Các công ty quản lý quỹ toàn cầu đang gấp rút tìm cách đáp ứng yêu cầu của khách hàng đối với các sản phẩm đầu tư ở châu Á nhưng ngoại trừ Trung Quốc. Theo họ, các nhà đầu tư đã không còn mặn mà với Trung Quốc như trước, do lo ngại về tốc độ tăng trưởng chậm lại của nước này và rủi ro địa chính trị gia tăng.
Theo Financial Times, việc gia tăng nhu cầu đối với các sản phẩm đầu tư “ngoại trừ Trung Quốc” có thể bao gồm những quỹ "đồng minh châu Á". Các quỹ này sẽ đầu tư vào các thị trường thân thiện với Mỹ, đồng thời cố gắng tránh xa những rủi ro liên quan đến Bắc Kinh.
Theo các nhà quản lý tài sản, xu thế này sẽ đánh dấu một trong những thay đổi cấu trúc lớn nhất đối với thị trường châu Á - Thái Bình Dương kể từ khi danh mục đầu tư “châu Á, ngoại trừ Nhật Bản” ra đời cách đây khoảng 3 thập kỷ.
Lo ngại rủi ro địa chính trị
“Các nhà đầu tư lo ngại về rủi ro địa chính trị", bà Minyue Liu, chuyên gia đầu tư tại BNP Paribas Asset Management cho biết.
Bà Liu cũng nói rằng công ty của bà đã đàm phán với khách hàng để cung cấp các sản phẩm đầu tư ở châu Á ngoại trừ Trung Quốc. “Điều đó rõ ràng cho thấy đang có sự quan tâm đến loại sản phẩm này", bà nói.
Nhu cầu đối với các sản phẩm đầu tư không thuộc Trung Quốc đã gia tăng trong những tháng gần đây, trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng xấu đi và nền kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm chạp.
Trên thực tế, rổ chỉ số thị trường mới nổi của MSCI mang lại lợi nhuận ròng chỉ 1,3% trong năm nay, so với lợi nhuận 8,6% của rổ chỉ số MSCI EM châu Á - ngoại trừ Trung Quốc. Các thị trường mang lại lợi nhuận hàng đầu trong khu vực là Hàn Quốc và Đài Loan, tăng trưởng lần lượt khoảng 20% và 30%.
Gợi nhớ về trường hợp Nhật Bản
Ông Christopher Lees, nhà quản lý quỹ cấp cao tại J O Hambro Capital Management, cho biết đầu tư vào “sản phẩm của các thị trường mới nổi ngoại trừ Trung Quốc” là cách các nhà đầu tư tận dụng sự tăng trưởng của khu vực châu Á, đồng thời phòng ngừa các rủi ro địa chính trị.
“Về vấn đề địa chính trị, các khách hàng của tôi có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng bất kỳ ai nghĩ rằng căng thẳng Mỹ - Trung sẽ biến mất giờ đây đều nhận thấy rõ rằng điều đó sẽ không xảy ra".
Tuy nhiên, động lực chính của xu hướng "ngoại trừ Trung Quốc" là "kinh tế, chứ không phải địa chính trị", ông Lee nói.
“Tình hình hiện nay gợi nhớ lại những gì xảy ra với Nhật Bản 30 năm trước", ông Lee cho biết.
Theo đó, trong khoảng từ năm 1986 đến năm 1991, Nhật Bản rơi vào thời kỳ "bong bóng kinh tế". Các nhà đầu tư cắt giảm đầu tư vào Nhật Bản, trong khi đầu tư vào các sản phẩm của châu Á ngoài Nhật Bản vẫn tăng lên. Đến nay, đây vẫn là cách tiếp cận đầu tư chủ yếu vào khu vực.