Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 7/2023, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông sản đạt 2,32 tỷ USD, tăng 27%; nhóm chăn nuôi đạt 45 triệu USD, tăng 35,6%; nhóm thủy sản đạt 800 triệu USD, giảm 15%; nhóm lâm sản đạt 1,24 tỷ USD, giảm 11%; nhóm đầu vào sản xuất đạt 210 triệu USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 7 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 29,13 tỷ USD, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm trước.
Rau quả, gạo, sản phẩm chăn nuôi tăng trưởng mạnh
Về thị trường xuất khẩu trong 7 tháng, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản tới các thị trường thuộc khu vực châu Á đạt 14,06 tỷ USD, tăng 2,3%; châu Mỹ đạt 6,52 tỷ USD, giảm 29,2%; châu Âu đạt 3,29 tỷ USD, giảm 13,3%; châu Phi đạt 573 triệu USD, tăng 14,1%; châu Đại Dương đạt 408 triệu USD, giảm 25,6% so với cùng kỳ năm trước.
Xét về từng ngành hàng trong 7 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước, nếu giá trị xuất khẩu nhóm thuỷ sản đạt 4,95 tỷ USD, giảm 25,4%; lâm sản 7,79 tỷ USD, giảm 25,5%; đầu vào sản xuất đạt 1,13 tỷ USD, giảm 25,1%, thì nhóm nông sản đạt gần 14,99 tỷ USD, tăng 13,2%, trong đó rau quả, gạo, sản phẩm chăn nuôi, hạt điều, cà phê vẫn điểm sáng.
Trong 7 tháng, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất; giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 21,9%, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước; Hoa Kỳ chiếm 20,4%, giảm 29,3%; và Nhật Bản chiếm 7,6%, giảm 6,9% so với cùng kỷ năm ngoái.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 7 tháng tăng trưởng vô cùng ấn tượng với mức tăng 68,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt tới 3,23 tỷ USD.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, một trong những động lực tăng trưởng của ngành rau quả xuất khẩu là mặt hàng sầu riêng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sầu riêng đạt khoảng 850 triệu USD, gấp đôi cả năm 2022, trong đó, 90% được xuất sang Trung Quốc.
Dự kiến năm 2023, xuất khẩu sầu riêng của cả nước đạt 1,2 - 1,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, các loại trái cây khác của Việt Nam cũng “tấp nập” xuất khẩu sang Trung Quốc, do nhu cầu nhập khẩu tại thị trường này tăng cao.
Ngoài thị trường Trung Quốc, rau quả xuất khẩu tới Hàn Quốc, Hà Lan, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao trong nửa đầu năm 2023. Dự báo, xuất khẩu rau quả có thể chạm mốc 5 - 5,3 tỷ USD trong năm 2023.
Với ngành hàng lúa gạo, kim ngạch xuất khẩu 7 tháng năm 2023 đạt 2,58 tỷ USD, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm trước. Giá gạo bình quân 7 tháng đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, sau khi Chính phủ Ấn Độ ra lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng không thuộc dòng basmati, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam vào cuối tháng 7/2023 đã tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái lên 558 USD/tấn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng xuất khẩu gạo 5 tháng cuối năm sẽ càng sôi động. Sản xuất thắng lớn khi cơ cấu giống lúa có nhiều chuyển biến, năng suất cao. Nhu cầu nhập khẩu tại thị trường như Philippines, Trung Quốc và Malaysia đều tăng mạnh.
Đặc biệt, từ khi Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa gạo, các quốc gia Trung Quốc, Philipines, Indonesia đang tranh mua gạo Việt Nam. Cùng với đó, gạo xuất khẩu sang các thị trường mới như Indonesia, một vài quốc gia châu Phi tăng đột biến. Ngoài ra, gạo thơm Việt Nam thực hiện xúc tiến thương mại thêm tại các thị trường ngách và ngày càng có vị thế riêng đã giúp bức tranh xuất khẩu có thêm nhiều thành tích.
