Ngày 14/11, Bộ Tài chính có thông tin về hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, cơ quan quản lý nhấn mạnh trái phiếu doanh nghiệp không phải là sản phẩm tiền gửi tiết kiệm ngân hàng.
"Trái phiếu thường có độ rủi ro cao hơn các sản phẩm tiết kiệm ngân hàng và phần chênh lệch cao hơn so với lãi suất tiết kiệm chính là rủi ro mà nhà đầu tư chấp nhận khi mua trái phiếu doanh nghiệp", Bộ Tài chính lưu ý.
Theo Bộ Tài chính, sự phát triển nhanh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đã xuất hiện một số tồn tại như: Doanh nghiệp phát hành khối lượng lớn, lãi suất cao trong khi tình hình tài chính hạn chế; một số tổ chức cung cấp dịch vụ không đảm bảo chất lượng dịch vụ; một số nhà đầu tư cá nhân chỉ quan tâm đến lãi suất hoặc cố tình vi phạm để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp...
"Trước các vi phạm của doanh nghiệp phát hành thời gian qua, trên thị trường xảy ra hiện tượng doanh nghiệp tăng mua lại trái phiếu, các nhà đầu tư cá nhân bán lại trái phiếu trước hạn do quan ngại doanh nghiệp không trả được nợ", cơ quan quản lý cho biết.
Trước tình hình này, Bộ Tài chính đề nghị doanh nghiệp phát hành phải có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu và thực hiện các cam kết với nhà đầu tư. "Trường hợp có khó khăn về tình hình tài chính thì phải chủ động xây dựng phương án trả nợ cụ thể và làm việc thống nhất với các nhà đầu tư... Trường hợp không thỏa thuận được sẽ xử lý theo quyết định của tòa án", Bộ lưu ý.
Đối với các nhà đầu tư, Bộ Tài chính lưu ý khi doanh nghiệp phát hành có khó khăn về thanh toán, nhà đầu tư có thể chủ động làm việc với doanh nghiệp và tổ chức cung cấp dịch vụ để thỏa thuận thống nhất phương án xử lý phù hợp, đảm bảo quyền lợi của cả nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành.
"Đặc biệt, cần cẩn trọng để phân tích và phân loại các trái phiếu đang sở hữu để có quyết định phù hợp, không nghe tin đồn thất thiệt", Bộ nhấn mạnh.
Ngoài ra, cơ quan này thông tin việc các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này bảo lãnh, bảo đảm cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là tổ chức cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành, rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành.
Bộ Tài chính nhấn mạnh quan điểm của Chính phủ là tiếp tục phát triển thị trường hoạt động an toàn, lành mạnh và minh bạch. Do đó, các chủ thể tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần tuân thủ quy định pháp luật.
Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), với trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, toàn thị trường đã ghi nhận 413 đợt phát hành từ đầu năm với giá trị xấp xỉ 240.761 tỷ đồng (chiếm 96% tổng giá trị phát hành).
Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2021, giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng và riêng lẻ kể trên đều đã giảm mạnh. Trong đó, giá trị phát hành ra công chúng đã giảm 56% so với cùng kỳ và giá trị phát hành riêng lẻ giảm 51%. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp cũng đã thực hiện mua lại 147.484 tỷ đồng trái phiếu trước hạn từ đầu năm, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021.