Những phản ứng khá tốt trên thị trường trong tuần kiểm định đáy lần thứ 3 không khiến các chuyên gia hào hứng thêm, dù đồng thuận với cơ hội thị trường sẽ tạo đáy. Điều quan trọng hơn được nhấn mạnh là nhà đầu tư hãy quan tâm lựa chọn đúng cổ phiếu.
Về sức mạnh nội tại, các chuyên gia đều đánh giá tốt nhịp giảm của VN-Index giữa tuần qua không dẫn tới sự lo lắng bán thá tràn lan nữa, tức là nhà đầu tư đã bình tĩnh, thậm chí tiến gần tới ngưỡng chán và buông bỏ. Trong khi đó dù chỉ số có tín hiệu tạo 3 đáy thì nhà đầu tư cũng chưa muốn mua vào.
Điều này tiếp tục lý giải mức thanh khoản trung bình tuần qua lại tiếp tục giảm thấp hơn nữa. Thị trường đang được duy trì bằng dòng tiền lướt sóng ngắn hạn là chính, dù mức điều chỉnh mạnh vừa qua đã khiến nhiều cổ phiếu ở vùng giá hấp dẫn và toàn thị trường đang được định giá thấp.
Về rủi ro ngoại biên, các chuyên gia có đánh giá khác nhau, do quan điểm ngắn hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn, cuối tuần tới các số liệu vĩ mô quan trọng như tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát của Mỹ sẽ được công bố, thị trường cũng sẽ phải trải qua một đợt tăng lãi suất nữa của FED trong tháng 7. Đó là cơ hội để thị trường trong nước củng cố sức mạnh và phát tín hiệu rõ ràng hơn. Ngược lại, trong dài hạn thị trường vẫn sẽ phải chấp nhận thực trạng xu hướng tăng lãi suất không thể đảo ngược được.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Niềm tin của anh chị về đáy của thị trường tuần trước đang được xác nhận: VN-Index tuy có một nhịp giảm sâu hơn đáy ở 2 phiên giữa tuần nhưng cuối cùng vẫn phục hồi tốt. Cơ hội thị trường tạo 3 đáy đang xuất hiện, anh chị có nghĩ vậy không?
Trong trưởng hợp các con số vĩ mô tháng 6 được công bố không gây ra các cú sốc khiến chứng khoán Mỹ sụt giảm, tôi kỳ vọng thị trường Việt Nam sẽ bước vào nhịp hồi ngắn hạn và tạo đáy 3 thành công nhờ dòng tiền bắt đáy đã thể hiện tương đối tốt trong 2 phiên cuối tuần, mức định giá thị trường chung đang hấp dẫn, cũng như các kỳ vọng tích cực vào mùa báo cáo lợi nhuận Q2 đang tăng dần. Ông Trần Đức Anh cho biết.
Bà Hồ Nguyễn Thủy Tiên, Giám đốc Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt
Mô hình 3 đáy thể hiện rõ ràng nhất trong 3 phiên gần đây, khi phiên ngày 6/7: VN Index xuyên thủng 1171, đóng cửa tại 1149, thì qua phiên tiếp theo ngày 7/7: VN Index lấy lại đà tăng điểm, và đóng cửa tại 1166. Kết thúc tuần, VN Index tiếp tục tăng trở lại, và đóng cửa ngay tại 1171, chạm ngay vùng hỗ trợ cứng của 2 đáy trước đó.
Tuy nhiên, thanh khoản giai đoạn này vẫn đang ở mức rất thấp, giảm mạnh so với tháng 6 khi giá trị khớp lệnh trên sàn HSX chỉ dao động trong khoảng 10.000 tỷ/phiên. Và điểm đặc biệt lưu ý là thị trường đang có sự phân hóa khá rõ nét giữa các nhóm ngành và các cổ phiếu trong nhóm ngành đó. Thị trường đang ở giai đoạn vùng trũng thông tin, kèm tâm lý nhà đầu tư chưa tích cực mấy, nên tôi nghĩ hiện tại, khả năng VN-Index sẽ “sideway” quanh vùng 1140-1190 điểm.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Tôi thấy thị trường đang dần cạn kiệt lực bán, với các đợt giảm điểm có biên độ thu hẹp dần kèm theo thanh khoản co lại, và dường như bên bán đã tương đối mệt mỏi với việc bán hạ giá.
