Cơ hội mới
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, ngành công nghiệp ôtô Việt trong năm 2022 có thể nhìn thấy “cửa sáng” từ triển vọng sản xuất và cung ứng linh kiện, thiết bị gốc (OEM) cho các đối tác lớn trên toàn cầu.
Mới đây, một đơn vị thuộc Thaco Industries là Công ty Sản xuất phụ tùng ôtô (Autocom) đã xuất khẩu gần 8.000 bộ áo ghế xe Kia Bongo cho Công ty Cellmech International Vina (Hàn Quốc).
Dự kiến cả năm 2022, nhà máy Autocom sẽ xuất khẩu 107.000 bộ áo ghế xe Kia Bongo (tăng 18,5% so với năm 2021), đồng thời cung cấp nhiều sản phẩm khác như: Bọc cần số, áo ghế Kia Rio, áo ghế Hyundai i30, áo ghế Hyundai AX... cho đối tác này.
Hoặc như tháng 4/2022, nhà máy linh kiện thân vỏ ôtô (thuộc Thaco Industries) đã xuất khẩu lô hơn 700 bộ cốp xe KIA Carnival sang Malaysia, đánh dấu bước phát triển mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, bởi đây là sản phẩm đầu tiên của nhà máy được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Hay như Toyota Việt Nam, 6 tháng năm 2022 xuất khẩu linh kiện , phụ tùng đạt doanh thu 37 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.
Với kết quả ấn tượng trên, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhìn nhận, tại thời điểm này một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại những lĩnh vực như: Sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa - cao su kỹ thuật; săm lốp các loại. Các sản phẩm này đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và được xuất khẩu tới nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo các chuyên gia kinh tế, nhiều linh kiện, phụ tùng ôtô Việt Nam xuất khẩu có công nghệ tương đối cao như: Bộ dây đánh lửa, phụ tùng trong hộp số, túi khí an toàn... Chuyên gia ôtô Nguyễn Minh Đồng cho hay, các sản phẩm như sơn, đệm ghế, thuộc da, hay dây điện ôtô, hiện Việt Nam đã sản xuất được. Sản phẩm cao hơn là hệ thống khung gầm tiêu chuẩn, body xe cũng được các doanh nghiệp làm tốt.
Nâng tầm năng lực sản xuất
Theo bà Trương Thị Chí Bình - Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), trong 5 năm trở lại đây, từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trở nên căng thẳng thì việc những nhà thu mua toàn cầu tìm kiếm các nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng tại Việt Nam đã tăng cả về chiều sâu và chiều rộng.
Theo lãnh đạo Cục Công nghiệp, trong số 350 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ôtô ở Việt Nam hiện nay, có tới 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ôtô… Tuy nhiên, để các doanh nghiệp này trở thành nhà cung ứng OEM không phải là điều đơn giản. “Nếu muốn ngành công nghiệp ôtô Việt Nam có thêm những nhà cung ứng OEM cho các đối tác lớn trên toàn cầu, các doanh nghiệp của khối nội cần tiếp tục tái cấu trúc mạng lưới sản xuất và nâng cao chuỗi giá trị. Điều này đòi hỏi việc xây dựng năng lực và sự sẵn sàng của các doanh nghiệp về tư duy, công nghệ, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng…” - lãnh đạo Cục Công nghiệp cho biết.
Tổng thư ký Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cũng nhận định, tác động của việc dịch chuyển chuỗi cung ứng giúp cho những đơn hàng linh kiện, phụ tùng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam lớn hơn rất nhiều so với những đơn hàng mà hiện giờ các doanh nghiệp Việt đang sản xuất và cung cấp trong nước hoặc xuất khẩu. Nhờ thế, các doanh nghiệp nội địa trong mảng phụ kiện sẽ cần phải gia tăng năng lực sản xuất để đáp ứng sự chuyển dịch đơn hàng này.
Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực xuất khẩu linh kiện ôtô cũng như tận dụng ưu đãi thuế quan từ các FTA, giới chuyên gia cho rằng, cần triển khai các chương trình kết nối kinh doanh nhằm tăng cường liên kết, liên doanh giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ôtô trong nước với các doanh nghiệp lớn trên thế giới để tạo dựng thị trường.
Ngoài ra, để xuất khẩu ở lĩnh vực này không bị chững lại do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, giới chuyên gia cho rằng, rất cần thêm những chính sách lớn khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước. Nhất là việc tiếp cận, đầu tư đổi mới công nghệ, tiêu chuẩn hóa sản phẩm và tham gia chuỗi giá trị với các sản phẩm lợi thế, đủ sức cạnh tranh để xuất khẩu linh kiện ôtô.
Các doanh nghiệp ôtô cũng kiến nghị xem xét bổ sung sản phẩm ôtô vào danh mục công nghệ cao, khuyến khích sản xuất, từ đó giúp doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, mở rộng sản xuất, tăng tỷ lệ nội hóa, hướng tới xuất khẩu.