Trong bài phát biểu trước Ủy ban châu Âu (EC), nghị sĩ này đã nói về hậu quả của cái gọi là “lạm phát tiết kiệm” (Skimpflation). Theo bà Borzan, sau khi bùng nổ xung đột ở Ukraine, nhiều sản phẩm thực phẩm sử dụng nguyên liệu chất lượng cao hơn đã được thay thế bằng những sản phẩm có chất lượng thấp hơn. Bà cho rằng ban đầu biện pháp này được coi là tạm thời, tuy nhiên có vẻ như xu hướng đang tiếp tục lan rộng.
Bà Borzan giải thích: “Ví dụ, sự thiếu hụt dầu hướng dương đã dẫn đến việc thay thế dầu hướng dương bằng dầu cọ trong một số sản phẩm. Dù thị trường đã ổn định nhưng một số nhà sản xuất vẫn chưa quay lại sử dụng dầu hướng dương làm nguyên liệu mà tiếp tục sử dụng dầu cọ vì giá rẻ hơn”.
Lạm phát tiết kiệm còn nghiêm trọng hơn so với “lạm phát thu nhỏ”, bởi các nhà sản xuất không chỉ giảm kích thước/dung lượng mà còn giảm chất lượng sản phẩm. "Điều đáng báo động là một số nhà sản xuất không thông báo cho người tiêu dùng về sự thay đổi thành phần trên bao bì và giá trị dinh dưỡng không còn tương ứng với dữ liệu ban đầu. Câu hỏi đặt ra là chúng ta có nên coi hành vi này là gây hiểu lầm cho người tiêu dùng hay không và nếu có thì có kế hoạch chống lại hành vi đó như thế nào", bà Biljana Borzan nhấn mạnh.
Gần đây nhất, người tiêu dùng đã khiếu nại và thắng kiện công ty thực phẩm Smart Balance chuyên bơ lạc về việc tự ý thay đổi công thức từ 64% dầu thực vật xuống chỉ còn 39%. Chuyên gia tiêu dùng Edgar Dworsky cho biết: "Nếu chất tẩy rửa trong máy rửa chén của bạn không sạch, nếu khăn giấy của bạn mỏng hơn trước thì người tiêu dùng cần hiểu đó là do lạm phát tiết kiệm. Thật đáng thất vọng khi biết rằng bạn đang phải chịu thiệt thòi với tư cách người tiêu dùng khi phải trả số tiền tương tự cho một sản phẩm kém chất lượng”.
Theo Bloomberg, năm 2022 và 2023, do giá thành tăng cao, các nhãn hàng không muốn tăng giá sản phẩm vì tăng giá sẽ khiến người tiêu dùng “phiền lòng”, có thể dẫn tới “mất khách”. Song họ lại cũng không muốn bị hụt lợi nhuận do phải giữ giá. Thế là họ vẫn giữ giá sản phẩm nhưng rút bớt số lượng bên trong. Với cách thức này, bề ngoài thì có vẻ các nhãn hàng không tăng giá nhưng thực chất người tiêu dùng đang phải trả giá đắt hơn.
Chẳng hạn ở Mỹ, một gói giấy vệ sinh hiệu Kleenex cỡ nhỏ hiện nay có 60 tờ, trong khi cách đây vài tháng là 65 tờ. Hũ sữa chua hiệu Chobani Flips giảm từ 150g xuống còn 128g. Ở Anh, hộp cà phê hiệu Nescafe Azera Americano giảm từ 100g xuống còn 90g. Ở Ấn Độ, một thanh xà phòng rửa chén Vim giảm từ 155g xuống còn 135g. Và dĩ nhiên tất cả trường hợp giảm định lượng/số lượng này đều không kèm theo việc giảm giá. Thành thử, cả các nhà chức trách lẫn các nhà bán lẻ châu Âu đều coi đây là 1 hình thức “lừa dối khách hàng”.