Tuy nhiên, để thị trường có thể ngừng hẳn được đà rơi thì phụ thuộc khá lớn vào dòng tiền lớn có tái gia nhập thị trường trở lại hay không? Và hiện tại, tôi chưa nhìn thấy dòng tiền đủ lớn nào tham gia thị trường, phần lớn thanh khoản hiện tại tới từ việc các nhà đầu tư giao dịch lướt sóng T+ tạo ra.
Theo tôi, thay vì chúng ta kỳ vọng thị trường tạo đáy và đi lên, thì hãy chuẩn bị cho kịch bản thị trường có thể đang hướng tới một vùng đáy tương đối rộng.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Thị trường đã bật lên trở lại từ vùng hỗ trợ 1.150 – 1.160 điểm và ngay trong ngắn hạn sẽ hướng lên khu vực 1.200 điểm. Tôi cho rằng chuỗi phiên hồi phục cũng là lúc chúng ta đánh giá thanh khoản, dòng tiền tham gia, những nhóm cổ phiếu chủ chốt hay đầu cơ tăng điểm thế nào trước khi tính đến diễn biến tiếp theo. Nhìn chung khu vực 1.100 – 1.150 vẫn là khu vực hỗ trợ mạnh của thị trường trong tháng 7.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Trong thời gian tới, tối ngày thứ 6 tuần này và thứ 4 tuần sau chúng ta sẽ lần lượt đón nhận thông tin liên quan đến tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát tháng 6 của Mỹ. Trong trưởng hợp các con số được công bố không gây ra các cú sốc khiến chứng khoán Mỹ sụt giảm, tôi kỳ vọng thị trường Việt Nam sẽ bước vào nhịp hồi ngắn hạn và tạo đáy 3 thành công nhờ dòng tiền bắt đáy đã thể hiện tương đối tốt trong 2 phiên cuối tuần, mức định giá thị trường chung đang hấp dẫn, cũng như các kỳ vọng tích cực vào mùa báo cáo lợi nhuận Q2 đang tăng dần.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Diễn biến tuần qua cũng cho thấy một điều khá rõ, là cổ phiếu đang phân hóa và đi đường riêng, tách biệt với chỉ số. Nguyên nhân một phần là VN-Index đang bị kiềm chế bởi một số cổ phiếu vốn hóa lớn. Có thể kể ra khá nhiều cổ phiếu/nhóm cổ phiếu ngược dòng với xu hướng test đáy của VN-Index. Đây có thể xem là điểm mạnh của thị trường hiện tại?
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Đúng là như vậy, thị trường khá phân hóa trong tuần qua, nhiều cổ phiếu đã tìm được lối đi ngược với vận động chung của VN-Index. Các cổ phiếu này có chung đặc tính là đều chịu mức giảm mạnh hơn thị trường kể từ đỉnh cao nhất, với mức giảm thường lớn hơn 50% như các cổ phiếu chứng khoán, thép..., cá biệt có cổ phiếu giảm hơn 80% từ đỉnh như một số cổ phiếu thuộc nhóm Bất động sản... Và tuần qua, các cổ phiếu này đã phục hồi tốt hơn thị trường, với tín hiệu tạo đáy sau cao hơn đáy trước trong khi VN-Index thì thủng đáy gần nhất.
Tuy nhiên, tôi nhận thấy phần lớn các cổ phiếu này đều thuộc nhóm có dự báo kém tích cực trong mùa báo cáo quý 2 này và triển vọng nửa cuối năm 2022 cũng không khả quan. Do đó, sự khác biệt được tạo ra từ nhóm cổ phiếu này có thể tới từ việc phục hồi sau giai đoạn quá bán sâu, mang tính ngắn hạn và đợt phục hồi này không thực sự bền vững.
