Theo báo cáo của Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 49,26 tỷ USD, tăng 20%, chiếm 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 136,68 tỷ USD, tăng 16,3%, chiếm 73,5%.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương dự báo từ nay đến cuối năm, hoạt động xuất khẩu sẽ đối mặt nhiều khó khăn. Đến hết quý 3/2022, việc bảo đảm vị thế xuất siêu sẽ là thách thức, khi nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu chịu ảnh hưởng của lạm phát và suy thoái, nhất là ở các thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU.
Lạm phát tăng cao ở những thị trường này sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ, đặc biệt là đối với các mặt hàng tiêu dùng, gia dụng… điều này sẽ ảnh hưởng đến các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng, giá cước vận tải tăng mạnh do giá xăng dầu tăng cao... cũng gây bất lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Một lo ngại nữa, trong thời gian tới, hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải đối mặt với giá nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu tăng cao sẽ tác động đến giá hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine hiện cũng chưa có dấu hiệu chấm dứt, Nga lại là quốc gia xuất khẩu nguyên liệu nhiên liệu cơ bản.
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, cho rằng để tháo gỡ những khó khăn này cần tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương về thông tin thị trường, định hướng sản xuất.
Theo đó, đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu, ưu tiên số hóa các hoạt động xuất khẩu và xúc tiến xuất khẩu qua môi trường số. Xúc tiến thương mại nên kết hợp nhuần nhuyễn trực tiếp và trực tuyến, tiếp thị trên môi trường số.
Đồng thời thúc đẩy thực hiện các giải pháp xuất khẩu chính ngạch. Khai thác tốt nhất các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký.
Các đơn vị theo chức năng của Bộ cần tăng cường nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành như: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và công nghệ, các địa phương để đàm phán phát triển thị trường, đa dạng sản phẩm xuất khẩu; truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý...
Bổ sung thêm, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, cho biết 6 tháng cuối năm, Cục sẽ tiếp tục triển khai tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại lớn với phương thức xúc tiến thương mại trực tiếp, trực tuyến phù hợp với tình hình thực tế của thị trường.
Đồng thời, triển khai hiệu quả đoàn giao dịch thương mại, đoàn xúc tiến đầu tư tại Việt Nam và nước ngoài quy mô lớn, tập trung khai thác các thị trường mà Việt Nam đã có FTA.
Phối hợp với các vụ thị trường, Thương vụ tổ chức chuỗi chương trình giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường nước ngoài định kỳ hàng tháng để tìm kiếm các cơ hội xuất khẩu.
Đưa ra các giải pháp cho xuất khẩu của Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết Sở sẽ theo dõi sát diễn biến của dịch Covid-19 và các tác động về kinh tế từ xung đột Nga-Ukraine, từ đó kịp thời tham mưu những giải pháp thích ứng kịp thời.
Sở sẽ thông báo cập nhật kịp thời đến doanh nghiệp các thông tin thị trường xuất nhập khẩu, các chính sách mới về xuất nhập khẩu của Chính phủ, Bộ Công Thương và tình hình xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu biên giới.
Phối hợp, tổ chức các chương trình, hội nghị tập huấn nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước theo hình thức trực tiếp và trực tuyến cho các doanh nghiệp nhằm thâm nhập hệ thống phân phối tại nước ngoài, chú trọng các nước là thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
"Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan tham mưu với Chính phủ các giải pháp nhằm ổn định nguồn cung, ổn định giá xăng dầu và các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ sản xuất để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh", bà Lan đề xuất.