Theo báo cáo của Bộ Công Thương, mặc dù tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng bởi căng thẳng, xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine… nhưng hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong tháng 6 vẫn phục hồi mạnh mẽ với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 65,02 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 371,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 15,5% và cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 710 triệu USD, qua đó hỗ trợ tích cực cho cán cân vãng lai và cán cân thanh toán tổng thể của nền kinh tế.
Những kết quả đạt được của hoạt động thương mại trong thời gian qua đã và đang cho thấy những nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ và các bộ, ban, ngành trong việc thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế.
Xuất khẩu Quý II tăng 21%
Tháng 6/2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 32,65 tỷ USD, tăng 5,6% so với tháng trước.
Quý II/2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 96,8 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước và tăng 8,7% so với quý I/2022.
Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 28,4%). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 49,26 tỷ USD, tăng 20%, chiếm 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 136,68 tỷ USD, tăng 16,3%, chiếm 73,5%.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỷ trọng xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và khối các ngành có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Trong đó, điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất, đạt 28,58 tỷ USD, chiếm 15,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 27 tỷ USD, tăng 13%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 21,3 tỷ USD, tăng 24,3%; hàng dệt và may mặc đạt 18,65 tỷ USD, tăng 21,6%; giày dép các loại đạt 11,9 tỷ USD, tăng 14,8%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,5 tỷ USD, tăng 3,4%; Sắt thép các loại đạt 5,1 tỷ USD, tăng 13,7%.
Trong 6 tháng, có 28 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8%).
Đi vào từng ngành hàng, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản tháng 6/2022 ước đạt 2,9 tỷ USD, tăng 6,8% so với tháng 5/2022 và tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 8,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 15,8 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 13,5%), chiếm 8,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Những mặt hàng tăng trưởng cao trong nhóm này gồm có: thủy sản tăng 39,6%; cà phê tăng 21,7% về lượng và tăng 49,7% về kim ngạch XK do giá xuất khẩu cà phê tăng cao; hạt tiêu mặc dù giảm 19,1% về lượng nhưng do giá xuất khẩu tăng nên tăng 14% về kim ngạch XK; sắn và các sảm phẩm về sắn tăng 13% về lượng và tăng 28% về kim ngạch XK. Ngược lại, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm như: rau quả giảm 17,2%; nhân điều giảm 8%.
Trong tháng 6/2022, điểm sáng trong xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản là xuất khẩu thủy sản với kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 1,05 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản cả nước ước tính đạt 5,7 tỷ USD, tăng 39,6% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu cao của thị trường thế giới đối với thủy sản Việt Nam.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tháng 6/2022 ước đạt 27,6 tỷ USD, tăng 5% so với tháng 5/2022 và tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 18%).
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng góp chính vào tốc độ tăng trưởng chung của xuất khẩu với kim ngạch ước tính đạt 159 tỷ USD, tăng 17% so với quý cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 31,3%) và chiếm 85,7% tổng kim ngạch xuất khẩu chung.
Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng trong nhóm công nghiệp chế biến đều tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất, đạt 28,58 tỷ USD, chiếm 15,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 27 tỷ USD, tăng 13%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 21,3 tỷ USD, tăng 24,3%; hàng dệt và may mặc đạt 18,65 tỷ USD, tăng 21,6%; giày dép các loại đạt 11,9 tỷ USD, tăng 14,8%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,5 tỷ USD, tăng 3,4%; Sắt thép các loại đạt 5,1 tỷ USD, tăng 13,7%.
Đồng thời, kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng khác cũng tăng mạnh như: phân bón các loại tăng 187% (do giá phân bón tăng cao và nhu cầu tăng đột biến); hóa chất tăng 59%; Máy ảnh, máy quay phim là linh kiện tăng 52%; Sản phẩm từ sắt thép tăng 27%; Đá quý và kim loại quý tăng 52%; Sản phẩm chất dẻo tăng 28%; Giấy và sản phẩm từ giấy tăng 19%; Thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 17%...
Xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản trong tháng 6/2022 tiếp tục tăng mạnh ở hầu hết các mặt hàng, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 489 triệu USD, tăng 5,5% so với tháng 5/2022 và tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:
Xuất khẩu than đá tiếp tục có mức tăng trên hai con số cả về lượng và trị giá xuất khẩu khi tăng tới 47% về lượng và tăng 55% về trị giá so với tháng trước nhưng giảm 35,4% về lượng và tăng 127,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu dầu thô tăng 93% về lượng và tăng 64% về trị giá so với tháng trước.
Ngược lại, xuất khẩu xăng dầu các loại giảm cả về lượng và trị giá xuất khẩu so với tháng trước, lần lượt giảm 62% và 57%. Xuất khẩu quặng và khoáng sản các loại giảm 9% về lượng và giảm 26% về trị giá.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản vẫn tăng mạnh, đạt 2,47 tỷ USD và tăng 53,8% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ giảm 0,1%).
Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022 với kim ngạch đạt 55,96 tỷ USD, chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 43,3%); tiếp đến là Trung Quốc đạt 26,3 tỷ USD, tăng 7,2%; thị trường EU đạt 23 tỷ USD, tăng 22%; thị trường ASEAN đạt 17,7 tỷ USD, tăng 27,4%; Hàn Quốc đạt 12,2 tỷ USD, tăng 18,5%; Nhật Bản đạt 11,48 tỷ USD, tăng 13,9%.
Xuất siêu 710 USD trong 6 tháng
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2022 ước đạt 32,37 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước.
Quý II/2022, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 97,6 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 11,3% so với quý I/2022.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 185,23 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 65,23 tỷ USD, tăng 15,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 120 tỷ USD, tăng 15,6%.
Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, chiếm 88,8% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022 là nhóm hàng cần nhập khẩu (nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) với kim ngạch đạt 164,5 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ tăng 35,6%).
Trong đó, kim ngạch nhập khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cao nhất, đạt 42,7 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 22,9%).
Tương tự, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng khác cũng ghi nhận mức tăng cao như: than đá, tăng 129,5%; dầu thô tăng 48%; xăng dầu các loại tăng 118%; khí đốt hóa lỏng tăng 59%; sản phẩm khác từ dầu mỏ tăng 29%; hóa chất tăng 33%; phân bón tăng 32%; Lúa mì tăng 30%; sản phẩm hóa chất tăng 27,3%; đậu tương tăng 25%; thép các loại tăng 22%...
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hạt điều giảm 39,5%; quặng và khoáng sản khác giảm 21%; Ô tô nguyên chiếc các loại (trừ xe dưới 9 chỗ) giảm 29%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 2,6%...
Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu 6 tháng đầu năm tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 10,8 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu rau quả tăng 29%, Đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 38,8%; chế phẩm thực phẩm khác tăng 31,8%.
Về thị trường nhập khẩu hàng hóa trong 6 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 60,9 tỷ USD, chiếm gần 33% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước và tăng 14% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc đạt 33,2 tỷ USD, tăng 30,7%; thị trường ASEAN đạt 24,4 tỷ USD, tăng 14,8%; Nhật Bản đạt 11,8 tỷ USD, tăng 8,8%; thị trường EU đạt 8,1 tỷ USD, giảm 1,2%; Hoa Kỳ đạt 7,5 tỷ USD, giảm 3%.
Trong 6 tháng đầu năm có 30 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 87% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Như vậy, tháng 6/2022, cán cân thương mại của cả nước ước tính xuất siêu 276 triệu USD (tháng 6/2021 nhập siêu 618 triệu USD).
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 710 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 1,86 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,97 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 16,68 tỷ USD.
Nửa cuối năm 2022, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới; Theo dõi sát những biến động của tình hình quốc tế, chủ động đánh giá các tác động của các sự kiện đó đến sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam để kịp thời có sự điều chỉnh, ứng phó thích hợp, tăng cường công tác thông tin, hỗ trợ cho các Hiệp hội, doanh nghiệp.
Đồng thời, rà soát, đánh giá nhu cầu trong nước đối với các mặt hàng chiến lược như phân bón, xăng dầu, than,... để có biện pháp điều hành phù hợp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, vừa tận dụng được cơ hội về giá để xuất khẩu và đảm bảo nguồn cung đủ cho nhu cầu tiêu dùng, sản xuất trong nước đặc biệt trong trường hợp giá cả nguyên vật liệu tăng quá cao.