Tôi nghĩ đây cũng là cơ hội, nhà đầu tư có thể xem xét quan sát kỹ diễn biến của các nhóm ngành mạnh, đồng thời có thể bắt đầu mua thăm dò tại các cổ phiếu ở vùng hỗ trợ cứng và đang dần có chuyển biến tốt. Bà Hồ Nguyễn Thủy Tiên cho biết.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Nhìn chung diễn biến phân hoá ở thời điểm hiện tại thể hiện sự luân chuyển của dòng tiền, tìm đến nhóm cổ phiếu đã sụt giảm mạnh về vùng giá hấp dẫn, rời bỏ các cổ phiếu dẫn dắt thị trường trong nhịp tăng trước đó. Điều này cho thấy thị trường chung chưa có sự đồng thuận, tính lan toả chưa cao và tôi đánh giá không phải là điểm mạnh của thị trường ở thời điểm hiện tại.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Dòng tiền tham gia vào nhóm chứng khoán, một số cổ phiếu ngân hàng cũng như nhiều cổ phiếu cơ bản, nhóm cổ phiếu midcap và penny mặc dù thanh khoản chưa cao là điểm cần nhắc đến đầu tiên. Thị trường cũng đã điều chỉnh một khoảng thời gian và tạo mẫu hình đáy kép và khả năng phục hồi là cao trong tuần giao dịch tới. Điểm đáng kể đó là dòng tiền vẫn sẵn sàng nhập cuộc ở các cổ phiếu dẫn dắt, cổ phiếu triển vọng đã giảm giá nhiều giai đoạn vừa qua như nhóm xây dựng xây lắp, chứng khoán, ngân hàng, bất động sản...
Bà Hồ Nguyễn Thủy Tiên, Giám đốc Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt
Theo tôi diễn biến phân hóa vẫn là điểm nhấn đáng chú ý. Ở nhóm tích cực, các Nhà đầu tư được chứng kiến sự khởi sắc của nhóm Bất động sản và Chứng khoán. Nhóm Hóa chất, Dệt may, Bán lẻ cũng có một phiên hồi phục khá tốt. Tuy nhiên, nhóm Ngân hàng giao dịch kém, góp phần kiềm hãm đà tăng của thị trường chung. Nhóm Vận tải biển và Thủy sản, tuy không giảm sâu nhưng vẫn còn yếu. Khối ngoại quay trở lại bán ròng mạnh trên sàn HOSE, với giá trị 400,3 tỷ đồng.
Tôi nghĩ đây cũng là cơ hội, nhà đầu tư có thể xem xét quan sát kỹ diễn biến của các nhóm ngành mạnh, đồng thời có thể bắt đầu mua thăm dò tại các cổ phiếu ở vùng hỗ trợ cứng và đang dần có chuyển biến tốt.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Giá hàng hóa thế giới đang có tín hiệu hạ nhiệt, giá dầu cũng chỉ còn quanh ngưỡng 100 USD/thùng. Nhiều phân tích mới đã cho rằng sức ép lạm phát giảm và điều đó đồng nghĩa với các ngân hàng trung ương không còn áp lực tăng lãi suất quá nhanh. Điều này có góp phần giảm rủi ro ngoại biên và thị trường chứng khoán trong nước tích cực hơn?