Nhiều mặt hàng khác cũng đang thuận lợi về xuất khẩu, trong đó sản phẩm chăn nuôi đạt kim ngạch 276 triệu USD trong 7 tháng, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu hạt điều đạt 1,95 tỷ USD, tăng 9,8% so với 7 tháng của năm trước. Xuất khẩu cà phê trong 7 tháng đạt 2,76 tỷ USD, tăng 6%; đặc biệt giá cà phê xuất khẩu bình quân đạt 2.540 USD/tấn, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngành gỗ đã nhìn thấy tín hiệu khởi sắc
Gỗ là ngành xuất khẩu chủ lực, đóng góp lớn cho kim ngạch thương mại của Việt Nam, với kim ngạch mỗi năm trên dưới 15 tỷ USD. Trong bối cảnh thị trường Mỹ luôn chiếm 60-65% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ, thì bất kỳ một động thái nào từ thị trường này cũng ảnh hưởng rất lớn đến ngành gỗ Việt Nam.
Ngày 17/7/2023, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành Phán quyết cuối cùng vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mặt hàng gỗ dán cứng nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo đó, DOC đã xem xét lại 3 kịch bản trong số 5 kịch bản sản xuất lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp. Hai kịch bản sản xuất bị DOC cho là lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp bao gồm: Tấm mặt trước, sau và các tấm lõi riêng biệt được sản xuất ở Trung Quốc và được lắp ráp thành gỗ dán cứng tại Việt Nam; những tấm lõi riêng lẻ được sản xuất tại Trung Quốc và chế biến thành một tấm lõi ở Việt Nam và được kết hợp với một tấm mặt trước và/hoặc sau được sản xuất ở Việt Nam và quốc gia thứ ba khác.
"DOC sẽ áp mức thuế dựa vào thông tin bất lợi sẵn có cho 37 doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ từ Việt Nam. Mức đặt cọc nêu trong phán quyết sơ bộ là 183,36% cho thuế chống bán phá giá (AD) và 22,98% cho thuế chống trợ cấp (CVD). Các doanh nghiệp này đồng thời không được hưởng cơ chế tự xác nhận".
Theo phán quyết của DOC.
DOC đã đưa 2 doanh nghiệp ra khỏi danh sách 22 doanh nghiệp thất bại trong trả lời bảng hỏi đó là Công ty CP An An Plywood và Công ty CP Greatwood Hưng Yên. Cùng với đó, 4 doanh nghiệp được xác định là hợp tác trong phán quyết sơ bộ.
Về kết quả xuất khẩu của ngành gỗ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay trong nửa đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chỉ đạt 6 tỷ USD, giảm 28,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong tháng 7/2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 1,1 tỷ USD, đưa kim ngạch 7 tháng lên 7,1 tỷ USD, vẫn giảm tới 25% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy vậy, con số kim ngạch của tháng 7/2023 đã gần ngang bằng với kim ngạch của tháng 7/2022 – cho thấy tín hiệu xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã phục hồi.
Trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu gỗ giảm mạnh, khiến nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng từ 20 - 50%. Nhưng đến thời điểm này, các doanh nghiệp đã bắt đầu nhận được những đơn hàng mới.
Theo ông Huỳnh Quang Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Long, trong quý 3/2023, tình hình sẽ bình thường trở lại, nhưng để đơn hàng nhiều như năm 2022 sẽ khó. Những doanh nghiệp nào có thị trường rộng, và nhất là đi vào thị trường ngách sẽ tồn tại vững hơn.
Ông Lý Vĩnh Hùng, Giám đốc Công ty Gỗ nội thất Lyprodan, nhận định rằng thị trường đã bắt đáy và theo quy luật khi chạm đáy rồi sẽ từ từ lên. Do đó, dự báo năm 2024 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ phục hồi, vấn đề là nhanh hay chậm. Hiện, Công ty đã nhận được một số đơn hàng cho vụ mới, cũng đã có khách hỏi báo giá, mẫu đã có.
“Chúng tôi đang tiếp xúc với một số khách và tình hình đơn hàng 2024 khá khả thi, đó là cái mừng cho ngành gỗ. Có thể đến năm 2024 xuất khẩu gỗ sẽ phục hồi trở lại”, ông Lý Vĩnh Hùng nói.
Với những tín hiệu tốt trong tháng 7, ngành gỗ đang kỳ vọng 5 tháng cuối năm sẽ phục hồi tăng trưởng để kim ngạch xuất khẩu cả năm vẫn bằng với năm ngoái.