Sự sụp đổ của các công ty như Jawbone và sự ảm đạm của các đợt IPO gần đây chỉ là hai trong số nhiều dấu hiệu của nền kinh tế bong bóng ở Thung lũng. Nợ nần chồng chất là dấu hiệu thứ ba. […]
Nhiều công ty công nghệ hàng đầu đã chọn làm doanh nghiệp tư nhân lâu hơn, với hy vọng có thể tăng mức định giá và nâng cao kỳ vọng. Cả Uber lẫn Lyft đều đã có những đợt lên sàn đáng thất vọng khi tôi đang hoàn thành quyển sách này. Và tôi nghĩ họ không phải là những công ty duy nhất không thể đáp ứng kỳ vọng của giới đầu tư; rất có thể cái tên tiếp theo sẽ là SpaceX của Elon Musk.
Những báu vật của ngày hôm nay hoàn toàn có nguy cơ trở thành đồ bỏ đi của ngày mai. Khi tôi hoàn thành cuốn sách này, SoftBank - tổ chức đầu tư công nghệ của Nhật - đã hủy bỏ kế hoạch chi 16 tỷ đôla để mua cổ phần của công ty khởi nghiệp WeWork.
Những tay kỳ cựu ở Thung lũng đã nhận ra mặt tối của làn sóng công nghệ này. Nhà đầu tư Tim O’Reilly - Giám đốc điều hành của công ty O’Reilly Media kiêm tác giả của WTF? What’s the Future and Why It’s Up to Us (tạm dịch: Tương lai là gì và tại sao nó lại phụ thuộc vào chúng ta?), một quyển sách nói về vai trò của Thung lũng Silicon trong nền kinh tế phân nhánh của Mỹ - cho biết: “Xét trên một phương diện nào đó, Jawbone khiến tôi nhớ đến Palm [nhà sản xuất thiết bị hỗ trợ kỹ thuật số cá nhân trước đây], theo nghĩa là thị trường họ kinh doanh có tồn tại. Nhưng ở một phương diện khác, nó phản ánh sự tài chính hóa của lĩnh vực công nghệ. Jawbone cưỡi trên một làn sóng kỳ vọng mà cuối cùng chỉ mang bản chất đầu cơ và là ‘cơn sốt hoa tulip’ của thị trường công nghệ”.
Có vẻ như không có quá nhiều thay đổi kể từ năm 2000, khi những công ty khởi nghiệp như Pets.com có thể lên sàn và tăng giá cổ phiếu ngay cả khi họ đang thua lỗ hàng trăm triệu đôla. Đúng vậy, hệ sinh thái kỹ thuật số kể từ đó đã phát triển, thay đổi và bén rễ sâu hơn. Và đúng vậy, các công ty ngày nay khó mà nhận được tài trợ chỉ bằng cách gắn phần .com vào sau tên của họ.
Nhưng bây giờ cũng giống như ngày trước, bạn không nhất thiết phải có lợi nhuận - hoặc đơn giản là được khách hàng trả tiền - để thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Tất cả những gì bạn cần là “người dùng” trong một thị trường ngách hấp dẫn. Tôi luôn cảm thấy có một mánh khóe lừa đảo tinh vi trong toàn bộ mô hình này.
Tuy nhiên, như cựu giám đốc điều hành Chuck Prince của Citibank từng châm biếm, “miễn là nhạc còn chơi thì bạn còn đứng dậy nhảy múa”. Trong hơn năm năm qua, có một sự gia tăng đột biến về số lượng công ty khởi nghiệp có giá trị vốn hóa thị trường hơn 1 tỷ đôla - được hỗ trợ bằng vốn đầu tư mạo hiểm. Rào cản gia nhập thấp đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều tay chơi bước vào thị trường và tham gia một cuộc đua chi tiền càng nhiều càng tốt để giành thị phần.
Các công ty tư nhân được khai sinh từ chu kỳ kém hiệu quả này không phải là những tổ chức duy nhất trở nên phình to mà bản thân các quỹ mạo hiểm cũng vậy. Những quỹ mạo hiểm hàng tỷ đôla trước kia chúng ta chưa từng nghe đến giờ đã trở nên rất phổ biến. Năm 2018, Sequoia đã huy động được 8 tỷ đôla quỹ hạt giống, và SoftBank huy động được một nguồn quỹ khổng lồ lên tới 100 tỷ đôla.
Tất nhiên, gió to sẽ tạo sóng lớn. Các giám đốc điều hành lịch lãm cùng đội ngũ PR của họ đã kể những câu chuyện hấp dẫn xoay quanh các thiết bị đeo, xe hơi điện, nền kinh tế “chia sẻ” và an ninh mạng. Tiếp đến, họ truyền đi các tín hiệu thị trường về “giá trị” của chính họ bằng những thông báo có liên quan đến những câu chuyện đó, chẳng hạn như Uber mua lại hãng xe tải tự lái Otto với giá 680 triệu đôla.
Sau đó, các nhà đầu tư mạo hiểm và giới đầu tư tư nhân cố gắng duy trì các bong bóng này bằng cách tiếp tục mua thêm cổ phiếu với mức định giá ngày càng cao hơn. Khi ngày càng có nhiều công ty đầu tư mạo hiểm nặng ký tham gia cuộc chơi và làm tăng giá trị của các công ty khởi nghiệp, những người khác cũng phải cố mua theo. Họ chỉ có hai lựa chọn, hoặc tăng mức cược, hoặc rời bỏ cuộc chơi.
Xu hướng này không chỉ tạo hiệu ứng bong bóng trên thị trường IPO mà còn gây bất lợi cho hàng loạt công ty đại chúng khác, những tổ chức thật sự phải lo lắng về lợi nhuận. Hai ví dụ điển hình là ngành taxi bị Uber xâm lấn và ngành khách sạn bị Airbnb chiếm thị phần. [...]
Không những vậy, vì vốn được tạo ra từ việc định giá dựa trên các câu chuyện “thần thoại” nhiều hơn là sự thật, nên số tiền đó thường được sử dụng để trả các khoản lương cao ngất ngưởng thay vì đầu tư cho hoạt động R&D hoặc tăng trưởng. Tất nhiên, khi lương tăng vọt thì giá bất động sản, dịch vụ và nhân công cũng tăng theo.
Bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi biết được mức giá của những ngôi nhà lắp ghép theo kiểu trang trại trên Cao tốc 101 băng qua Thung lũng Silicon. Toàn bộ vòng lẩn quẩn này là “cơn điên của đám đông”, như Charles Mackay mô tả trong nghiên cứu có sức ảnh hưởng của ông về tâm lý đám đông được xuất bản vào năm 1841.
Vấn đề với tâm lý bầy đàn này là thường chỉ có một số công ty chiến thắng, và những kẻ chiến thắng đó thường là một số ít các công ty có thể tận dụng hiệu ứng mạng của họ để nắm bắt và kiểm soát dữ liệu cũng như hệ sinh thái người dùng. Đó là lý do tôi luôn hoài nghi về giá trị của hầu hết tổ chức công nghệ, cả doanh nghiệp tư nhân lẫn công ty đại chúng, ngoại trừ những gã khổng lồ nền tảng cũng như những doanh nghiệp đang phụ thuộc vào việc giữ nguyên các quy định hiện hành trong lĩnh vực thương mại kỹ thuật số.
Trích từ cuốn sách: "Đừng trở nên xấu xa" - Tác giả: Rana Foroohar