Tôi lại nghĩ bức tranh về rủi ro ngoại biên đang tăng lên chứ chưa hề giảm đối với Việt Nam. Ở thời điểm hiện tại, thị trường chứng khoán trong nước có thực sự tích cực hơn hay không thì phụ thuộc rất nhiều vào nội lực từ dòng tiền của chính nhà đầu tư. Còn nếu chỉ nhìn từ góc độ thông tin vĩ mô bên ngoài thì tôi chưa nhận thấy một dấu hiệu lạc quan nào. Ông Nguyễn Văn Sơn cho biết.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Diễn biến sụt giảm của giá hàng hoá thế giới, bao gồm cả giá dầu là thông tin tích cực nhất đối với chứng khoán toàn cầu ở thời điểm hiện tại. Trên thực tế thị trường Mỹ với chỉ số S&P500 cũng đã có chuỗi tăng 4 phiên liên tiếp trong tuần qua. Tuy nhiên diễn biến giá dầu vẫn đang rất khó lường và vẫn có những dự báo cho thấy giá dầu có thể tăng vọt lên 150 USD/thùng nếu sản lượng khai thác của Nga sụt giảm mạnh trước các lệnh trừng phạt từ EU. Nhìn chung, các yếu tố rủi ro vẫn tiềm ẩn, dù vậy chứng khoán toàn cầu cũng đã có những phản ứng ban đầu tích cực trước diễn biến sụt giảm của giá dầu thế giới tuần qua.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
FED đưa ra thông điệp tăng lãi suất với kịch bản tăng 75 điểm cơ bản trong kỳ họp tháng 7. Việc điều chỉnh chính sách tiền tệ đi kèm với tăng lãi suất vẫn được đánh giá là động thái “cực chẳng đã”. Theo tôi mối lo ngại hơn là việc suy thoái kinh tế Mỹ và một số nước Châu Âu có thể ảnh hưởng dây chuyền đến các nước. Ở Việt Nam, cho dù việc tăng trưởng GDP ấn tượng quý 2 nhưng nền kinh tế chung còn nhiều thách thức - ảnh hưởng liên thị trường, tâm lý nhà đầu tư trong giai đoạn nhạy cảm cũng có thể kiến lực cung cổ phiếu gia tăng.
Có lẽ kỳ vọng vào sự tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát trong nước cũng như được thúc đẩy bởi nội lực, các hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư công, giải ngân vốn FDI sẽ khiến đà tăng trưởng được duy trì, thị trường chứng khoán vì thế cũng sẽ không giảm sâu mà điều chỉnh tạo đáy và đi lên.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Theo tôi, quá trình tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương là xu hướng và không thể đảo ngược ở thời điểm hiện tại. Sau nhiều đợt tăng lãi suất điều hành, giá hàng hóa cơ bản của thế giới đã có sự hạ nhiệt và đà tăng đã chững lại. Điều này càng củng cố cho luận cứ tăng lãi suất của các Ngân hàng trung ương.
Mặc dù vậy, mặt bằng giá hàng hóa vẫn neo ở mức cao hơn nhiều so với trước đại dịch, và hiệu quả hạ nhiệt giá cả vẫn mong mạnh, chưa bền vững. Lạm phát vẫn chưa như kỳ vọng của người dân và các chính phủ. Vì vậy tốc độ nâng lãi suất chưa thể chậm lại.
Không những vậy, nhiều mặt hàng chững lại đà tăng xuất phát từ sự lo ngại nền kinh tế toàn cầu có thể rơi vào một chu kỳ suy thoái mới do hệ quả từ việc lãi suất tăng cao.
Tôi lại nghĩ bức tranh về rủi ro ngoại biên đang tăng lên chứ chưa hề giảm đối với Việt Nam. Ở thời điểm hiện tại, thị trường chứng khoán trong nước có thực sự tích cực hơn hay không thì phụ thuộc rất nhiều vào nội lực từ dòng tiền của chính nhà đầu tư. Còn nếu chỉ nhìn từ góc độ thông tin vĩ mô bên ngoài thì tôi chưa nhận thấy một dấu hiệu lạc quan nào.
