Để "ăn chắc, ăn bền" song song với xây dựng thương hiệu, các doanh nghiệp cần tận dụng tốt hơn những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTAs) để mặt hàng này chiếm lĩnh thị trường tốt hơn.
Mới dừng ở gạo 5% tấm
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quý I/2022, tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo đạt 1,48 triệu tấn với 715 triệu USD, tăng 24% về khối lượng và tăng 10,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Các thị trường truyền thống như Philippines, Malaysia, Trung Quốc vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt.
Còn theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, chỉ trong vòng 2 tuần gần đây, giá gạo xuất khẩu 100% tấm của Việt Nam đã được điều chỉnh tăng 3 đợt, với tổng mức tăng lên tới 17 USD/tấn. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng đạt mức cao nhất trong vòng gần 4 tháng trở lại đây. Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam cao hơn gạo Thái Lan khoảng 5 USD/tấn.
Theo các chuyên gia, giá gạo khởi sắc một phần nhờ nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam của các thị trường khác đều tăng trở lại. Những căng thẳng về chính trị giữa một số nước khiến cho nhiều nước quan tâm hơn tới việc dự trữ lương thực. Mặt khác, tác động giá lương thực thế giới tăng sẽ ảnh hưởng đến giá gạo xuất khẩu. Ngoài ra, còn phải kể đến giá vật tư nông nghiệp đầu vào tăng.
Mặc dù xuất khẩu gạo đang đón nhận những tín hiệu tích cực, nhưng các chuyên gia cho rằng, chúng ta không nên vui mừng quá sớm vì phần lớn chủng loại gạo có giá vượt Thái Lan là gạo 5% tấm (gạo thường), giá trị xuất khẩu khá thấp so với chủng loại gạo thơm. Các dòng gạo thơm của Việt Nam vẫn thua so với gạo thơm Thái Lan. Khả năng duy trì mức giá cao hơn này có thể chỉ diễn ra trong ngắn hạn.
Để xuất khẩu gạo có chỗ đứng vững chắc tại các thị trường, các doanh nghiệp lúa gạo Việt Nam nên tập trung sản xuất các dòng sản phẩm gạo thơm, gạo cao cấp để xuất khẩu vào các thị trường khó tính. Bên cạnh đó, để tăng giá trị xuất khẩu gạo một cách bền vững thì việc xây dựng thương hiệu là hết sức cần thiết. Bởi lẽ, cùng một chất lượng gạo nhưng loại có thương hiệu tốt có thể sẽ bán được với giá cao hơn 10-20%.
Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu
Theo báo cáo của Sở Công Thương An Giang, quý I/2022, xuất khẩu gạo ước đạt 131,36 nghìn tấn, tương đương 70,76 triệu USD, tăng 1,27% về sản lượng và tăng 2,42% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021. Dự báo 2022, mặt hàng gạo xuất khẩu ước đạt 280 triệu USD, tương đương so với cùng kỳ. Mới đây, địa phương này đã phê duyệt quyết định ban hành Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 5.000 tấn gạo mang thương hiệu An Giang được tiêu thụ cho thị trường nội địa, con số này sẽ được nâng lên gấp đôi đến năm 2030. Đặc biệt, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 xuất khẩu gạo mang thương hiệu An Giang đạt từ 45.000-50.000 tấn, và sẽ được nâng lên gấp đôi đến năm 2030, chiếm tỷ lệ khoảng 10% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của địa phương; tập trung vào các thị trường lớn và thị trường cao cấp như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines...
Bên cạnh đó, Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang còn hướng đến mục tiêu phát triển thương hiệu gạo An Giang được nhận diện cũng như được sự yêu thích của người tiêu dùng vào năm 2025. Từ năm 2026-2030, xây dựng và phát triển “lòng trung thành” của khách hàng đối với gạo thương hiệu An Giang và phấn đấu trở thành thương hiệu gạo quốc gia.
Luôn đau đáu với câu chuyện làm thế nào để gạo Việt Nam đi sâu vào các thị trường khó tính, định vị được thương hiệu, ông Phạm Thái Bình - Tổng giám Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - cho biết, với gạo ST25, mặc dù, doanh nghiệp đang ký đơn hàng xuất khẩu sang thị trường EU với giá khá cao, song gạo chủ yếu phân phối ở cửa hàng người Việt, người Á Châu mà chưa đi vào chuỗi phân phối ở các chuỗi siêu thị lớn ở thị trường EU. Vì vậy, mục tiêu trong năm 2022 mà Trung An hướng tới là đưa gạo Việt thâm nhập vào chuỗi phân phối lớn ở thị trường EU. Để làm được việc này thì điều kiện đầu tiên là phải xây dựng được thương hiệu.
Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời cũng là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam đã có nhiều đơn hàng xuất khẩu gạo sang thị trường EU. Năm 2021, sản lượng gạo xuất khẩu của Lộc Trời chiếm gần 70% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời diễn ra mới đây, ông Philipp Roesler - cựu Phó Thủ tướng Đức, thành viên HĐQT Tập đoàn Lộc Trời - cho biết, gạo của Lộc Trời từ lâu đã đáp ứng được tiêu chuẩn của các thị trường khó tính nhất thế giới và được ưa chuộng tại EU, tuy nhiên, chỉ đang được phân phối dưới thương hiệu của đối tác tại các nước sở tại. Do đó, ông Philipp Roesler cho biết đang góp sức cùng đội ngũ đưa các sản phẩm như: Lộc Trời 28, Jasmine, Vibigaba và Sức sống Mekong… xuất khẩu vào thị trường EU dưới chính thương hiệu Lộc Trời, giúp gạo Lộc Trời không chỉ gia tăng kim ngạch mà còn khẳng định vị thế chất lượng tại thị trường này.
Theo các chuyên gia, việc xuất khẩu gạo vào các thị trường khó tính là một trong những thách thức hàng đầu đối với các doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, một khi đã xuất khẩu thành công sẽ mang lại rất nhiều cơ hội cho lúa gạo Việt Nam. Việc các doanh nghiệp mở rộng thêm thị trường xuất khẩu, giá lúa nguyên liệu tăng ổn định giúp người trồng lúa có lợi nhuận nhiều hơn. Vì vậy, bên cạnh sự chủ động vào cuộc của các địa phương, doanh nghiệp, cần nhiều hơn các chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu gạo Việt.
Năm 2021, trong hạn ngạch 80.000 tấn gạo được ưu đãi thuế xuất từ Hiệp định EVFTA vào EU thì Việt Nam mới chỉ xuất 60.000 tấn. Dư địa thị trường EU nói riêng và các thị trường FTAs còn khá lớn, đặc biệt là các loại gạo chất lượng cao. Muốn khai thác tối đa thì phải có sản phẩm chất lượng và phải có thương hiệu. Đây là vấn đề rất quan trọng.