Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2023 đạt 58,49 tỷ USD, tăng 18,6% so với tháng trước và giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý 1/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 154,27 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 15%).
Cụ thể, về xuất khẩu, mặc dù trong tháng 3/2023 có sự hồi phục, ước đạt 29,57 tỷ USD, tăng 13,5% so với tháng trước nhưng giảm tới 14,8% so với cùng kỳ năm trước do những khó khăn trong sản xuất và sụt giảm đơn hàng xuất khẩu… Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,33 tỷ USD, tăng 12,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 22,24 tỷ USD, tăng 13,7%.
Tính chung quý 1/2023, tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 14,4%); trong đó khu vực doanh nghiệp trong nước giảm mạnh hơn (giảm 17,4%) so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (giảm 10%), điều này cho thấy những khó khăn của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu.
Trong quý 1/2023 có 14 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, giảm 2 mặt hàng so với quý I/2022 (có 16 mặt hàng), chiếm 77,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 04 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,8%).
Về xuất khẩu các nhóm hàng, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản quý 1/2023, đạt 6,86 tỷ USD, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 8,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao trong nhóm này gồm: rau quả, tăng 10,6%; nhân điều tăng 14,2%; gạo tăng 30,2%. Tuy nhiên, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng giảm trong nhóm này như: thủy sản giảm 29%; cao su giảm 22,9%; sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 5,5%.
Điểm nổi bật trong xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản là xuất khẩu gạo tăng mạnh cả về lượng và về trị giá xuất khẩu. Ước tính xuất khẩu gạo tháng 3/2023 so với tháng trước tăng 68,3% về lượng và tăng 67,6% về kim ngạch; so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu gạo tăng 69,3% về lượng và tăng 82,3% về kim ngạch xuất khẩu.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo quý 1/2023 suy giảm mạnh, ước đạt 67,5 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái do chịu ảnh hưởng từ sự suy giảm kinh tế toàn cầu, tổng cầu giảm sút, nhu cầu của các thị trường xuất khẩu lớn giảm mạnh.
Nhìn chung, trong quý 1/2023 kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng trong nhóm đều giảm so với quý 1/2022.
Trong đó, điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất, đạt 13 tỷ USD, chiếm 16,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 11,8 tỷ USD, giảm 10,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 9,7 tỷ USD, giảm 3,7%; hàng dệt may đạt 7,2 tỷ USD, giảm 17,4%; giày dép các loại đạt 4,3 tỷ USD, giảm 18,6%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,88 tỷ USD, giảm 28,3%; Sắt thép các loại đạt 1,63 tỷ USD, giảm 28,8%.
Trong quý 1/2023 chỉ có số ít mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với quý 1/2022 là giấy và sản phẩm từ giấy tăng 14,4%; thủy tinh và các sản phẩm thủy tinh tăng 63%; Phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 10,8%.
Đối với xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản, trong quý 1/2023 cũng ghi nhận sụt giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu do sự sụt giảm mạnh về kim ngạch xuất khẩu than đá (giảm 97,8%) và xuất khẩu quặng và khoáng sản khác (giảm 28,9%). Điểm sáng duy nhất trong xuất khẩu nhóm hàng này là xuất khẩu dầu thô tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn của Việt Nam trong quý 1/2023 đều giảm. Cụ thể, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 20,57 tỷ USD, chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu và giảm 21,6% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 11,54 tỷ USD, giảm 13,8%; EU đạt 10,37 tỷ USD, giảm 10,8%; ASEAN đạt 8,34 tỷ USD, tăng 2%; Hàn Quốc đạt 5,8 tỷ USD, giảm 5,5%; Nhật Bản đạt 5,4 tỷ USD, tăng 0,9%.
Từ chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2023 đạt 28,92 tỷ USD, tăng 24,4% so với tháng trước nhưng giảm 11,1% so với cùng kỳ.
Tính chung quý 1/2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 15,6%), trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 26,03 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 49,07 tỷ USD, giảm 15,4%.
Trong quý 1/2023 có 17 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm 75,1% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 02 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 37,6%).
Về thị trường nhập khẩu hàng hóa quý 1/2023, do những khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu nên kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ hầu hết các thị trường đều giảm so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 23,6 tỷ USD, giảm 14,6% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc ước đạt 12,2 tỷ USD, giảm 27,4%; thị trường ASEAN đạt 10,3 tỷ USD, giảm 12,9%; Nhật Bản đạt 5,6 tỷ USD, giảm 4,5%; thị trường EU đạt 3,4 tỷ USD, giảm 12,1%; Hoa Kỳ đạt 3,1 tỷ USD, giảm 10,1%.
Như vậy, với kết quả trên, cán cân thương mại của Việt Nam trong tháng 3/2023 tiếp tục thặng dư khoảng 650 triệu USD, nâng tổng xuất siêu trong quý 1/2023 lên 4,07 tỷ USD (cùng kỳ xuất siêu 1,87 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 6,77 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 110,8 tỷ USD.
Theo dự báo của Bộ Công Thương, thời gian tới sức mua vẫn hồi phục chậm, sản xuất vẫn sẽ khó khăn do thiếu hụt đơn hàng. Việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào nguyên vật liệu vẫn ở mức cao. Bên cạnh đó, các chính sách kinh tế của một số quốc gia tiếp tục có tác động không nhỏ đến các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ…
Do đó, để tháo gỡ khó khăn cho xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổ chức các Hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng giữa các cơ quan của Bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các Bộ, ngành liên quan để kịp thời cập nhật cho doanh nghiệp, Hiệp hội về thông tin, nhu cầu, cũng như các quy định mới của thị trường. Đẩy mạnh phát triển xuất nhập khẩu thông qua hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.
Đồng thời tiếp tục mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu; hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu… Đẩy mạnh khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Tạo thuận lợi hoá, tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA; Tập trung đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại. Thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, qua đó giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.