Bà Hồ Nguyễn Thủy Tiên, Giám đốc Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt
Theo tôi các yếu tố ảnh hưởng đến giá hàng hóa, giá dầu chủ yếu vẫn là cuộc xung đột Nga- Ukraina và các biến động địa chính trị ở các khu vực khác như châu Phi, Lybia. Ngoài ra OPEC khai thác dưới hạn mức do thiếu sự đầu tư trong thập kỷ qua, tồn kho dự trữ thấp khiến nguồn cung thiếu hụt, và thị trường phục hồi sau đại dịch khiến nhu cầu tăng trở lại. Chính những điều đó khiến cho giá dầu thô và sản phẩm xăng dầu tăng liên tục. Đặc biệt, crack margin (chênh lệch giữa giá xăng dầu và dầu thô) bị đẩy lên cao tới 21,8 USD/ thùng (giai đoạn 2000-2020 chỉ khoảng 8,7 USD/ thùng). Giá dầu có chiều hướng giảm từ 120 USD/ thùng về 110 USD/ thùng trong tháng 6, và có khả năng về 100 USD/ thùng trong thời gian tới.
Trong bối cảnh giá mọi loại hàng hóa từ nhiên liệu tới thực phẩm lên cao, các quốc gia buộc phải nhập khẩu, làm tăng sức mua trở nên quan trọng, các quốc gia công khai quan điểm làm mạnh đồng nội tệ của mình lên để giảm chi phí nhập khẩu. Còn đối với các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước chuyên xuất khẩu, thì điều này sẽ gây tổn hại bởi giá hàng xuất khẩu sẽ trở nên đắt hơn, nợ quốc gia bằng đồng ngoại tệ sẽ trở nên nặng nề hơn.
Tóm lại, trong giai đoạn hiện nay, yếu tố về lạm phát và lãi suất đang và sẽ tác động lớn đến thị trường. Lạm phát trên toàn cầu xảy ra, Việt Nam cũng ít bị ảnh hưởng. Ngân hàng nhà nước có điều chỉnh tăng lãi suất điều hành cũng là biện pháp ổn định chính sách tiền tệ. VN-Index cũng đã có đợt sụt giảm mạnh trong thời gian qua, khiến thị trường chứng khoán Việt Nam đang rẻ so với khu vực, với nhiều cổ phiếu cơ bản tốt đã được chiết khấu về vùng giá hấp dẫn, sẽ là cơ hội cho Nhà đầu tư trong giai đoạn hiện tại.
Chúng ta đừng quên rằng việc tạo đáy và tích lũy ở mức điểm cao hơn trong một khoảng thời gian mà thanh khoản chưa gia tăng nhiều cũng không phải là bất ngờ. Quan trọng hơn cả đó là nhà đầu tư hãy quan tâm nhiều đến các cổ phiếu riêng lẻ đã giảm nhiều giai đoạn vừa qua và mua gom tích lũy một số cổ phiếu triển vọng. Ông Lê Đức Khánh cho biết.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Khi VN-Index giảm xuyên qua đáy áp lực bán tháo không xuất hiện, nhưng khi thị trường phục hồi thanh khoản cũng không tăng. Điều đó nghĩa là nhà đầu tư vẫn chờ đợi, chưa tin tưởng để mua vào mạnh hơn. Thanh khoản tiếp tục phát tín hiệu ngược với số liệu tài khoản mở mới trong tháng 6. Anh chị đánh giá thế nào về tâm lý thận trọng quá mức này?
Bà Hồ Nguyễn Thủy Tiên, Giám đốc Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt
Những phiên giao dịch đầu tháng 7, thanh khoản còn thấp hơn tháng 6 khi VN-Index chỉ dao động quanh 1140-1200 điểm. Khi VN-Index xuyên qua đáy, áp lực bán vẫn không cao, do nhiều cổ phiếu đã giảm mạnh trước đó, khiến định giá rất rẻ, nhà đầu tư không còn lý do gì để tiếp tục bán. Nhưng khi thị trường phục hồi, tâm lý e dè, mua thăm dò khi xu hướng thị trường chưa rõ ràng, cũng như dữ liệu tài chính của bản thân doanh nghiệp chưa được công bố chính thức.
