Tàu vận tải hoãn chuyến hàng loạt
Theo CNBC, các nhà quản lý vận tải Mỹ hiện đang chuẩn bị cho tình huống chậm trễ giao hàng từ phía Trung Quốc vào đầu tháng 1 tới, do nhiều tàu chở container bị các hãng vận tải biển hoãn chuyến.
Các hãng vận tải biển hiện đang phải thực hiện một chiến lược quản lý năng lực chủ động bằng cách tăng cường báo hủy chuyến và tạm dừng một số dịch vụ để cân bằng cung - cầu. Joe Monaghan, giám đốc điều hành của Worldwide Logistics Group, cho biết: "Cước vận tải từ châu Á giảm không ngừng (do nhu cầu giảm sút) đang khiến nhiều hãng vận tải biển phải hủy chuyến hoặc bỏ các chặng ghé cảng ở mức độ nhiều hơn bao giờ hết".
Theo dữ liệu về chuỗi cung ứng mới nhất của CNBC, số đơn đặt hàng sản xuất của Mỹ tại Trung Quốc giảm 40%. Nhận định với CNBC, Worldwide Logistics cho rằng, do số đơn đặt hàng giảm, nhiều khả năng các nhà máy Trung Quốc sẽ đóng cửa nghỉ Tết nguyên đán sớm hơn hai tuần so với thường lệ.
"Nhiều nhà sản xuất sẽ đóng cửa vào đầu tháng 1 để nghỉ lễ, sớm hơn nhiều so với năm ngoái", ông Monaghan cho biết.
Công ty nghiên cứu chuỗi cung ứng Project44 nói với CNBC rằng, sau khi đạt mức thương mại kỷ lục trong thời gian phong tỏa vì đại dịch Covid-19, khối lượng TEU từ Trung Quốc tới Mỹ đã giảm đáng kể từ cuối mùa hè năm 2022, trong đó khối lượng container giảm 21% trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 11.
Cột trụ của kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng
Hãng tin Bloomberg cho hay, xuất nhập khẩu của Trung Quốc đều sụt giảm trong tháng 11 vừa qua giữa bối cảnh nhu cầu toàn cầu yếu và tình trạng gián đoạn sản xuất ở Trung Quốc.
Tình hình thương mại ngày càng tệ đang tác động tiêu cực tới lĩnh vực vốn là cột trụ của nền kinh tế Trung Quốc trong 2 năm qua, khi mà xuất khẩu gia tăng tới mức kỷ lục khiến các công ty Trung Quốc có được nguồn cầu ổn định.
Tình trạng này nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong tháng 12 nếu hoạt động vận chuyển và sản xuất tiếp tục bị gián đoạn. Các nhà kinh tế ước tính, nền kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ tăng trưởng 3,2% trong năm nay.
Nhu cầu từ bên ngoài dự kiến sẽ tiếp tục suy yếu trong bối cảnh nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và các n ền kinh tế lớn tăng lãi suất để chống lại lạm phát. Ngoài ra, còn có sự cạnh tranh từ các nhà máy Đông Nam Á khi họ quay trở lại trạng thái bình thường mới hậu đại dịch.
Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu tính theo đồng đô la đã giảm 8,7% trong tháng 11 xuống còn 296 tỷ USD so với 1 năm trước. Đó là mức thấp nhất kể từ tháng 4, khi thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) phải đóng cửa nhà máy, phong tỏa đường phố và ngăn các công ty đưa hàng lên tàu. Mức giảm này là lớn nhất kể từ tháng 2 năm 2020, giai đoạn phong tỏa đầu tiên.
Sự gia tăng bất ngờ trong sản xuất của châu Âu
HLS viện dẫn dữ liệu thương mại cho thấy, nhập khẩu của Mỹ từ châu Á trong tháng 10 đã tụt xuống mức thấp nhất trong 20 tháng.
Theo phân tích của Project44, trong khi số đơn đặt hàng từ Trung Quốc sụt giảm, tuyến vận tải châu Âu – tới – Mỹ lại trở thành một trong những bước phát triển đáng kể và đáng ngạc nhiên nhất kể từ đầu năm 2020.
"Mức độ gia tăng đột biến này không chỉ bởi đại dịch Covid-19. Bước chuyển đổi chiến lược (của Mỹ) ra khỏi trạng thái phụ thuộc quá mức vào thương mại với Trung Quốc và căng thẳng địa chính trị với Nga là những động lực chính dẫn tới bùng nổ thương mại giữa EU và Mỹ”, ông Brazil nhận định.
Bản đồ thương mại toàn cầu đang được vẽ lại. Trong khi thương mại Mỹ - EU và đầu tư vào Mỹ gia tăng nhanh chóng, thì quan hệ kinh tế giữa phương Tây và Trung Quốc lại buộc phải xem xét cẩn trọng. Năm nay, Mỹ đã nhập khẩu hàng hóa từ châu Âu nhiều hơn so với Trung Quốc. Theo Project44, đây là một bước thay đổi lớn so với giai đoạn những năm 2010.