Người ta gọi những trường hợp như vậy là “lạm phát thu nhỏ” (Shrinkflation). Theo ông Edgar Dworsky, một cựu phó tổng chưởng lý Massachusetts và là người theo dõi hiện tượng lạm phát thu nhỏ từ hàng chục năm nay, thì lạm phát thu nhỏ có một sức hấp dẫn rất lớn đối với nhà sản xuất. Vì các nhà sản xuất biết rằng người tiêu dùng chỉ quan tâm giá cả, chứ không theo dõi sát sao khối lượng tịnh hoặc những chi tiết nhỏ như mỗi hộp khăn giấy có bao nhiêu tờ. Thậm chí họ có thể sử dụng một số mẹo nhỏ để khiến khách hàng chú ý đến những điểm khác trong bao bì.
Theo ông Dworsky, đôi khi xu hướng này sẽ đảo chiều. Tức là khi lạm phát giảm bớt, việc cạnh tranh có thể khiến các nhà sản xuất giảm giá hoặc trở lại kích thước sản phẩm ban đầu. Tuy nhiên theo ông, một khi đã làm gói hàng nhỏ hơn, thì “rất hiếm” trường hợp chịu quay lại định lượng trước đó. Điều đó đồng nghĩa với việc giá cả “một tăng không bao giờ trở lại”.
Từ tháng 9 năm ngoái, chuỗi siêu thị Carrefour của Pháp đã dán nhãn 26 sản phẩm đã giảm kích thước nhưng nhưng vẫn giữ giá cũ, theo đó giá thành cao hơn dù giá nguyên liệu thô đã giảm, trong các siêu thị của mình ở Pháp. Mới đây, Giám đốc điều hành Carrefour Bompais cho biết, bắt đầu từ tuần cuối của tháng 2/2024, Carrefour sẽ loại các sản phẩm "lạm phát thu nhỏ" ra khỏi toàn bộ hệ thống cửa hàng của mình trên 4 nước châu Âu là Pháp, Bỉ, Ý và Tây Ban Nha. Đây là một động thái mới nhất, và quyết liệt nhất của Carrefour nói riêng và châu Âu nói chung đối với chiêu thức của các nhãn hàng.
Các nhà chức trách Đức và Pháp đã công khai tuyên bố không hoan nghênh các nhãn hàng dùng chiêu thức này. Theo quan điểm của họ, “lạm phát thu nhỏ” không chỉ là lừa dối người tiêu dùng, mà còn là hành động không thân thiện với môi trường, hay gay gắt hơn là “hành động cực kỳ phản cảm”. Carrefour cũng rất nhanh có bạn đồng hành. Đối thủ cạnh tranh của Carrefour tại Bỉ, siêu thị Colruyt cũng sẽ ngừng nhập hàng của một ông lớn ngành thực phẩm vì lí do tương tự.
Một báo cáo năm 2022 của Morning Consult cho thấy khi người tiêu dùng biết sản phẩm nào bị lạm phát thu nhỏ, đến 48% sẽ chuyển sang dùng thương hiệu khác. Tại Mỹ, chưa có siêu thị lớn nào đưa ra hành động hoặc lời kêu gọi tương tự về tình trạng lạm phát thu nhỏ. Tuy nhiên trong một cuộc khảo sát từ Retail Brew, có đến 88,5% khách hàng được phỏng vấn đều nhất trí cho rằng các siêu thị nên làm theo Carrefour, cảnh báo người tiêu dùng về các sản phẩm bị lạm phát thu nhỏ.
Theo WSJ, để giảm bớt tác động của lạm phát, nhiều quốc gia đã tìm cách sử dụng áp lực chính trị để ngăn cản các nhà sản xuất thực phẩm không "lừa đảo" người tiêu dùng bằng việc áp dụng mức giá cao hơn hoặc làm khối lượng thấp hơn cho các sản phẩm. Riêng Hàn Quốc, họ đang tiến một bước xa hơn.
Bắt đầu từ năm tới, nước này sẽ yêu cầu các công ty phải tiết lộ thông tin trên bao bì và trang web của họ bất kể khi nào các mặt hàng tạp hóa giảm về số lượng chứ không phải về giá. Để đảm bảo các công ty tuân thủ quy định mới, Hàn Quốc đang thành lập một nhóm điều tra giá chuyên dụng để theo dõi mọi biến động. Các quan chức cũng đang xem xét việc phạt tiền với các trường hợp vi phạm.