Ở thời điểm hiện tại, vĩ mô thế giới đã hé lộ một số tín hiệu tích cực ban đầu về giá dầu, khi đã giảm hơn 10% từ đỉnh, đặc biệt ghi nhận sự giảm nhanh sau kỳ họp OPEC+ cam kết sẽ gia tăng sản lượng trong tháng 7-8/22. Bên cạnh, nền kinh tế Trung Quốc bước đầu đang cho thấy dấu hiệu hồi phục trong tháng 6/22 thông qua các số liệu về xuất nhập khẩu, logistics, PMI, ISM... Tuy nhiên vẫn còn khá sớm để có cái nhìn lạc quan về hai biến số này. Ngoài ra, số liệu kinh tế Mỹ và mức tăng lãi suất được công bố trong kỳ họp Fed tháng 7 sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến thị trường thế giới cũng như Việt Nam. Các nhà điều hành trong nước có những động thái hỗ trợ kiểm soát lạm phát, duy trì lãi suất điều hành và lãi suất cho vay trên thị trường, cũng như ổn định tỷ giá. Đồng thời, lợi nhuận quý 2 sẽ dần được hé lộ trong thời gian tới.
Tôi nghĩ, với tâm thế của một nhà đầu tư dài hạn, có thể bắt đầu giải ngân từ từ, mua thăm dò ở một số cổ phiếu cơ bản tốt, mà giá đã bị chiết khấu khá lớn trong thời gian qua.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Tâm lý thận trọng là có thể hiểu được khi mà biến động thị trường trong 2 tháng trở lại đây với các nhịp tăng/giảm đan xen khiến nhiều nhà đầu tư mua đuổi ở nhịp hồi phải chấp nhận cắt lỗ. Thêm vào đó, các thông tin tác động vẫn phần nhiều nghiêng về chiều hướng rủi ro liên quan đến lạm phát, FED, Covid-19 tại Trung Quốc... Hoạt động trading ngắn hạn của nhà đầu tư đã được hạn chế tối đa kéo theo vòng quay tiền sụt giảm, thanh khoản thị trường suy yếu.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Một số bộ phận nhà đầu tư vẫn lo lắng về khả năng điều chỉnh tiếp trong khi kịch bản phục hồi của thị trường có thể được kỳ vọng trong vòng 1 – 2 tuần. Số liệu tài khoản mở mới đang gia tăng cũng là xu hướng tất yếu cho dù thời gian thị trường điều chỉnh giai đoạn vừa qua. Đám đông nhà đầu tư có lẽ chỉ tin tưởng khi thị trường tạo đáy đủ nhịp đi kèm với thanh khoản tăng mạnh. Chúng ta đừng quên rằng việc tạo đáy và tích lũy ở mức điểm cao hơn trong 1 khoảng thời gian mà thanh khoản chưa gia tăng nhiều cũng không phải là bất ngờ. Quan trọng hơn cả đó là nhà đầu tư hãy quan tâm nhiều đến các cổ phiếu riêng lẻ đã giảm nhiều giai đoạn vừa qua và việc mua gom tích lũy một số cổ phiếu triển vọng là điều có thể tính đến.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Các số liệu về tích cực về tải khoản mở mới trong tháng 6 cũng không cải thiện được mức thanh khoản thấp hiện tại, cho thấy lượng tiền gia nhập vào thị trường chưa đủ bù đắp được lượng tiền nhà đầu tư rời bỏ thị trường.
Tuy nhiên, với tín hiệu VN-Index thủng đáy mà không còn hiện tượng bán tháo và điểm số cũng không còn giảm quá nhiều thì cơ hội để thị trường tiệm cận vùng đáy trung hạn đang tăng lên.
Tựa chung lại, tôi cho rằng thị trường đang dần tới điểm cân bằng về mặt cung cầu khi tâm lý nhà đầu tư gần tới ngưỡng chán và buông bỏ, người cầm cổ không còn mặn mà với việc bán giá thấp và bên mua thì chưa tìm được lý do để tham gia vào. Thị trường có thể hướng tới giai đoạn mà tâm lý của tất cả các bên sẽ chuyển sang trạng thái thờ ơ và bàng quan.