và Cần Giờ. Nếu dự án này hình thành sẽ là điểm kết nối quan trọng. Đây là kết nối quan trọng nối huyện Cần Giờ và Tp.HCM cũng như miền Tây Nam bộ.
Cũng theo Bộ GTVT, UBND Tp.HCM đã thông qua danh mục 33 dự án và công trình giao thông trọng điểm để tập trung thực hiện trong năm 2023. Trong đó có dự án Cầu Cần Giờ, quốc lộ 13, cao tốc Tp.HCM – Mộc Bài, đường Vành đai 2, đường Vành đai 4, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ, xây dựng cầu – đường Bình Tiên và cầu Tân Kỳ – Tân Quý, mở rộng xa lộ Hà Nội và xa lộ Hà Nội…