Tại Hoa Kỳ, lạm phát tăng cao, xu hướng giảm mua hàng may mặc để tiết kiệm chi tiêu… có thể ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam.
Tháng 5/2022, Việt Nam đã xuất 1,67 tỷ USD hàng dệt may sang thị trường Hoa Kỳ , tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 5 tháng đầu năm đạt 7,86 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ.
Con số tăng trưởng này được đánh giá khả quan trong bối cảnh doanh nghiệp dệt may trong nước phải đối mặt với nhiều khó khăn. Từ giá nguyên liệu của ngành sợi có xu hướng tăng cao, đến chi phí vận tải, giá xăng dầu leo thang ảnh hưởng không nhỏ tới chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Cùng đó là những thách thức từ các ngân hàng điều chỉnh lãi suất theo chiều hướng gia tăng…
Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, từ đầu năm tới nay, mặc dù có khó khăn nhưng doanh nghiệp dệt may trong nước vẫn có điểm thuận để tăng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, Trung Quốc vẫn thực hiện chính sách zero Covid-19 nên dệt may Việt Nam có thêm nhiều đơn hàng, bao gồm cả đơn hàng đi Hoa Kỳ khi đón nhận luồng chuyển dịch đầu tư của các nước từ Trung Quốc sang Việt Nam. Mặt khác, các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết cũng là động lực để các doanh nghiệp mở rộng và cơ cấu lại thị trường.
Con số tăng trưởng xuất khẩu khả quan của dệt may Việt Nam sang Hoa Kỳ trong 5 tháng đầu năm được dự báo khó duy trì trong 2 quý còn lại của năm 2022. Bởi lẽ, nhu cầu nhập khẩu dệt may của Hoa Kỳ dự báo sẽ giảm 12 tỷ USD trong thời gian tới, tương ứng 7-10% tổng cầu dệt may của thị trường này.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng đã dẫn kết quả khảo sát của ThredUP (Website bán đồ thời trang cũ): 44% người tiêu dùng Mỹ và 34% thế hệ Z (sinh từ sau năm 1996) sẽ cắt giảm chi tiêu cho hàng may mặc, mức cắt giảm nhiều nhất trong số 5 nhóm hàng họ sẽ cắt giảm chi tiêu gồm: Lương thực, thực phẩm, xăng dầu, nhà hàng, chi phí sinh hoạt cho hộ gia đình.
Khi kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng chậm lại, người tiêu dùng thận trọng hơn trong việc chi tiêu tùy ý cho quần áo để ưu tiên các nhu cầu thiết yếu khác. Đáng chú ý, ngay trong quý đầu tiên của năm 2022, quần áo chỉ chiếm 3,9% tổng chi tiêu của người tiêu dùng Hoa Kỳ, giảm từ 4,3% vào năm 2019 trước đại dịch.
Thực tế, ngày càng có nhiều người tiêu dùng Hoa Kỳ chuyển sang mua sắm đồ cũ để tiết kiệm chi tiêu. Thị trường đồ cũ của Hoa Kỳ dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2026, đạt 82 tỷ USD. Doanh số bán hàng may mặc đã qua sử dụng dự kiến sẽ tăng nhanh hơn 16 lần so với lĩnh vực quần áo bán lẻ ở Hoa Kỳ vào năm 2026.
Một cuộc khảo sát với quy mô 2.000 người trưởng thành tham gia, thực hiện vào tháng 4/2022 tại Hoa Kỳ cũng cho thấy 44% người tiêu dùng cho biết họ đang cắt giảm mua hàng may mặc; 80% cho biết họ đang mua cùng một số lượng hoặc nhiều hơn các mặt hàng quần áo cũ và 25% cho biết họ sẽ cân nhắc mua nhiều mặt hàng quần áo cũ hơn nữa nếu giá tiếp tục tăng.
Những kết quả khảo sát và dự báo trên một lần nữa cho thấy triển vọng xuất khẩu không mấy sáng của dệt may Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ trong những tháng còn lại của năm 2022. Thực tế, thị phần xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam vào Hoa Kỳ quý I/2022 so với cùng kỳ đã giảm từ 19,7% xuống 18,3%.