Cà phê chế biến chiếm 62% tổng kim ngạch
Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam - cho biết: 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu hơn 1 triệu tấn cà phê, đạt 2,3 tỷ USD, tăng 20,7% về số lượng, tăng 48,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Trung Quốc là thị trường lớn thứ 10 của cà phê Việt Nam với sản lượng xuất khẩu trong nửa đầu năm đạt 21.450 tấn, với gần 66 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2021, sản lượng cà phê xuất khẩu sang thị trường này giảm 23,9% nhưng tăng 1,9% về kim ngạch. Trong tổng số cà phê xuất khẩu sang Trung Quốc, cà phê nhân đạt khoảng 13.000 tấn, kim ngạch trên 24 triệu USD, cà phê chế biến sâu đạt khoảng 8.352 tấn chưa quy đổi, kim ngạch 41 triệu USD. Như vậy, cà phê chế biến sâu chiếm khoảng 62% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê sang Trung Quốc.
Ông Wilson Li Wuqiang - Đại diện Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên tại Thượng Hải, thương hiệu cà phê Việt Nam quen thuộc tại thị trường Trung Quốc - cho hay: Ban đầu, Trung Nguyên chủ yếu tiêu thụ cà phê qua các kênh đầu mối ở biên giới và sản phẩm cà phê hòa tan 3 trong 1. Hiện, căn cứ theo nhu cầu khách hàng, Trung Nguyên có thêm sản phẩm cà phê đen, cà phê rang xay phục vụ nhu cầu pha phin của người dân Trung Quốc.
Cần đa dạng kênh phân phối
Từ kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu thị trường, ông Wilson Li Wuqiang cho biết, Trung Quốc là thị trường rất lớn và đa dạng, do vậy cần áp dụng nhiều cách tiêu thụ khác nhau. Tại Thượng Hải, cà phê Trung Nguyên không chỉ được bán ở những kênh phân phối lớn mà còn được chia gói nhỏ bán tại các cửa hàng mini, cửa hàng tạp hóa, bán lẻ với mục tiêu tiếp cận nhiều nhất người tiêu dùng. Trung Quốc là thị trường mơ ước của doanh nghiệp Việt Nam không chỉ bởi đây là thị trường có quy mô tiêu dùng lớn, vị trí địa lý gần giúp cà phê Việt có lợi thế về vận chuyển và văn hóa tiêu dùng có nhiều điểm tương đồng.
Ông Tôn Chính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê TP. Trùng Khánh, kiêm Phó Giám đốc Trung tâm giao dịch cà phê Trùng Khánh - thông tin: Từ năm ngoái, Chính phủ Trung Quốc yêu cầu tất cả cà phê nhân nhập khẩu phải đăng ký tại cơ quan hải quan trước khi nhập khẩu. Việc đăng ký này cần sự hỗ trợ của lãnh sự quán Việt Nam tại Trung Quốc. Doanh nghiệp Trung Quốc chấp nhận thanh toán cả bằng đồng USD và nhân dân tệ. Tuy nhiên, do xung đột Nga - Ukraine, việc thanh toán bằng đồng USD cà phê Việt Nam xuất khẩu sang Nga qua Trung Quốc sẽ khó khăn, dù có thể khắc phục nhưng về lâu dài, nên chuyển về nhân dân tệ sẽ thuận lợi hơn.
Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc chủ yếu là cà phê Robusta, tuy nhiên cũng có một số sản phẩm cà phê Arabica đang được tiêu thụ, chứng tỏ sản phẩm này đã có thị phần nhưng chưa đa dạng các dòng sản phẩm. “Chúng tôi rất mong doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu, định hướng kế hoạch phát triển sản phẩm cà phê Arabica chất lượng cao để có cơ hội hợp tác đưa sản phẩm cà phê cao cấp hơn vào thị trường Trung Quốc” - ông Tôn Chính bày tỏ.
Trung Quốc không có yêu cầu đặc thù với bao bì đóng gói cà phê nhập khẩu. Liên quan đến việc kiểm tra, kiểm dịch cũng không có yêu cầu đặc biệt ngoài chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Tuy nhiên, đối với cà phê Việt Nam xuất khẩu sang nước thứ 3 từ Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý và đáp ứng yêu cầu của nước thứ 3.